Các chuyên gia y tế ở Nhật Bản cho biết đất nước đang đối mặt với "thảm họa" COVID-19 và kêu gọi chính phủ hành động ngay lập tức để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Shigeru Omi, cố vấn cấp cao của chính phủ về COVID-19, cho biết: “Nếu các ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng với tốc độ hiện tại, chúng tôi sẽ không thể cứu sống những người có thể cứu được. Điều này đã xảy ra, tình hình giống như một thảm họa”.
Cảnh báo được đưa ra khi các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng khán giả sẽ bị cấm tham gia hầu hết các sự kiện tại Paralympics, dự kiến khai mạc vào ngày 24/8.
|
Số ca mắc COVID-19 hàng ngày vượt 20.000 ca, Nhật Bản lo ngại về khả năng sụp đổ của hệ thống y tế |
Với sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 và không có dấu hiệu giảm bớt, Thủ tướng Suga Yoshihide dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với các bộ trưởng liên quan vào tuần tới về việc mở rộng tình trạng khẩn cấp ra bên ngoài Tokyo và các tỉnh khác.
Tokyo, sau hơn một tháng được đặt trong tình trạng khẩn cấp, ghi nhận 5.773 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trong 24 giờ qua. Tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 7 ngày tại đây đã tăng lên 4.155,7 ca/ngày, tăng 8,8% so với tuần trước, đồng thời ghi nhận kỷ lục 227 bệnh nhân với các triệu chứng nghiêm trọng.
Thủ tướng Suga, người đã kêu gọi người dân tránh đi du lịch trong kỳ nghỉ hè, cam kết sẽ làm việc với chính quyền địa phương để thiết lập một hệ thống liên lạc với những người nhiễm SARS-CoV-2 đang điều trị và hồi phục sức khỏe tại nhà.
"Tôi tin rằng hệ thống y tế ở Tokyo đang trong tình trạng tồi tệ. Trong hoàn cảnh như vậy, trách nhiệm lớn nhất của chính phủ là bảo vệ cuộc sống của người dân", Thủ tướng Suga nói trong cuộc họp báo.
Các trường hợp bệnh nhân COVID-19 ở độ tuổi 40-50 chuyển biến nặng đang gia tăng nhanh chóng trên toàn quốc kể từ giữa tháng 7 do việc tiêm chủng chậm chạp. Ngoài ra, những người trẻ tuổi cũng nằm trong số những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng, được xác định là những người cần được hỗ trợ bằng máy thở trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Các chuyên gia y tế tại cuộc họp với chính quyền Tokyo mô tả tình trạng dịch COVID-19 hiện tại ở thủ đô là "một tình huống khẩn cấp cấp độ thiên tai không thể kiểm soát được".
Các khu vực lân cận Tokyo cũng đang vật lộn để đối phó với số lượng bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện tăng cao.
Tomoki Nakamori, Trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện Yokohama Rosai, tỉnh Kanagawa, cho biết bệnh viện phải từ chối 30 trong số khoảng 40 người yêu cầu nhập viện mà họ nhận được mỗi ngày do các giường bệnh gần như đã kín chỗ.
Thái Lan dự kiến vượt 45.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày
Thái Lan đã vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất cho đến nay, trung bình hàng ngày ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới và 180 ca tử vong trong tuần qua. Lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19 Thái Lan cho biết các hạn chế đi lại hiện tại và các biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong tháng qua vẫn chưa có tác dụng kiểm soát dịch.
Trong ngày 13/8, Thái Lan ghi nhận kỷ lục thêm 23.418 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp tại đây lên hơn 860.000 ca, cùng 7.126 người tử vong.
|
Thái Lan cố gắng đẩy nhanh quá trình tiêm chủng khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao |
Taweesin Wisanuyothin, phát ngôn viên Lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19 của Thái Lan, nói trong một cuộc họp báo: “Việc ngăn chặn đã có hiệu quả 20% nhưng số ca nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng, dự kiến khoảng 45.000 ca/ngày vào đầu hoặc giữa tháng 9”.
Sự lây lan diện rộng đã gây áp lực lên các dịch vụ y tế ở thủ đô Bangkok, nơi ghi nhận 5.140 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Khoảng 129.000 bệnh nhân đã được đưa về các tỉnh điều trị kể từ tháng 7 nhằm cố gắng giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế ở Bangkok.
Nhân viên y tế Philippines căng thẳng vì số ca mắc COVID-19 tăng vọt
Trong ngày 13/8, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận hơn 13.000 ca mắc mới COVID-19, con số cao nhất trong hơn 4 tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 1,71 triệu ca, cao thứ 2 ở Đông Nam Á sau Indonesia.
Tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ khiến hàng trăm bệnh viện nước này đang gần hết công suất, một số cơ sở y tế cho biết họ không còn giường trong phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19. Trong khi các nhân viên y tế buộc phải làm việc nhiều giờ hơn dẫn đến kiệt sức.
|
Nhân viên y tế Philippines kiệt sức vì dịch COVID-19 ngày càng trầm trọng |
Maria Caridad delos Reyes, y tá tại Bệnh viện đa khoa Philippines, cho biết: “Thông thường, tỷ lệ y tá trên bệnh nhân ở các khu là 1-5, nhưng chúng tôi đang chăm sóc tới 12 bệnh nhân. Đáng lẽ chúng tôi phải có thời gian nghỉ ngơi, nhưng vì quá bận rộn, chúng tôi bỏ bữa, đặc biệt là khi chúng tôi đang chăm sóc bệnh nhân COVID-19 từ mức độ trung bình đến nặng”.
Thủ đô Manila với hơn 13 triệu dân, vẫn đang bị đặt trong tình trạng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, trong khi chính phủ cố gắng đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.
Người phát ngôn Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết trong một cuộc họp báo, sẽ mất từ 2-3 tuần trước khi tác động của biện pháp phong tỏa có hiệu quả, đồng thời kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm chủng và tuân theo các quy trình chăm sóc sức khỏe.
Minh Hương, Chung Thu Hương (theo Japan Today, Reuters)