Nhật Bản đối thoại đầu tư với châu Phi

28/08/2019 - 14:00

PNO - Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc đàm phán phát triển với các nhà lãnh đạo châu Phi trong tuần này, nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trên lục địa đen...

Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc đàm phán phát triển với các nhà lãnh đạo châu Phi trong tuần này, nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trên lục địa đen và đưa ra một giải pháp thay thế cho các khoản đầu tư từ Trung Quốc vốn ngày càng tăng nhanh.

Nhat Ban doi thoai dau tu voi chau Phi
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ tập trung đầu tư vào chất lượng cho các dự án tại châu Phi, chứ không chạy đua về số lượng như Trung Quốc - Ảnh: AFP

Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe - cho biết, ông muốn Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi (TICAD) lần này tại Tokyo sẽ giúp “khởi động chương trình giúp tạo ảnh hưởng của Nhật Bản” tại khu vực.

Cuộc họp, được tổ chức khoảng 5 năm một lần, kể từ năm 1993, tại Nhật hoặc một quốc gia châu Phi, là bước đi đối trọng với chính sách đầu tư mở rộng của Trung Quốc. Bắc Kinh cung cấp gói tài trợ phát triển cho châu Phi trị giá 60 tỷ USD vào năm 2018 - cao gấp đôi so với những gì Nhật Bản cam kết tại TICAD cuối năm 2016. Năm nay, chừng như Nhật Bản muốn tập trung vào nội dung, thay vì tìm cách chi mạnh hơn so với Trung Quốc.

Nhật hiện muốn xây dựng hình ảnh về một đối tác “chất lượng”, cung cấp các khoản vay mang tính tác động cao và cung cấp hỗ trợ khác mà không đi kèm nỗi lo về “bẫy nợ” như Bắc Kinh. Thủ tướng Nhật nói ông muốn thúc đẩy tăng trưởng của châu Phi “với sự phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, công nghệ khoa học và đổi mới”.  Sawaka Takazaki - Phó giám đốc bộ phận Trung Đông và châu Phi của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) - thừa nhận, TICAD là cơ hội tốt để Nhật gửi thông điệp về “cho vay thực tế, có kế hoạch bền vững”.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã cung cấp hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, được nhiều quốc gia châu Phi háo hức đón nhận. Nhưng ở nhiều nơi, sáng kiến này bị chỉ trích vì ủng hộ các công ty và công nhân Trung Quốc hơn là giúp phát triển nền kinh tế địa phương, khiến nhiều quốc gia phải gánh nợ, cũng như bỏ qua các vấn đề về quyền con người và môi trường. Masahiko Kiya - nhà ngoại giao Nhật Bản phụ trách hội nghị - nhận định, nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi “có thể trở thành gánh nặng nợ đáng kể đối với một số quốc gia”.

Nhật nói họ sẽ cung cấp nguồn tài chính thuận lợi hơn và không có điều khoản độc quyền thường thấy như Trung Quốc. Trong số các khoản vay mà Tokyo dự kiến ​​sẽ công bố có gói hỗ trợ 400 tỷ yên (3,8 tỷ USD) dành cho việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm mở rộng cơ sở sản xuất điện gió ở Ai Cập, cũng như xây dựng đơn vị năng lượng địa nhiệt ở Kenya và Djibouti. Chính phủ Nhật và Ngân hàng Phát triển châu Phi cũng sẽ công bố kế hoạch cung cấp hơn 300 tỷ yên cho các khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng “chất lượng và minh bạch”.

Dù sao, Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài phía trước để khẳng định vị trí của mình tại lục địa đen. Theo báo cáo từ JETRO, cổ phiếu đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở châu Phi đứng ở mức 7,8 tỷ USD vào cuối năm 2017. Con số này thấp hơn nhiều so với 43 tỷ USD của Trung Quốc. Trong khi xuất khẩu của Nhật sang châu Phi năm 2018 đã giảm hơn 27% so với mức năm 2008, Trung Quốc đã tăng gần 50% lượng hàng xuất khẩu sang lục địa này trong thập niên qua. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI