Nhật Bản đối phó với dịch cúm phức tạp

09/01/2025 - 20:22

PNO - Ngày 9/1, theo số liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy, số ca cúm mới ở nước này đã đạt mức cao kỷ lục vào cuối tháng 12/2024.

Chính phủ Nhật Bản cho biết hôm thứ sáu rằng số bệnh nhân cúm được báo cáo tại các cơ sở y tế được chỉ định trên khắp Nhật Bản vào cuối năm đã đạt mức cao nhất kể từ khi dữ liệu so sánh được công bố vào năm 1999.
Chính phủ Nhật Bản cho biết số bệnh nhân cúm ghi nhận tại các cơ sở y tế đã đạt mức cao nhất kể từ khi dữ liệu so sánh được công bố vào năm 1999 - Ảnh: Getty

Theo số liệu thống kê của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản công bố, số bệnh nhân mắc cúm mùa tại xứ sở mặt trời mọc trung bình 1 tuần đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1999, trong đó xuất hiện những biến chứng đáng lo ngại liên quan đến não và phổi.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong tuần tính đến ngày 29/12/2024, tại khoảng 5.000 cơ sở y tế có 317.812 bệnh nhân mắc bệnh cúm, tăng tới 100.000 ca so với tuần trước đó.

Tính trung bình, mỗi cơ sở y tế có thêm khoảng 64,39 ca, tăng 21,73 ca so với tuần trước, con số cao nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu công tác thống kê vào năm 1999.

Đây là tuần tăng thứ 10 số ca nhiễm cúm tăng liên tiếp. Tình trạng này kéo theo sự thiếu hụt một số loại thuốc điều trị cúm.

Biểu đồ theo dõi số ca mắc cúm tại Nhật Bản do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cung cấp cho thấy, trong tháng 12/2024, biểu đồ phát triển theo phương thẳng đứng. Theo các chuyên gia y tế Nhật Bản, đây là sự bất thường so với cùng thời điểm của nhiều năm trước.

Trong đó, hầu hết các địa phương đều ghi nhận số ca mắc mới trong tuần cao hơn tuần trước và 43/47 tỉnh đã phát cảnh báo về bệnh cúm mùa, vốn được sử dụng khi số ca mắc cúm trung bình vượt quá 30 ca/cơ sở y tế.

Vào cuối năm 2024, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã báo cáo Nhật Bản đang chứng khiến số lượng lớn bệnh nhân mắc cùng lúc 2 bệnh: viêm phổi do mycoplasma và cúm mùa.

Cúm thường gây sốt cùng với các triệu chứng như đau họng, ho, sổ mũi và đau đầu. Viêm phổi do mycoplasma thường biểu hiện bằng ho dữ dội, nhưng sốt ít xảy ra hơn. Khi mắc cả hai bệnh, các triệu chứng kết hợp có thể nghiêm trọng, với sốt cao, ho dữ dội và khó thở.

Theo các chuyên gia y tế Nhật Bản, cả hai bệnh này chủ yếu lây lan qua đường giọt bắn. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm tránh tiếp xúc gần với người khác, rửa tay kỹ lưỡng và giữ sạch các bề mặt như tay nắm cửa và lan can. Ngủ đủ giấc, uống đủ nước và duy trì chế độ ăn uống bổ dưỡng cũng rất quan trọng.

Thảo Nguyễn (theo Kyoto, Mainichi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI