Nhật Bản có thể cho 10.000 khán giả đến xem một sự kiện Olympic Tokyo

17/06/2021 - 10:42

PNO - Tối đa 10.000 người có thể được phép đến xem các sự kiện Olympic Tokyo vào mùa hè này, sau khi các chuyên gia y tế Nhật Bản hôm 16/6 thông qua kế hoạch tăng số lượng khán giả tại các địa điểm thi đấu thể thao.

 

Sân vận động Quốc gia Tokyo. Kế hoạch mới thông qua sẽ cho phép 10.000 khán giả đến sân, hoặc chỉ được phép lấp đầy 50% sức chứa của một địa điểm thi đấu - Ảnh: Shutterstock
Sân vận động Quốc gia Tokyo - Ảnh: Shutterstock

Ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Giám sát ứng phó COVID-19 của Nhật Bản, cho biết biện pháp được đề xuất sẽ có hiệu lực sau khi tình trạng khẩn cấp phòng chống đại dịch ở Tokyo và các địa phương khác trên đất nước kết thúc vào ngày 20/6, và có thể sẽ kéo dài đến cuối tháng 8 năm nay.

“Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì các biện pháp chống lây nhiễm triệt để nhằm ngăn chặn sự tái gia tăng các ca nhiễm mới, đặc biệt là khi chúng ta tiên liệu sự lây lan của biến thể Delta (tên gọi mới của biến chủng virus B.1.617.2 lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ)”, ông Nishimura báo cáo trước một ban cố vấn của chính phủ có trách nhiệm phê duyệt số lượng khán giả Olympic Tokyo.

Khán giả hiện chỉ được giới hạn ở mức 5.000 người hoặc 50% sức chứa của một địa điểm, lấy theo con số nào nhỏ hơn.

Cho đến cuối tháng này, Ủy ban tổ chức Tokyo 2020 sẽ không đưa ra quyết định cuối cùng về việc có cho phép khán giả trong nước đến xem các sự kiện Olympic hay không, trong bối cảnh nhà chức trách lo ngại việc cho phép một số lượng lớn người đến các địa điểm thi đấu có thể làm bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ năm ở Nhật Bản.

Thông báo cuối cùng về số người tham dự sẽ được đưa ra sau khi cân nhắc tình trạng lây nhiễm COVID-19 và sự lây lan của các biến thể mới, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Katō cho biết.

Bộ trưởng Nishimura cho biết, các chuyên gia y tế đã đồng ý với một kế hoạch của chính phủ cho phép tăng lượng khán giả nếu như không có biện pháp kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch đặc biệt nào được thực thi.

Tokyo, Osaka và 8 tỉnh khác đang trong tình trạng khẩn cấp, theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 20/6 sắp tới. Các quán bar và nhà hàng bị cấm bán rượu và phải đóng cửa lúc 8g tối, trong khi người dân được khuyến cáo tránh ra ngoài khi không cần thiết và các công ty được khuyến nghị cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Ông Nishimura, kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, cho biết còn quá sớm để cho rằng các biện pháp phòng chống đại dịch sẽ được dỡ bỏ vào Chủ nhật tới nếu áp lực đối với giường bệnh và số ca nhiễm giảm ít hơn so với dự kiến.

Hãng tin Kyodo dẫn lời bộ trưởng Nishimura cho biết: “Bây giờ là thời điểm quan trọng để kêu gọi công chúng ngăn chặn lây nhiễm và đưa ra các sáng kiến ​​để có được nguồn cung cấp giường bệnh ổn định”. Truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin, quyết định về việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp có thể được đưa ra vào thứ Năm (17/6).

Ông Takaji Wakita, người đứng đầu ban chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, cảnh báo về khả năng gia tăng các ca nhiễm bệnh trong tương lai gần khi mọi người ra ngoài nhiều hơn ở một số khu vực, bao gồm cả Tokyo. Ông nói: “Khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, điều quan trọng là các hạn chế cần được dỡ bỏ dần dần”.

Các báo cáo mới đây cho thấy Nhật Bản có khả năng sẽ giữ lại một số quy định về giờ mở cửa của nhà hàng và các doanh nghiệp thu hút nhiều người.

Mặc dù tránh được COVID-19 bùng phát dữ dội như ở Anh và Mỹ, nhưng đến nay Nhật Bản cũng ghi nhận hơn 772.000 ca nhiễm và hơn 14.000 trường hợp tử vong - một con số tương đối cao ở các nước khu vực Đông Á. Ngoài ra, việc triển khai vắc xin ở Nhật Bản còn thua xa các nước có nền kinh tế lớn khác, đến nay mới chỉ hơn 5% dân số Nhật được tiêm chủng đầy đủ.

Khi cấm người hâm mộ thể thao nước ngoài đến sự kiện Thế vận hội mùa hè ở Tokyo, chính phủ Nhật Bản muốn hạn chế số lượng khán giả trong nước tại các địa điểm tổ chức sự kiện để tạo ra bầu không khí sôi động. Sự hiện diện của họ cũng sẽ được các vận động viên, những người phải đối mặt với khoảng thời gian không mấy vui vẻ ở Tokyo hoan nghênh.

Hôm 15/6, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã cảnh báo vận động viên nào vi phạm các quy tắc phòng chống COVID-19 sẽ phải đối mặt với một loạt hình phạt, bao gồm trục xuất tạm thời hoặc vĩnh viễn khỏi các sự kiện Thế vận hội.

Cẩm Hà (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI