Nhật Bản cấm cha mẹ trừng phạt con cái bằng bạo lực

20/03/2019 - 14:00

PNO - Sau một số trường hợp bạo hành gây tử vong dưới danh nghĩa “dạy dỗ”, Chính phủ Nhật Bản phê duyệt kế hoạch cấm cha mẹ và những người giám hộ khác trừng phạt trẻ em bằng bạo lực.

Hôm thứ Ba 19/3, Chính phủ đặt mục tiêu thông qua dự luật sửa đổi luật phòng chống lạm dụng trẻ em và luật pháp liên quan trong phiên họp quốc hội đang diễn ra, dự kiến có hiệu lực vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, hiện chưa có khung hình phạt cho người phạm tội.

Thủ tướng Shinzo Abe nói tại một cuộc họp trước khi đưa ra dự luật cho nội các xem xét: "Trách nhiệm của tất cả người lớn là bảo vệ cuộc sống của trẻ em. Chúng tôi sẽ làm việc mạnh mẽ và nhanh chóng trong việc thực hiện các bước nhằm ngăn chặn lạm dụng trẻ em".

Theo những thay đổi trong kế hoạch, cha mẹ, cha mẹ nuôi và nhân viên phúc lợi sẽ bị cấm trừng phạt trẻ em như một biện pháp kỷ luật.

Nhat Ban cam cha me trung phat con cai bang bao luc
Ước tính có 1/7 trẻ em tại Nhật Bản phải chịu đựng sự bạo hành từ cha mẹ hoặc người giám hộ.

Luật phòng chống lạm dụng trẻ em hiện hành quy định rằng các hành vi tấn công và dâm dục cấu thành tội lạm dụng. Nhưng khi nói đến việc kỷ luật trẻ em, luật chỉ ghi rằng "nó có thể được áp dụng một cách thích đáng nhằm thực hiện đúng" quyền lực của cha mẹ.

Việc sửa đổi theo kế hoạch cũng tăng cường khả năng "can thiệp" của các trung tâm phúc lợi trẻ em vào những vụ lạm dụng, bằng cách phân định nhân viên chịu trách nhiệm đưa trẻ em vào cơ sở chăm sóc và nhân viên xử lý người giám hộ của trẻ.

Nỗ lực giải quyết vấn đề lạm dụng trẻ em thông qua các thay đổi hợp pháp được thúc đẩy sau cái chết của cô bé Yua Funato, 5 tuổi, ở khu Meguro, Tokyo vào tháng 3/2018. Yua đã để lại lời cầu xin cha mẹ "tha thứ" và ngừng ngược đãi.

Tương tự là trường hợp lạm dụng tại Noda, tỉnh Chiba, vào tháng 1/2019. Trong vụ án, bé Mia Kurihara, 10 tuổi, tử vong tại nhà do ảnh hưởng từ việc bạo hành bởi người cha Yuichiro, 41 tuổi, mà mẹ cô bé, Nagisa đã không can thiệp.

Trong cả hai trường hợp, các phụ huynh không nhận ra hành vi của họ là lạm dụng thể xác. Các trung tâm phúc lợi trẻ em có thể tạm thời đưa trẻ vào quyền giám hộ bảo vệ, nhưng không thể làm gì khác trước sự từ chối can thiệp từ phía cha mẹ.

Nhat Ban cam cha me trung phat con cai bang bao luc
Bé Yua Funato gửi thư cầu cứu đến trường học, nhưng nhà trường không xử lý mà chuyển về hội đồng giáo dục địa phương, sau đó chính nơi này trao lại lá thư cho cha cô bé, khiến sự việc càng tồi tệ.

Mặt khác, luật sửa đổi dự kiến đưa ra các nghĩa vụ bảo mật cho trường học, hội đồng giáo dục và trung tâm phúc lợi trẻ em sau khi bản ghi chú mà Mia viết để cảnh báo trường học về việc lạm dụng đã được ban giáo dục địa phương chuyển lại cho cha cô bé, khiến quá trình bạo hành càng nghiêm trọng hơn.

Các sửa đổi cũng kêu gọi tăng cường liên lạc với trung tâm tư vấn bạo lực gia đình, vì các bà mẹ thường phải chịu bạo lực trong các vụ lạm dụng trẻ em, và hỗ trợ thành lập thêm các trung tâm tư vấn trẻ em ở 23 quận và thành phố vệ tinh lớn của Tokyo trong vòng 5 năm tới.

Dù những thay đổi theo kế hoạch được nhiều chuyên gia hoan nghênh như bước tiến đầu tiên trong cuộc chiến chống lạm dụng trẻ em, một số người bày tỏ lo lắng rằng việc lạm dụng có thể chuyển từ thể chất sang tâm lý.

Takayuki Suzuki, giáo sư Đại học Toyo, cho biết: "Không chỉ số lượng các trường hợp lạm dụng thể chất gia tăng mà còn cả những trường hợp cha mẹ cô lập con cái về tâm lý. Chúng tôi phải ngăn chặn sự lạm dụng trở nên quỷ quyệt và vô hình".

Đồng thời, ông Suzuki cho rằng chính phủ cần tạo ra một mạng lưới cộng đồng, gồm những người theo dõi và giúp đỡ lẫn nhau để các gia đình không bị cô lập.

Tấn Vĩ (Theo Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI