Nhật Bản bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin của Pfizer cao hơn Mỹ và châu Âu

10/03/2021 - 16:58

PNO - Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêm chủng cho biết, số người tại Nhật Bản được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer Inc dường như có tỷ lệ sốc phản vệ cao hơn ở Mỹ và châu Âu.

Bộ trưởng Taro Kono nói với ủy ban nội các rằng 17 trường hợp sốc phản vệ - loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong - đã được báo cáo trong số 107.558 nhân viên chăm sóc sức khỏe vừa tiêm chủng vắc-xin tính đến hôm 9/3.

Ông nhận xét: "Thật sự đáng quan ngại, tỷ lệ (sốc phản vệ) dường như nhiều hơn ở Mỹ và châu Âu". Tỷ lệ sốc phản vệ là 5/1.000.000 ở Mỹ và 20/1.000.000 ở Anh. Tuy vậy, Nhật Bản hiện đang đi chậm hơn các nước tiên tiến khác trong việc triển khai vắc-xin, và tỷ lệ này có thể thay đổi khi có nhiều người hơn được tiêm.

Nhật Bản đang trong quá trình tiêm chủng cho khoảng 4,8 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc trước khi mở rộng cho những người từ 65 tuổi trở lên vào giữa tháng Tư. Những người mắc các bệnh từ trước như tiểu đường và những người làm việc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi được dự kiến ​​là đối tượng tiêm chủng tiếp theo.

Những người sử dụng vắc-xin COVID-19 do Pfizer và đối tác BioNTech SE phát triển được yêu cầu ở lại chỗ tiêm ít nhất 15 phút, để kiểm tra xem họ có bị sốc phản vệ hoặc phát triển các tác dụng phụ khác hay không.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, các triệu chứng sốc xuất hiện trong vòng 5 đến 30 phút sau khi tiêm thuốc bao gồm đau họng, phát ban và khó thở. May mắn, tất cả 17 người đều hồi phục sau khi được điều trị.

Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura cho biết một ủy ban của Bộ có kế hoạch xem xét vấn đề rõ hơn, tìm hiểu liệu các triệu chứng được báo cáo ở Nhật Bản có nghiêm trọng như ở nước ngoài hay không.

Nhật bản đang tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho cá nhân viên chăm sóc sức khỏe, theo sau đó là nhóm người cao tuổi và nhân viên viện dưỡng lão
Nhật Bản đang tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho cá nhân viên chăm sóc sức khỏe, theo sau đó là nhóm người cao tuổi và nhân viên viện dưỡng lão

Theo Pfizer, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin của họ có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của COVID-19, và Thủ tướng Yoshihide Suga đã gọi việc tiêm chủng là "yếu tố quyết định" trong việc kiểm soát đại dịch.

Nhưng chỉ 63,1% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò của Kyodo News thực hiện vào tháng 2/2021 cho biết họ muốn được tiêm chủng, với 27,4% nói rằng họ không muốn - phần lớn do lo ngại về các tác dụng phụ.

Các trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở Nhật Bản đã giảm xuống kể từ khi ông Suga ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực thủ đô Tokyo và các khu vực khác vào tháng Giêng.

Nhưng sự sụt giảm bắt đầu có xu hướng đổi chiều trong những tuần gần đây và tình trạng khẩn cấp được gia hạn cho đến ngày 21/3, trong bối cảnh lo lắng kéo dài về hệ thống bệnh viện đạt giới hạn, cũng như sự lây lan của nhiều biến thể virus mới.

Shigeru Omi - người đứng đầu tiểu ban COVID-19 của chính phủ - cho biết hôm 10/3, các biến thể, lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil, "không sớm thì muộn" sẽ trở thành chủng vượt trội ở Nhật Bản.

Ông nói với một ủy ban tại quốc hội: “Không nghi ngờ gì, quá trình thay thế chủng hiện có đã bắt đầu, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực theo dõi sự lây lan của chúng”.

Tấn Vĩ (theo Kyodo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI