Nhu cầu hợp tác ba bên
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc thay vì chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Và để phòng một "tai họa" khác trong tương lai tương tự như đại dịch COVID-19, ba nền kinh tế lớn tại châu Á này có thể sẽ chính thức hợp tác ba bên để bảo đảm các chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đề cập đến sáng kiến trên với phía chính phủ Ấn Độ cách đây khoảng một tháng. Theo một số nguồn tin, các cuộc đàm phán không chính thức vẫn đang được tiến hành. Japan Times cho biết, mặc dù đây mới chỉ là các cuộc đàm phán cấp sự vụ (working level), Nhật Bản mong muốn sẽ nâng chúng lên cấp độ cao hơn ở thời điểm thích hợp.
|
Các sản phẩm của Úc như thịt bò đang đối mặt với sức ép lớn từ Trung Quốc - Ảnh: Los Angeles Times |
Dự kiến, đề xuất với tên gọi Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) này sẽ được thảo luận chi tiết hơn tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Nhật Bản sẽ diễn ra vào đầu tháng Chín. Các nhà ngoại giao cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh này, có thể Nhật Bản sẽ thảo luận khả năng chuyển một số đơn vị sản xuất của nước này sang Ấn Độ, một phần trong sáng kiến mới.
Việc tham gia vào sáng kiến này cũng phù hợp với lợi ích của Úc trong bối cảnh nước này đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh mối liên kết thương mại giữa hai nước đang ngày càng trở nên căng thẳng. Mặc dù Úc vẫn chưa chính thức đồng ý tham gia sáng kiến, nhưng các cuộc thảo luận về việc đưa Úc vào sáng kiến này được cho là vẫn đang diễn ra.
Những nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mỗi nước
Ngay cả trước khi các cuộc đàm phán được khởi động, các quốc gia đều đã có những động thái riêng rẽ nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Nhật Bản đang nỗ lực đưa một số ngành sản xuất của mình dịch chuyển từ Trung Quốc trở về nước, bằng cách tung ra gói hỗ trợ trị giá 2,2 tỷ USD để khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch. Hồi tháng Bảy, Tokyo đã đề nghị trợ cấp 542 triệu USD cho 57 công ty để đầu tư sản xuất ngay tại Nhật Bản, đồng thời trợ cấp cho 30 doanh nghiệp khác đầu tư vào hoạt động sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á.
|
Nhật Bản mạnh tay tài trợ cho các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc - Ảnh: Al Jazeera |
New Delhi cũng đưa ra những bước đi tương tự trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chính trị với Bắc Kinh liên tục gia tăng. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã triển khai một loạt các biện pháp khuyến khích, nhằm thu hút các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hồi tháng Ba, New Delhi đã công bố các biện pháp khuyến khích, cho phép các nhà sản xuất thiết bị điện tử đủ điều kiện có thể nhận được ưu đãi thuế từ 4-6% đối với các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ, tùy thuộc vào doanh số bán hàng gia tăng trong 5 năm tới. Khoảng 20 công ty đã cam kết đầu tư để thành lập các nhà máy sản xuất điện thoại di động tại nước này.
Bên cạnh Samsung, những công ty đã thể hiện sự quan tâm bao gồm các đối tác lắp ráp của Apple như Wistron, Pegatron và Foxconn. Ấn Độ cũng đã mở rộng các chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp dược phẩm, và hướng tới nhiều lĩnh vực khác, có thể bao gồm ô tô, dệt may, chế biến thực phẩm…
Theo nhóm chuyên gia tại Credit Suisse, đứng đầu là Neelkanth Mishra, các chương trình ưu đãi sẽ giúp mang lại khoản đầu tư bổ sung 55 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, làm tăng 0,5% sản lượng kinh tế Ấn Độ.
Chuyên gia Amish Shah tại Bofa Securities cho biết, những gì đang được triển khai là một chiến thắng lớn của chiến lược Make in India. Ông dự báo, Ấn Độ sẽ có thể đạt được những thành công lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, xi măng, dược phẩm, kim loại và logistic, cùng nhiều lợi ích gián tiếp khác trong dài hạn ở nhiều lĩnh vực.
Còn tại Úc, giới chức nước này hiện đang tìm hiểu về khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đã thiết lập một quỹ để tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng nông sản. Đồng thời, Canberra cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc khảo sát khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương do Liên minh Các chuyên gia thương mại toàn cầu thực hiện.
Những động thái này được thực hiện trong bối cảnh quan hệ thương mại Úc - Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Mới đây, Trung Quốc đã khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào rượu vang nhập khẩu từ Úc. Trước đó, Bắc Kinh đã áp thuế đối với lúa mạch của Úc sau một cuộc điều tra tương tự, và đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ 4 doanh nghiệp của Úc hồi tháng Năm.
|
Sáng kiến mới có thể cung cấp cho Ấn Độ một cách tiếp cận thương mại khác vào thị trường ASEAN - Ảnh: Reuters |
Tác động của sáng kiến đối với kinh tế khu vực
Theo các chuyên gia, sáng kiến mới sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cả 3 nước, cũng như toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sáng kiến này không chỉ mở rộng quan hệ đối tác cạnh tranh công nghiệp Ấn Độ - Nhật Bản đã được thiết lập hồi tháng 12 năm ngoái, nhằm giúp cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp của Ấn Độ, mà còn mở ra cơ hội cho các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thiết lập chiến lược “Trung Quốc +1” mới, phát triển chuỗi cung ứng dự phòng bên ngoài Trung Quốc.
Theo giáo sư Mark Goh tại trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore, nếu được triển khai đầy đủ, sáng kiến trên sẽ liên kết tất cả quan hệ song phương riêng lẻ giữa các quốc gia. “Nhật Bản có sự hiện diện sản xuất tại Ấn Độ, theo truyền thống là trong lĩnh vực ô tô, trong khi Ấn Độ coi đây là cơ hội để tiến vào Úc và Nhật Bản thông qua các sản phẩm dược phẩm, đồng thời đóng vai trò là trung tâm trung chuyển các sản phẩm của Úc và Nhật Bản tới các thị trường Trung Đông và châu Phi. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự hiện diện thương mại của Trung Quốc tại các khu vực này”.
Chuyên gia Jagannath Panda - điều phối viên Đông Á tại Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Manohar Parrikar tại New Delhi bình luận: "COVID-19 đã cho 3 nước thấy được cần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thời cơ để sáng kiến ba bên lấy Úc, Nhật Bản và Ấn Độ làm trung tâm đã chín muồi. Với một khuôn khổ hợp tác có định hướng, sáng kiến ba bên có thể nổi lên như một bước đệm hướng tới phục hồi kinh tế khu vực và thúc đẩy sự tái phân phối quyền lực khu vực, giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc".
Khả năng tham gia của các nước ASEAN
Bên cạnh đó, sáng kiến cũng hoàn toàn có thể được mở rộng để đưa cả 10 nước ASEAN tham gia. Giáo sư Goh cho biết: “Đối với các nước ASEAN, đặc biệt là Singapore, việc tham gia sáng kiến SCRI sẽ đáp ứng được các mục tiêu của chiến lược Trung Quốc +1, quản lý được rủi ro về cung ứng và cải thiện khả năng phục hồi nhờ vào sử dụng cách tiếp cận mang tính phòng ngừa này”.
|
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia nhận ra tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng - Ảnh: Japan Times |
“Đối với Ấn Độ, việc liên kết với ASEAN đồng nghĩa với một cách tiếp cận khác với Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn là tiếp cận vào thị trường các nước ASEAN. Điều này cần phải được thực hiện nếu Ấn Độ muốn tạo ra một chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng cũng không để mất Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại gián tiếp. Đối với Úc, điều này sẽ giúp giảm bớt những lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc”.
Theo giáo sư Goh, việc thu hút các quốc gia ASEAN có thể dẫn đến sự hình thành một liên minh tứ giác mới, dựa trên thương mại, tương tự như “Bộ tứ kim cương” một diễn đàn an ninh không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Sáng kiến này cũng có thể cho phép Ấn Độ tìm đường quay trở lại mạng lưới thương mại khu vực sau khi đã rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Trung Quốc. Hiệp định dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Chuyên gia Panda tại Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Manohar Parrikar tự tin rằng, “sáng kiến này sẽ không mâu thuẫn gì với RCEP mà chỉ đóng vai trò bổ sung thêm cho các chức năng của hiệp định”.
Lạc Diệp (theo SCMP, Bloomberg, Japan Times)