Nhập viện vì tùy tiện bổ sung nội tiết tố nữ

16/10/2024 - 17:44

PNO - Có 20-35% phụ nữ gặp phải các triệu chứng mãn kinh vừa và nặng, tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều tự ý uống thuốc vì nghe theo quảng cáo trên mạng...

PGS.TS Lưu Thị Hồng cảnh báo
PGS.TS Lưu Thị Hồng cảnh báo tình trạng tùy tiện sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng để bổ sung nội tiết tố, điều trị các bệnh tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ - Ảnh: H.Anh

Chiều 16/10, tại Hội thảo khoa học Hưởng ứng ngày mãn kinh thế giới năm 2024, PGS.TS Lưu Thị Hồng - nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Tổng thư ký Hội phụ sản Việt Nam - cho biết, độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt Nam sớm hơn so với nhiều nước trên thế giới. Theo đó, tuổi mãn kinh trung bình ở các nước phát triển là 51 - 52 tuổi và ở Việt Nam là 48 - 50 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh (45 - 69 tuổi).

Theo bà Lưu Thị Hồng, có tới 70-80% phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi các triệu chứng mãn kinh. Trong đó 20-35% triệu chứng vừa và nặng, như vậy có tới 1/3 phụ nữ chịu tình trạng này khi bước vào tuổi mãn kinh.

Các triệu chứng phổ biến của tiền mãn kinh như: tăng cân, mất ngủ, nóng bừng mặt, vã mồ hôi, bứt rứt, khó chịu, khô teo âm đạo, khó khăn khi quan hệ tình dục, viêm nhiễm âm đạo, loãng xương, xơ vữa động mạch, alzheimer...

“Trong số các bệnh nhân tôi từng thăm khám, rất nhiều chị có triệu chứng khó chịu; có trường hợp dẫn tới trầm cảm, buộc phải uống thuốc điều trị” - bác sĩ Lưu Thị Hồng chia sẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thu Hạnh - Phó trưởng khoa Phụ nội tiết, Bệnh viện Sản Trung ương - cũng cho hay, tuổi thọ phụ nữ ngày càng tăng cao, nghĩa là họ sẽ có thời gian dài để đối mặt với thời kỳ mãn kinh. Dù vậy, vấn đề này vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ.

Theo một thống kê, gần một nửa số phụ nữ chưa có thông tin và không sẵn sàng về thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh. 55% số người ước mình biết thông tin về tiền mãn kinh sớm hơn.

Những năm gầy đây, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có phòng khám về mãn kinh, song theo bác sĩ Trần Thị Thu Hạnh, số lượng đến khám không nhiều, do người phụ nữ luôn âm thầm chịu đựng, cho rằng đây là điều khó nói và luôn tự tìm cách giải quyết.

Cũng vì lý do này, một trong những sai lầm phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh là tự mua thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm dinh dưỡng để bổ sung mà không có chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ.

PGS.TS Lưu Thị Hồng cho hay, bà từng tiếp nhận trường hợp tự ý bổ sung estrogen hàm lượng cao, do “nghe đồn” có tác dụng tốt cho độ tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, do bổ sung lượng quá lớn khiến niêm mạc tử cung dày, dẫn tới rong kinh phải vào viện điều trị. Trường hợp khác, bệnh nhân được cửa hàng thuốc kê thuốc tránh thai sử dụng dài ngày mà không hề biết thành phần cũng như tác hại do thuốc gây ra.

“Chị em thường có thói quen nghe “mách nhau” các sản phẩm bán trên mạng. Có nhiều bệnh nhân khi tới thăm khám đã uống rất nhiều loại thuốc nội tiết tố. Ở nhà họ như 1 tạp hóa “thực phẩm chức năng” - bà Lưu Thị Hồng chia sẻ.

Tương tự, bác sĩ Trần Thị Thu Hạnh cảnh báo, nhiều chị em “thần thánh hóa” các loại hạt để tăng cường nội tiết. Đây cũng là một cách hiểu sai lầm: “Không có loại thức ăn nào là toàn diện, có thể thay thế các loại thực phẩm khác. Chế độ dinh dưỡng phong phú, cung cấp đầy đủ dưỡng chất vẫn mang lại hiệu quả cao nhất”.

Bác sĩ Trần Thị Thu Hạnh lưu ý, sữa là một trong những sản phẩm rất cần trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ để cung cấp canxi, phòng chống loãng xương. Tuy nhiên, loại thực phẩm này thường không được chú trọng.

Liên quan tới vấn đề này, ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) - cho hay, trước đây, chúng ta quan tâm nhiều hơn tới các nội dung như làm mẹ an toàn, kế hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn... mà chưa thực sự chú trọng tới sức khỏe của phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Trong "Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản", chỉ có duy nhất một bài về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh. Nội dung như vậy chưa đầy đủ.

Hiện Bộ Y tế đang cùng các bệnh viện và chuyên gia đồng hành để xây dựng một phần riêng trong "Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh". Trong đó có các nội dung về chẩn đoán, tư vấn dự phòng, điều trị, bổ sung nội tiết cho phụ nữ.

Tài liệu này khi ban hành sẽ là "kim chỉ nam" cho các trường đại học, cơ sở đào tạo xây dựng tài liệu, phát triển năng lực cho cán bộ y tế ở các tuyến để chẩn đoán, tư vấn, dự phòng và điều trị cho phụ nữ ở giai đoạn này.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI