Nhập nhèm quản lý đất tại các chùa 'khủng' mang tên dự án du lịch tâm linh

27/05/2019 - 11:37

PNO - Các dự án du lịch tâm linh có quỹ đất lớn nhưng lại quản lý thiếu chặt chẽ, chưa tách bạch giữa đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ....

Sáng 27/5, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày kết quả giám sát của Quốc hội với Chính phủ về chuyên để về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực cho đến hết năm 2018.

Theo kết quả giám sát, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị được ban hành khá đầy đủ, cụ thể nhưng vẫn còn nhiều điều cần khắc phục.

Cụ thể, việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn chậm và thiếu đồng bộ, hậu quả là gây quá tải, ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới hoạt động của đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9%. Trong khi đó, theo quy hoạch, tỷ lệ này phải đạt 20 - 26% đối với đô thị trung tâm, 18 - 23% đối với đô thị vệ tinh, 16 - 20% đối với các thị trấn. Tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% trong khi lẽ ra phải đạt 3 - 4%.

Ngoài ra, việc quản lý đất đai ở một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh còn thiếu chặt chẽ. Các dự án du lịch tâm linh này đều được giao khai thác nguồn quỹ đất lớn nhưng khi thực hiện, lại chưa tách bạch rõ giữa đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ.

Nhap nhem quan ly dat tai cac chua 'khung' mang ten du an du lich tam linh
Chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) gây nhiều tranh cãi với diện tích đất khai thác lên tới 5.100 héc-ta, trong đó có cả khu nghỉ dưỡng, sân gôn... 

Liên quan đến việc sử dụng nhà, đất của người nước ngoài, báo cáo không nêu con số cụ thể nhưng trong phần kiến nghị, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Đoàn giám sát cũng để nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020); tiếp tục thực hiện lộ trình di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất, công nghiệp gây ô nhiễm môi trường... ra ngoài trung tâm các đô thị...

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI