Nhập nhằng dược mỹ phẩm

26/07/2013 - 07:57

PNO - PN - Thời gian Gần đây, nhiều chị em có xu hướng chuyển sang làm đẹp bằng các loại dược mỹ phẩm (DMP) vì nghe thông tin quảng cáo “DMP được nghiên cứu và bào chế như một dược phẩm nên sử dụng sẽ an toàn hơn” .

Mập mờ phân loại

DMP hiện được bán tại các nhà thuốc, các cửa hiệu mỹ phẩm và được sử dụng rất nhiều trong các thẩm mỹ viện, spa. Tuy nhiên, chính những người dùng sản phẩm để chăm sóc và điều trị cho khách hàng vẫn còn mập mờ về tính chất của DMP cũng như cách phân biệt giữa DMP và mỹ phẩm. Tại một cửa hàng trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), nhân viên cho biết: “Cửa hàng em chuyên bán các loại DMP xách tay từ nước ngoài về. Đây toàn là nhãn hiệu mà bác sĩ da liễu thường kê toa để điều trị da chứ không phải mỹ phẩm thông thường”. Ngoài một số nhãn hiệu khá quen thuộc (gồm cả nhãn mỹ phẩm như L’ovité), cô này còn giới thiệu một loạt nhãn hiệu khác như: Pores no more, Neutrogena, Pore N, xuất xứ từ Hàn Quốc, Đức, Mỹ. Trên chai chỉ có tiếng nước ngoài, không một chữ tiếng Việt (ảnh).

Tại một cửa hiệu bán rất nhiều sản phẩm làm đẹp trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, khi tư vấn cho khách có nhu cầu mua sản phẩm trị nám, một nhân viên cho biết: “Chị có thể dùng loại DMP này. Không như mỹ phẩm, DMP được chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên nên rất an toàn và hiệu quả”. Tham khảo nhiều nhà thuốc, khi tìm hiểu về sản phẩm điều trị nám, mụn, chúng tôi được nhân viên bán thuốc giới thiệu một loạt các nhãn hiệu DMP và cho biết: “DMP mà, nó như thuốc vậy đó, những loại này, bác sĩ da liễu rất thường dùng để điều trị nên tụi em mới lấy về bán”.

Nhap nhang duoc my pham

Sử dụng tùy tiện, hậu quả khó lường

Được cho là giống như thuốc, song việc bán và sử dụng DMP hiện nay lại tràn lan, tùy tiện. Nhiều hãng mỹ phẩm lớn gắn nhãn DMP để tăng thêm yếu tố “điều trị” nhằm thu hút người mua.

Theo ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM, nếu quảng cáo DMP được nghiên cứu và bào chế theo quy trình như một dược phẩm là không đúng, vì quá trình tạo thành một DMP chỉ dừng ở mức độ của riêng một đơn vị. DMP là sản phẩm hỗ trợ làm đẹp, trong đó có những thành phần, hoạt chất giống như thuốc điều trị với hàm lượng thấp.

Dù được phép bán rộng rãi không cần kê toa, song có không ít dòng DMP điều trị chứa một số hoạt chất có hàm lượng rất cao. Vì vậy, tại các nước Âu Mỹ có những quy định riêng, cụ thể cho những loại DMP có hàm lượng vượt mức cho phép (ví dụ như hydroquinone từ 4%, vitamin C từ 20%...) thì chỉ được bán khi có chỉ định của bác sĩ.

Do đó, theo các bác sĩ da liễu, chính vì có những thành phần, hoạt chất giống như thuốc nên dù ở nồng độ thấp, người dùng vẫn cần sử dụng theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt là những dòng sản phẩm điều trị nám, mụn thường có khả năng gây kích ứng rất mạnh. Việt Nam lại là nước nhiệt đới, có lượng tia cực tím rất cao nên da dễ bị tổn thương. Nếu sử dụng DMP lâu dài hoặc không phù hợp với tình trạng da thì khó có thể lường hết những tác dụng xấu của sản phẩm.

BS Phạm Xuân Khiêm, Trưởng khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện STO - Phương Đông cảnh báo: “Có khoảng 5-10% bệnh nhân nữ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 28-40, đến điều trị da tại bệnh viện vì trước đó đã tùy tiện dùng những loại DMP có tính kích thích mạnh, điển hình như Obagi hoặc những loại có hàm lượng vitamin C cao. Phổ biến là bị sạm đen hai bên má hoặc loang lổ khắp mặt”.

 An Hà

Trong các văn bản pháp quy của Bộ Y tế Việt Nam đến thời điểm hiện tại chưa có nội dung nào cho thấy có sự tồn tại của DMP, chỉ có thể là thuốc hoặc mỹ phẩm; cũng không có bất kỳ sản phẩm nào là DMP trong danh sách các sản phẩm được cấp số tiếp nhận phiếu công bố.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI