Loay hoay mãi vẫn chưa chốt được trường cho con học
Chị N.T (thường trú tại quận 4), có con học tại Trường mầm non Sa Pa (quận 1). Năm học 2023-2024, khi đăng ký tuyển sinh vào lớp 1 cho con trên cổng thông tin tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT TPHCM trong giai đoạn đầu, chị chọn loại địa phương tham gia tuyển sinh “theo trường đang học”- tức là Trường mầm non Sapa (quận 1).
Đến thời điểm khi các quận, huyện, TP Thủ Đức công bố kết quả tuyển sinh đúng tuyến (đợt 1), chị N.T ngã ngửa khi con chị chưa được phân tuyến vào đâu.
“Tra kết quả trên hệ thống tuyển sinh đầu cấp chỉ thấy hiện ra thông tin của con chứ không có kết quả con được phân tuyến vào trường học nào. Trong khi đó, hàng xóm xung quanh, con cái đều được phân tuyến hết. Bây giờ gia đình đang tiếp tục đăng ký xét tuyển cho con vào đợt 2, nhưng rõ ràng con đã mất đi cơ hội học tập ở đợt 1, theo trường đúng tuyến mà lẽ ra con được học gần nhà nhất…”- chị N.T băn khoăn.
|
Một trường hợp học sinh chưa được quận 1, quận 4 phân tuyến, ô trường học đang "bỏ trắng" |
Đồng cảnh ngộ, anh T.D (thường trú quận Gò Vấp) có con năm nay tham gia xét tuyển vào lớp 6 năm học 2023-2024 song hiện vẫn chưa được phân tuyến vào trường nào.
“Gia đình tôi thường trú tại quận Gò Vấp nhưng bậc tiểu học con học tại quận 3 để thuận tiện ba mẹ đưa đón. Lên lớp 6, gia đình muốn con học ở gần nhà nên cho con đăng ký vào quận Gò Vấp, trong thông tin đăng ký xét tuyển giai đoạn đầu ở hệ thống tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT TPHCM, gia đình có chọn địa phương là thường trú ở Gò Vấp, nhưng đến thời điểm này con vẫn chưa được phân tuyến trường trong đợt 1…”- anh T.D búc xúc.
Tương tự, bé B.N.M- học tiểu học ở quận 8, thường trú tại quận 8 song do ba mẹ đều công tác tại quận 1 nên khi đăng ký tuyển sinh đầu cấp lớp 6 năm học 2023-2024, gia đình chọn địa phương là tạm trú tại quận 1 để đăng ký thông tin trên trang thông tin tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT TPHCM. Kết quả, đến thời điểm này bé chưa được phân tuyến vào trường THCS nào do quận 8 đẩy qua, quận 1 đẩy lại.
Mỗi quận một "phách"
Bà Lê Thị Bình - Trưởng phòng GD-ĐT quận 1 - cho biết, trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của quận năm học 2023-2024 nêu rất rõ, nếu cha mẹ chọn loại địa phương là theo nơi tạm trú (nơi ở hiện tại) và theo trường đang học thì khi thực hiện phân tuyến tuyển sinh trong đợt 1, Ban chỉ đạo tuyển sinh quận sẽ ưu tiên nhận đủ học sinh trong danh sách được phân bổ (thường trú), sau đó mới xét tới các trường hợp này.
Trường hợp học sinh chưa được phân tuyến trong giai đoạn 1 bởi giai đoạn 1 quận mới xét tuyển theo thường trú, chưa xét đến loại địa phương khác là tạm trú và theo trường đang học. Trẻ sẽ tiếp tục được xét tuyển ở giai đoạn 2 căn cứ vào khả năng tiếp nhận thêm của các trường…
|
Kế hoạch tuyển sinh các quận "choảng" nhau, nên dẫn đến tình trạng học sinh chưa được phân tuyến (Ảnh minh hoạ) |
Ở quận 4, ông Đoàn Bội Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT quận 4 cho biết, trong trường hợp học sinh chưa được phân tuyến trường trong đợt 1 về quận 4 là vì phụ huynh khi thao tác đăng ký đã chọn quận 1, vì thế địa phương không có dữ liệu để phân tuyến. “Trong thao tác đăng ký tuyển sinh, phụ huynh đã thực hiện sai. Bây giờ phụ huynh muốn phân tuyến về quận 4 học thì liên hệ với phòng giáo dục để được hướng dẫn cụ thể…”.
Ông Phạm Đăng Khoa - Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 - thông tin, trong phân tuyến giai đoạn 1, quận có khoảng 13 trường hợp học sinh chưa được phân tuyến lớp 6 về trường THCS do học sinh học tiểu học tại quận 3 nhưng khi đăng ký tuyển sinh lại chọn địa chỉ thường trú về quận Gò Vấp, vì vậy quận không thể có dữ liệu phân tuyến về quận 3.
Trong khi đó, ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp - cho hay, nguyên tắc tuyển sinh đầu cấp của quận Gò Vấp là chỉ phân tuyến 1 lần và chỉ thực hiện phân tuyến lớp 6 cho những học sinh học tiểu học ở quận Gò Vấp. Quận không tuyển sinh trái tuyến. Điều này đã được quận thông tin rõ ràng trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của quận năm học 2023-2024.
“Trong công văn 3052 của Sở GD-ĐT TPHCM về hướng dẫn thực hiện tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, Sở nêu rất rõ trong 5 bước cần thực hiện đầy đủ khi đăng ký tuyển sinh đầu cấp thì bước 1 là phụ huynh học sinh cần tìm hiểu thông tin về trường, lớp đầu cấp... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, nếu phụ huynh có mong muốn con học tập tại quận Gò Vấp thì khi tìm hiểu kỹ sẽ biết Gò Vấp chỉ phân tuyến tuyển sinh 1 lần, và chỉ phân tuyến tuyển sinh lớp 6 cho học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tại quận Gò Vấp” - ông Thanh nhấn mạnh.
|
Để tuyển sinh trực tuyến trên cùng 1 hệ thống hiệu quả, TPHCM cần thống nhất kế hoạch tuyển sinh toàn thành phố (Ảnh minh hoạ) |
Ngoài ra, ông Thanh cho biết, kết thúc tuyển sinh, nếu phụ huynh có nhu cầu cho con về quận Gò Vấp học thì quận sẽ giới thiệu chỗ học chứ không có trách nhiệm phân tuyến, đảm bảo mọi học sinh đều có chỗ học nhưng không được “kén cá chọn canh”.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, các trường hợp học sinh chưa được phân tuyến trường sau khi kết thúc giai đoạn 1 tuyển sinh, phụ huynh có thể đăng ký xét tuyển đợt 2 hoặc liên hệ trực tiếp với các phòng giáo dục để được hướng dẫn. Năm học 2023-2024, TPHCM lần đầu áp dụng tuyển sinh các lớp đầu cấp hoàn toàn trực tuyến toàn thành phố, thực hiện trên cùng một hệ thống trục dữ liệu tuyển sinh của Sở GD-ĐT TPHCM. Dù thống nhất tuyển sinh theo một mối để ngành giáo dục quản lý, hạn chế các vấn đề phát sinh, đảm bảo học sinh được học gần nhà song thực tế các địa phương đang có dấu hiệu “mạnh quận nào, quận đó làm”, mỗi nơi một kiểu, chưa có sự thống nhất… Một trưởng phòng GD-ĐT kiến nghị, để tránh phụ huynh chạy theo kế hoạch tuyển sinh của từng địa phương thì Sở GD-ĐT TPHCM cần phải thống nhất kế hoạch tuyển sinh các quận huyện, điều này mới tránh được các sự cố phát sinh... |
Quốc Trung