"Nhập gia tùy tục": Những cú chạm của sự khác biệt văn hoá

29/04/2021 - 07:17

PNO - Sau mỗi cuộc tranh luận trong chương trình Nhập gia tùy tục phát trên sóng VTV, người trong cuộc lẫn người xem có được cái nhìn đa chiều hơn về những câu chuyện, vấn đề trong cuộc sống.

Ngồi nhà nghe chuyện thế giới

Nhập gia tùy tục hiện đã phát sóng đến tập thứ 3. Ở mỗi tập, 1 khách mời sẽ cùng 2 MC và 6 bình luận viên (có thể thay đổi 1-2 người/tập) thảo luận về một chủ đề.

Họ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Saleem là người Palestine. Micka là một phụ nữ Pháp. Han Sara đại diện cho văn hoá Hàn Quốc. Trong khi đó, Ceejay mang đến chương trình văn hoá của Nigeria, một vùng đất châu Phi xa xôi...

Với mỗi chủ đề, khán giả có thể tiếp nhận rất nhiều thông tin thú vị. Về cái đẹp, Micka cho biết phụ nữ Pháp được đánh giá là đẹp khi có chiều cao tốt, thon thả, không cần trang điểm quá nhiều nhưng phải luôn có vẻ ngoài tươi tắn, thư giãn, thoải mái. Đàn ông cuốn hút không cần quá đẹp nhưng phải có nét đặc biệt, lịch sự, ga lăng.

Các bình luận viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mang đến những kiến thức thú vị
Các bình luận viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mang đến những kiến thức thú vị

Người Nigeria thích phụ nữ có vòng một và vòng ba đầy đặn. Gần như, đây cũng là tiêu chí của nhiều quốc gia ở châu Phi. Trong khi đó, Saleem cho biết phụ nữ Ả rập nói chung và Palestine nói riêng lại có nét đẹp độc đáo, mạnh mẽ, cá tính, có phần hơi đanh đá.

Chủ đề phong tục cưới hỏi ở tập 3 mang đến nhiều thông tin thú vị. Chẳng hạn,  người Palestine sẽ tổ chức đám cưới liên tục trong 1 tuần, mỗi ngày sẽ có 1 tiệc, có điệu nhảy thể hiện sức mạnh của chàng trai. Số lượng khách mời có thể lên đến hàng nghìn người. 

Ở Nigeria, tính cộng đồng cũng khá cao nên mỗi đám cưới có khoảng 1.000-2.000 khách mời là chuyện bình thường. Theo phong tục, nhà gái sẽ viết một danh sách lễ vật họ muốn nhà trai mang đến, nhưng sẽ không nhận tiền vì không phải “bán con”.

Saleem cho biết đám cưới ở Palestine kéo dài khoảng 1 tuần
Saleem cho biết đám cưới ở Palestine kéo dài khoảng 1 tuần khiến nhiều người bất ngờ

Ở Nga, đám cưới thường nhỏ gọn. Cô dâu chú rể sẽ được trao hai chiếc bỉm và thi nhận tiền mừng từ khách dự. Nếu bỉm của cô dâu nhiều hơn, tượng trưng cho việc họ sẽ đón con gái đầu lòng, và ngược lại. Dĩ nhiên, đây chỉ là một thủ tục truyền thống vui vẻ.

Hay tại Ấn Độ khi chụp ảnh cưới cô dâu không được cười. Cô dâu và chú rể sẽ phải làm lễ nhảy quanh đống lửa trong khoảng 5 tiếng để cầu nguyện. Lễ cưới nếu đúng theo truyền thống cũng kéo dài khoảng 1 tuần.

Va chạm để hiểu

Lớn lên ở những nền văn hoá khác nhau, tiếp thu điều kiện giáo dục không giống nhau nên mỗi người đều có quan điểm riêng khác biệt trong một số vấn đề. Cũng vì thế, hầu như tập nào cũng xảy ra tranh luận.

Chẳng hạn, với chủ đề về việc phụ nữ làm việc nhà, Saleem cho rằng phụ nữ chỉ nên ra ngoài xã hội làm những công việc nhẹ nhàng, nên dành thời gian để chăm sóc con cái, vun vén gia đình. Còn trụ cột kinh tế nên là trách nhiệm của người đàn ông. Anh cho rằng sẽ không bao giờ có chuyện đàn ông, phụ nữ có thể bình đẳng với nhau hoàn toàn.

Trong khi đó, Micka cho rằng ở Pháp phụ nữ luôn muốn bình quyền với đàn ông. Vì thế, quan điểm của Saleem có thể khiến phụ nữ nước này rất ghét. Han Sara, Luân Vũ, Hà Anh cũng không đồng tình. Họ cho rằng trong xã hội hiện đại, phụ nữ có quyền lựa chọn sống thoải mái hơn, và có nhiều người không thích việc đó.

Đám cưới có nên do cha mẹ quyết định khiến mọi người tranh luận sôi nổi ở tập 3. Saleem đồng ý vì xã hội của anh tính cộng đồng cao, bản thân anh cũng xem trọng gia đình. Trong khi đó, Võ Hạ Trâm, Han Sara... phản đối bởi họ cho rằng cưới hỏi là ngày vui của chính mình, những người xuất hiện trong tiệc phải là người quan trọng, có ý nghĩa. 

Các khách mời thường xảy ra tranh luận trong chương trình
Các bình luận viên, khách mời thường xảy ra tranh luận trong chương trình

*Tranh luận về chủ đề đám cưới có nên do cha mẹ quyết định:

 

Nhưng những sự va chạm này không khiến sự việc trở nên căng thẳng, mà giúp người xem có được góc nhìn đa chiều hơn trong mỗi câu chuyện. 

Chẳng hạn, quan điểm của chàng trai Palestine trong việc phụ nữ phải biết làm việc nhà, chăm chút gia đình cũng không hẳn sai. Anh cho rằng người phụ nữ sinh ra vốn chịu nhiều áp lực, thiệt thòi thì người đàn ông nên chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế. Đồng thời, theo anh, người mẹ giáo dục, gần gũi con sẽ hiệu quả hơn. 

Trong khi đó, Lyly cho rằng người Nga thường có câu, con đường đến trái tim của đàn ông là qua dạ dày. Vì thế, người phụ nữ ít nhiều cần biết công việc nội trợ.

Micka đồng tình hôn lễ sẽ do cha mẹ quyết định, ngỡ rằng đi ngược với văn hoá phương Tây, nhưng đằng sau đó lại là một câu chuyện cảm động. Cha mẹ cô ly hôn từ rất lâu. Micka mong muốn đám cưới sẽ là dịp ông bà gặp lại nhau, cùng chung vui với nhau, thế là đủ khiến cô hạnh phúc.

Mỗi quốc gia mỗi văn hóa, mỗi người mỗi tư tưởng không thể áp đặt cách nhìn của bạn vào quan điểm của người khác, cùng xây dựng phát triển từ sự khác biệt là thông điệp rõ ràng nhất có thể thấy được. Chẳng hạn, sau màn tranh luận về việc hôn lễ có nên do cha mẹ quyết định hay không, các thành viên đều đồng tình sẽ tìm ra điểm giao giữa mong muốn của cha mẹ và con cái để có được ngày vui trọn vẹn.

Ngoài những phần tranh luận, chương trình cũng mang đến những giây phút vui vẻ, hài hước cũng như không ít những khoảnh khắc khiến người xem rớt nước mắt. Chẳng hạn, Han Sara, Lyly, Micka, Luân Vũ khác biệt nhau về văn hoá nhưng niềm khát khao hạnh phúc gia đình tròn vẹn lại giống nhau bởi họ đều thiếu thốn tình thương từ mẹ hoặc cha.

Han Sara khóc kể về tuổi thơ thiếu thốn tình thương của mẹ
Han Sara khóc kể về tuổi thơ thiếu thốn tình thương của mẹ

Sau khi phát sóng vào lúc 20g30 mỗi thứ Sáu hàng tuần trên VTV3, chương trình sẽ được phát lại trên YouTube. Mỗi tập thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt bình luận. Nhiều khán giả cho rằng thời lượng này vẫn còn ít để những câu chuyện được truyền tải trọn vẹn. Những sắc màu văn hoá khác biệt đã mang lại một món mới thú vị cho khán giả xem truyền hình.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI