Nhà gần biển nên sẵn dịp ăn hải sản, cho bọn trẻ con ra biển chơi, tiện thể mua ít tôm cá về bỏ tủ lạnh ăn dần. Nhà Loan nhỏ, chỉ khoảng ba chục mét vuông. Nhiều người tụ tập khiến căn bếp chật ních, hai cái giường chất ê hề túi xách, người ngồi đầy.
Loan áy náy: “Chị thông cảm, có họ hàng bên chồng em đến chơi. Em làm cơm xong rồi mình đưa bọn trẻ đi ăn tiệm, chứ kiểu này…”. Không đợi tôi trả lời, Loan lôi tôi ra sau bếp, lúc này đang bày bừa đầy rau và nghêu sò ốc hến: “Khổ lắm chị ơi. Tối qua chồng em mới báo mai nhà có khách, ông anh chồng đi công tác, tiện thể đưa vợ con theo du lịch cho biết”.
Long, anh chồng Loan, cứ đến nhà là phải pha ấm trà rồi muốn gì tính sau. Thúy, vợ anh Long, thì lúc nào cũng bấn bíu với đứa con gái ba tuổi béo chút chít. Ngoài vợ chồng Long và đứa con, đến nhà chơi còn có hai cặp vợ chồng khác là em gái của Thúy và bạn của cô. Sáu người lớn, năm trẻ con đến nhà làm khách, chỉ mỗi việc duy nhất là chờ đến bữa.
Thấy Loan đi chợ về, hai chị kia cũng chạy ra xách phụ, nhưng rồi không biết vô tình hay cố ý, nói với nhau: “Giờ ăn đồ biển cứ kinh kinh là…”. Văn, chồng Loan, nể anh trai, nháy vợ đi mua thứ khác. Lần này thì toàn thịt là thịt, Loan cứ thế một mình hí húi nấu nướng.
Những phụ nữ, dù là khách hay người thân, lẽ ra nên xuống bếp phụ chủ nhà một tay, không làm gì thì cũng trò chuyện qua lại cho đỡ tẻ. Đàng này, hai người kia cứ nằm dài trên giường với lý do say xe và phải dỗ con ngủ.
Thúy là chị dâu cũng chỉ thi thoảng ghé mắt xem tình hình thế nào vì “bọn trẻ đói ngấu rồi” và nhắc nhở: “Anh Long không ăn tỏi, một tí cũng không được đâu”. Thế là tỏi bị gạt khỏi bếp, kể cả với món thịt bò xào.
Chưa hết, Loan cứ phải liên tục rửa tay khi đang làm bếp để mở tủ tìm quần áo cho con Thúy. Con bé bằng tuổi con Loan nhưng to gấp rưỡi, Loan phải lấy những cái váy mới của con ra cho mượn. Thúy phân trần: “Con bé này ăn ở bẩn lắm, toàn bôi ra”. Tôi hơi khó chịu: “Biết con thế sao không mang quần áo cho nó thay?”.
Thúy thản nhiên: “Cái Tí nhà thím Loan cùng tuổi, đến nhà thím thì lấy quần áo đó mà mặc cho khỏe, đỡ phải giặt!”. Rồi còn đùa: “Cái Tí ở thành phố lắm đồ đẹp, tiện thể xin một ít” Thúy còn bảo Loan chiều nay chở đi mua ít đặc sản mang về quê biếu anh em họ hàng và như nhận ra điều gì, Thúy hơi lên giọng: “Là tôi nhờ thím chở đi chứ có bắt thím trả tiền đâu mà lo!”.
Loan khe khẽ lắc đầu, thì thào: “Lần em về quê, bà ấy lôi em xuống bếp, sai bảo làm đủ thứ, nói là làm cho quen. Bà ấy cậy là chị dâu lớn nên cứ sai việc nọ việc kia, mua sắm cũng để em trả tiền. Ông Long làm bí thư hay gì đó ở xã, khệnh khạng và gia trưởng lắm. Vợ chồng em về mà ông ấy mời cả đám người khắp làng trên xóm dưới đến “xơi cơm”.
Bố mẹ mất rồi, ông Long là trưởng, vợ chồng em về thăm quê một tuần mà cứ như cực hình, ngày nào cũng tiệc. Ông ấy còn nói vợ chồng em lâu lâu mới về, phải làm sao cho làng xóm nhìn vào, phải biếu quà người này, đến thăm người nọ. Em về giỗ, thăm mồ mả ông bà chứ có phải trạng nguyên về làng đâu. Nghe vợ chồng ông ấy đến, em đã định đưa con đi chơi mà tránh mặt, nhưng lại tội cho chồng nên bấm bụng ở nhà. Chị xem, mớ cua ốc kia mua rồi bỏ, có ít tiền đâu!”
Trên nhà, chuyện quanh bàn trà của bốn người đàn ông rôm rả, còn trên giường ai ngủ cứ ngủ, ai ti vi cứ ti vi. Loan bày mâm bát xong, lên mời hai lần khách mới lục tục xuống, người kêu say xe đau đầu, người nói lạ khí hậu... Chợt một vị khách nữ nào đó thảng thốt: “Thím cắt hành nhỏ thế này, làm sao con bé ăn được?”. Loan giận, định lên tiếng thì Văn đã nạt: “Ăn gì sao không xuống mà nấu, nằm ưỡn ra còn yêu sách…”.
Không nói cũng biết bữa cơm diễn ra thế nào, chỉ khổ Loan, vừa tốn tiền vừa tốn công làm bếp suốt buổi sáng. Khách là họ hàng bên chồng nên Loan không thể nói gì. Ngồi trên nhà “hầu trà” anh trai, có lẽ Văn cũng thấy hết.
Về nhà rồi tôi vẫn tự hỏi, không biết những vị khách kia nghĩ gì, có tự thấy mình quá đáng không, hay lại nghĩ mình là khách, chủ nhà đương nhiên phải phục vụ? Khách dù thân hay sơ cũng nên nhớ câu “nhập gia tùy tục” chứ, còn kiểu khách nhập gia tùy... tiện thì xin lỗi, không đến càng yên nhà.
Thái Phan