Nhập gia phải tùy tục

02/05/2013 - 19:05

PNO - PN - Tính đến nay đã gần một tháng nhưng sự kiện bộ phim Bụi đời Chợ Lớn gặp rắc rối ở khâu kiểm duyệt vẫn còn là thời sự được nhiều người quan tâm.

Nhap gia phai tuy tuc

Không chỉ Bụi đời Chợ Lớn, một phim Việt khác là Đường đua cũng lỡ kế hoạch ra rạp vào tháng Ba vừa qua. Nhà sản xuất - Blue Productions - chỉ cho biết chung chung là phim đang trong giai đoạn chỉnh sửa, chưa biết khi nào trình chiếu, nhưng theo một số người am hiểu, Đường đua bị “tắc” cũng vì lý do tương tự Bụi đời Chợ Lớn: nội dung bạo lực.

Nếu như việc Đường đua phải chỉnh sửa diễn ra âm thầm thì ngược lại, Bụi đời Chợ Lớn lại quá ồn ào. Dù Cục Điện ảnh đã có cuộc gặp gỡ báo chí để giải thích Bụi đời Chợ Lớn đã vi phạm luật như thế nào nhưng ê kíp làm phim, chủ yếu là đạo diễn và nam diễn viên chính của phim có vẻ chưa “tâm phục khẩu phục” nên vẫn tiếp tục thể hiện sự bức xúc thông qua các bài phỏng vấn báo chí và trang mạng xã hội. Có hiểu được tâm trạng thất vọng của họ khi “đứa con tâm huyết” đang đứng trước nguy cơ chết yểu, nhưng khó có thể đồng tình với cách họ phản ứng gay gắt trước quyết định của cơ quan kiểm duyệt.

Khoan hãy bàn đến sự đúng-sai trong chuyện Hội đồng kiểm duyệt buộc Bụi đời Chợ Lớn phải chỉnh sửa, hãy nhìn vào việc từ trước đến nay từng có nhiều phim Việt bị cắt, cấm nhưng chỉ đến Bụi đời Chợ Lớn, công chúng mới biết rõ lý do vì sao. Việc làm này chứng tỏ Cục tôn trọng dư luận và tôn trọng những nhà làm phim. Tiếc là một hành vi ứng xử có văn hóa như vậy đã không nhận được một sự đáp trả tương ứng. Người trong cuộc viện dẫn “phim ảnh là hư cấu” để bày tỏ thái độ bất mãn nhưng hãy nhớ câu “nhập gia tùy tục”.

Qua vụ ầm ĩ của phim Bụi đời Chợ Lớn cũng cho thấy tính cấp bách của việc cần sớm có hệ thống đánh giá phân loại phim. Tất nhiên với một nền điện ảnh non trẻ như VN, khi vẫn còn không ít khán giả có suy nghĩ đánh đồng “phim là đời” thì vẫn cần kiểm duyệt. Nhưng, chỉ nên thẩm định để sàng lọc những bộ phim chất lượng quá kém hay nội dung vi phạm rành rành (phản động, đồi trụy…), còn lại nên phân loại để “bảo toàn” tác phẩm, tôn trọng sáng tạo của người làm phim. Thử hỏi, một tác phẩm kinh dị mà không được phép có nhiều hình ảnh máu me hoặc một bộ phim lên án bạo lực mà thiếu những cảnh bạo lực thì làm sao có thể truyền tải được những điều nhà làm phim muốn gửi đến khán giả? Tất nhiên, sự sáng tạo cũng phải dựa trên cơ sở phù hợp với bối cảnh văn hóa nơi mà câu chuyện đang diễn ra chứ không thể mượn cớ “phim ảnh là hư cấu” để vượt ra ngoài lằn ranh đó. Còn chọn biên độ sáng tạo như thế nào thì thuộc về trình độ tay nghề của các nhà làm phim. Một khi sáng tạo được tôn trọng thì sản phẩm làm ra mới có cái để xem. Nếu không, phim Việt sẽ mãi mãi na ná nhau, thiếu những tác phẩm đột phá vì nhà làm phim đột phá thì phim dễ đột tử!

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI