Nhập cư trái phép vào châu Âu - những con đường “lành ít dữ nhiều”

28/10/2019 - 10:00

PNO - Thảm kịch 39 người thiệt mạng trong chiếc container ở hạt Essex nhấn mạnh cái giá cực cao mà mọi người phải trả cho những kẻ buôn người vô đạo đức để đến châu Âu.


Dù phía cảnh sát Anh vẫn đang tiến hành điều tra và từ chối tiết lộ mọi thông tin về danh tính nạn nhân, thảm kịch 39 người thiệt mạng trong chiếc container ở hạt Essex nhấn mạnh cái giá cực cao mà mọi người phải trả cho những kẻ buôn người vô đạo đức để đến châu Âu.

Bề nổi của tảng băng lớn

Dữ liệu cho thấy chiếc container “tử thần” khởi hành từ cảng Zeebrugge (Bỉ) để đến cảng Purfleet bên bờ sông Thames ở Essex vào quá nửa đêm (giờ địa phương) hôm thứ Tư. Mark Simmonds - nghị sĩ Quốc hội Anh chuyên về chính sách và đối ngoại tại các cảng - cho biết, Purfleet là trạm trung chuyển mới của tuyến đường nhập cư trái phép vào Anh thay cho điểm nóng cũ là Calais (Pháp) và Dunkirk (Anh). Nơi đây “trở nên sống động vào ban đêm” với sự xuất hiện của những người nhập cư bất hợp pháp, nhiều xe buýt nhỏ đến đón họ và có một điểm nóng gần cảng nơi người di cư vứt bỏ giấy tờ để chính quyền không biết nơi hồi hương họ khi bị bắt.

Nhap cu trai phep vao chau Au -  nhung con duong “lanh it du nhieu”
Các xe tải nối đuôi nhau tiến vào cảng Purfleet bên bờ sông Thames, nơi được cho là địa điểm tập trung của những tuyến buôn người từ châu Âu sang Anh - Ảnh: Getty Images

Thảm kịch là hồi chuông báo động về vấn đề buôn người, cũng như tăng cường kiểm soát biên giới bên trong và bên ngoài của EU, nhất là khi Anh chuẩn bị thực hiện bước tiếp theo để rời khỏi khối. Do Bỉ nằm trong khối thị trường chung và Liên minh hải quan của Liên minh châu Âu (EU), nên việc kiểm tra chỉ được thực hiện bởi lực lượng biên giới hoặc cảnh sát một cách rời rạc. Vì thế, đây không phải là lần đầu tiên một sự việc đau lòng về người nhập cư được đưa ra ánh sáng. Ngày 27/8/2015, cảnh sát Áo tìm thấy 71 thi thể, bao gồm cả 8 trẻ em bên trong một chiếc xe tải bỏ lại trên đường cao tốc A4. Ở Anh, thảm kịch tồi tệ nhất xảy ra năm 2000, khi 58 người Trung Quốc thiệt mạng trong một container tại cảng Dover, hạt Kent.

Số liệu nghiên cứu năm 2012 của EU ghi nhận 11.000 trường hợp là nạn nhân của nạn buôn người vào châu Âu. Tuy nhiên, theo dự đoán, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có hơn 140.000 người ở châu Âu đang mắc kẹt giữa những tuyến đường của nạn buôn người. Trong đó, khoảng 2% nạn nhân có nguồn gốc từ vùng Balkan, 19% xuất phát từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, 13% đến từ Nam Mỹ, 7% đến từ Trung Âu, 5% đến từ châu Phi và 3% từ Đông Á. 

Luật càng siết chặt, người di cư càng gặp nguy hiểm

David Wood - cựu giám đốc về vấn đề nhập cư của Bộ Nội vụ Anh - cho biết, cùng với những người giả mạo giấy tờ du lịch và những người cố tình ở lại quá hạn thị thực, nơi đây "có lẽ đón nhận gần 100.000 người di cư bất hợp pháp mỗi năm". Theo ông David, có nhiều tập đoàn đứng đằng sau, điều hành các doanh nghiệp buôn người tinh vi theo mạng lưới kim tự tháp, với các “chân rết” khắp thế giới như Trung Quốc, khu vực châu Phi cận Sahara, Afghanistan, Ấn Độ. Ông David kể: “Các “nhân viên bán hàng” tiếp cận bộ phận dân cư khó khăn, hứa hẹn đưa họ đến Anh, nơi mà theo lời kể là vùng đất màu mỡ, đáng sống, với công việc dễ dàng thu nhập cao. Những nạn nhân nhẹ dạ có thể bán tất cả gia sản để đưa một người thân trẻ tuổi đến Anh, tin rằng người này sẽ kiếm được nhiều tiền, gửi về nhà và các thành viên khác có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch tương tự”.

Gabriella Sanchez, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đài quan sát buôn người thuộc Viện Đại học châu Âu (Ý), cho biết rất nhiều cái chết có thể không bao giờ được biết đến: "Không có tuyến đường nào cụ thể, nạn buôn người xảy ra mọi lúc. Pháp luật thậm chí không nhắm vào kẻ buôn lậu, mà chỉ quan tâm vấn đề người di cư".

Tỷ lệ kết án rất thấp đối với tội buôn bán người. Trên thực tế, cứ 100.000 người ở châu Âu, có ít hơn một người bị kết án buôn bán người mỗi năm. Ngược lại, báo cáo thường niên của chính phủ Anh năm 2018 về chế độ nô lệ hiện đại xác định Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia hàng đầu ngoài châu Âu “cung cấp” nạn nhân bị bóc lột. Theo Europol, giai đoạn 2015 - 2016,  những kẻ buôn người bị nghi ngờ phần lớn đều đến từ Trung Quốc.

Sau vụ việc hôm 23/10, Cơ quan Liên minh châu Âu về các quyền cơ bản (FRA) nhắc lại lời kêu gọi các thành viên thiết lập con đường pháp lý an toàn hơn tới châu Âu để giúp ngăn chặn làn sóng buôn người. Trong đó bao gồm tái định cư, tuyển sinh nhân đạo, thị thực nhân đạo và bảo vệ tạm thời; cũng như phương án di chuyển thường xuyên cho các thành viên gia đình của người dân cư trú tại EU, sinh viên, lao động nhập cư và các nhóm cư trú khác. Trước đó, hôm 18/10, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu, Marija Pejčinović Burić, kêu gọi các nước trên khắp lục địa đảm bảo rằng nạn nhân của nạn buôn người có thể tiếp cận công lý, bao gồm cả bồi thường tài chính, cho những lạm dụng mà họ phải chịu đựng. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI