Trên đường Nguyễn Văn Linh hướng từ Q.7, TP.HCM về cầu Tân Thuận, vừa rẽ trái chuẩn bị lên cầu, tôi nghe mấy tiếng chửi thề vọng lại từ những người chạy xe ngược chiều. Họ vừa đổ dốc cầu xuống ngã tư, đang băng theo đèn xanh qua đường. Sau lưng một, hai người vừa chửi thề đó, một dòng người náo loạn né tránh, chỉ có một chiếc xe máy đang bất động đứng gần như dàn ngang bên đường. Chủ nhân của nó đang bước lại cho tiền người ăn xin ngồi ngay góc ngã tư.
Chuyện thật như đùa
Người phụ nữ chạy chiếc xe máy Attila hoàn tất việc cho tiền, nói gì đó với người ăn xin rồi trở lại chiếc xe đang dựng choán nhiều phần đường, tiếp tục di chuyển. Chị hẳn là người tốt.
|
Người phụ nữ dừng xe ga màu trắng lại cho tiền người ăn xin ngay ngã tư Nguyễn Văn Linh - đường lên cầu Tân Thuận |
Vừa chạy thêm một đoạn, tôi rẽ trái để lên cầu Tân Thuận hướng về Q.1. Cầu Tân Thuận có hai nhánh riêng biệt, mỗi nhánh đều là đường một chiều. Nhưng vừa thấy xe ôm cua, tôi đã nghe người cầm lái ú ớ, chiếc xe máy chở tôi loạng choạng dạt sang bên trái, đến giữa tim đường. Tiếng ú ớ như hiệu ứng dây chuyền, những người lái xe phía sau tôi cũng ú ớ, có người bật ra cả tiếng chửi thề. Tôi chỉ kịp hiểu ra khi chiếc xe lam chở rác sượt qua bên phải, vút về phía sau lưng tôi.
Chiếc xe chỉ còn màu gỉ sắt, và gần như không màu trong buổi tối nhập nhoạng nhanh chóng biến mất sau khúc cua đổ xuống cầu. Tiếng chửi như vỡ ra sau trận hú vía. Chiếc xe lam chạy ngược chiều, ngay trên cầu, ngay khúc cua tối om mà lại còn đổ dốc. Người phụ xe ngồi cheo leo ngay sau ghế tài xế. Sau lưng anh ta, rác chất từng bao, cao lút mắt. Họ hẳn là đang rất vất vả, bận bịu.
Trước đó, ở chiều đi, tôi một phen hốt hoảng khi chiếc xe chạy ngay trước mình đứng sựng lại. Những chiếc xe máy liên tiếp húc vào đuôi nhau, nghiêng ngả. Ngay trước chiếc xe đầu tiên, một cậu bé chừng 5 tuổi đi chiếc xe đạp trẻ em không biết từ đâu băng từ đoạn cắt dải ngăn cách giữa làn ô tô và làn xe máy, loạng choạng băng ngang làn xe máy để chạy về hướng con đường dẫn vào khu dân cư gần đó.
Giữa dòng xe lớn, xe nhỏ lao vun vút trên con đường “lạnh lùng” bậc nhất thành phố đó, chiếc xe đạp và đứa trẻ như… trên trời rớt xuống. Tôi vừa buột miệng hỏi thằng nhỏ ở đâu ra thì thấy từ phía con đường dẫn vào khu dân cư, một người mẹ hớt hải chạy ra, đón lấy đứa trẻ vừa thoát khỏi ma trận xe cộ. Người mẹ ấy hẳn là “chỉ vừa mới rời mắt một tí” khỏi đứa trẻ.
Trước đó nữa, ngay từ lúc vừa khởi hành từ P.Tân Định, Q.1, tôi đã thấy cảnh chị ve chai liêu xiêu giữ lấy chiếc xe hàng cồng kềnh to gấp 20 lần vóc dáng chị. Giữ thăng bằng được cả người lẫn xe, chị nhìn theo người đàn ông vừa lớn tiếng quát chị, dằn dỗi nói: “Tưởng người ta thích đi vậy lắm hả? Đừng thấy người ta nghèo mà thích thì chửi”.
|
Không khó để chụp một khung hình có ba xe vi phạm giao thông trên đường phố Sài Gòn |
Người đàn ông đã đi khuất. Ông có lẽ không nghe thấy lời kể lể, trả treo của chị. Ông chỉ vừa buột miệng chửi một người gây nguy hiểm trên phố. Dù chị ve chai đang đẩy chiếc xe hàng khổng lồ nọ đã cố đẩy thật sát lề, chiếc xe của chị vẫn chiếm nửa làn đường, nhất là khi nó đang ôm cua ngược chiều vào một ngã tư một cách bất đắc dĩ.
Muôn vàn lý do để... chết
Chị ve chai vì nghèo, người mẹ đứa trẻ chạy xe đạp trên đường Nguyễn Văn Linh (có thể) vì vô ý, anh tài xế lái xe rác trên cầu Tân Thuận vì một chút thuận đường, còn người phụ nữ dừng xe nghênh ngang giữa ngã tư đông đúc nọ thì vì một phút thực hành lòng tốt. Có muôn vàn lý do để người ta tạo ra và chấp nhận một hiểm họa. Và lý do “chính đáng” nhất chính là: “chỉ một phút thôi” hoặc “đoạn đường ngắn thôi mà”.
Tôi từng chứng kiến thảm kịch trùm lên một thị trấn sau cái ngày bốn người đàn ông cùng xóm gặp tai nạn ô tô trong đêm. Thị trấn Thạnh Mỹ, H.Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cách TP.Đà Nẵng chừng 55km. Đêm đó, sau cuộc vui ở Đà Nẵng, chiếc ô tô chở bốn người đâm một cú chí mạng vào lan can trên đường. Hai người chết, hai người bị thương nặng.
Hai năm sau, khi đã tạm bình phục, anh Thành - chủ nhân chiếc xe - đã nói với chúng tôi bằng một giọng nửa phân trần, nửa day dứt: “Suốt cuộc nhậu đó, anh không uống, để lái xe. Nhưng thằng Sơn sợ anh buồn ngủ nên kiên quyết giành lái. Đêm đó, nó đang buồn chuyện gia đình, lại một mực nói “từ đây về đó có chút xíu, đi một tiếng là tới” nên anh buộc phải nhường”. Anh Sơn - người cầm lái - đã tử nạn ngay đêm đó.
Người say lái xe. Người đang vội công việc đi ngược chiều. Người còn thơ trẻ hồn nhiên “tham gia giao thông”, bất chấp xe cộ. Tất cả đều được… vị tha. Và quả thực, không ai đủ nóng nảy để trách cứ một phụ nữ dừng lại cho tiền người ăn xin. Không ai đủ vô tình để buộc tội một phụ nữ với xe ve chai.
Và hàng trăm cái “một chút thôi” đã “cấp phép” cho bao nhiêu người chạy xe ngược chiều, đã tha thứ cho những người mẹ sơ sẩy trong việc quan sát con. Ngay cả một đoạn đường đêm dài 55km phần lớn là đèo núi quanh co, cũng trở nên “có chút xíu” đến mức thuyết phục được cả một người tài xế chuyên nghiệp dù trước đó anh đã chủ định giữ mình tỉnh táo để lái xe.
Chỉ đến khi tai nạn xảy ra trên chiếc ô tô đó, hay trên chiếc BMW vẫn đang được nhắc tên của người phụ nữ ở vòng xoay Hàng Xanh của Sài Gòn, những cái “một chút thôi” ấy mới được “định tội”. Lúc này, người ta mới bàng hoàng nhận thấy, khoảng cách sống - chết cũng chỉ là một tích tắc, sá gì cái “chút” hàng phút, hàng giờ, hàng ki-lô-mét?
Xã hội đang bàng hoàng lên tiếng về nạn lái xe khi đã dùng bia rượu, nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì chưa công bằng. Không chỉ việc dùng bia rượu, mà cả cái tinh thần xuê xoa, đại khái, và lòng “vị tha” bao la đó, mới chính là nguồn cơn của hiểm họa. Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia hòa bình có số người chết ngoài đường nhiều nhất thế giới.
Năm 2017, bình quân số người chết vì tai nạn giao thông đã là 23 người/ngày (theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia). Đó là chưa kể những cái chết do vật lạ rơi xuống từ công trình, do đụng phải dây điện bị đứt... Xã hội này đã dần chấp nhận những “sai số” của nguyên tắc an toàn như chấp nhận một chị ve chai có xe hàng cồng kềnh thì buộc phải đi ngược chiều (vì khó sang đường) và lấn chiếm đường phố. Và có cách giải quyết nào “đại khái”, “xuê xoa” hơn là một tiếng chửi thề giữa đường?
Có thể, ở một góc độ nào đó, tinh thần bao dung nọ cũng có điểm hay ho, hoặc cũng sẽ là điều gây tranh luận vì những mặt được - mất của nó. Chỉ có điều, bất kể đúng sai, chính bằng sự bao dung đó, chúng ta cũng đã đặt sự an toàn xuống sau cùng. Và từ đó, tai nạn trên đường không còn giống một “bất trắc” nữa, bởi nó luôn được gián tiếp tạo ra một cách chủ ý, từ khi người ta chọn “liều mình một chút thôi”.
Minh Trâm