Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu vắc xin

27/11/2024 - 06:38

PNO - Cũng trong khuôn khổ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, góp ý cho bản báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (tỉnh An Giang) bày tỏ nỗi lo về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vắc xin kéo dài.

Theo bà, tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp tục diễn ra ở một số bệnh viện công lập, chủ yếu là do sự kém hiệu quả trong công tác tổ chức đấu thầu. Đặc biệt, việc thiếu vắc xin đã diễn ra từ cuối năm 2022 nhưng đến tháng 9/2024, vẫn chưa được khắc phục triệt để. Bà bức xúc: “Nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi và có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Một số bệnh trước đây đã được kiểm soát như sởi, bạch hầu thì nay có nguy cơ bùng phát ở một số địa phương”.

ĐBQH bày tỏ nỗi lo về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vắc xin kéo dài.
ĐBQH bày tỏ nỗi lo về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vắc xin kéo dài - Ảnh minh họa

Theo báo cáo kết quả giám sát, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ tiêm chủng hầu hết các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Dù đạt cao nhất, tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván cũng chỉ đạt 40,6%, riêng 8 loại vắc xin còn lại đạt tỉ lệ thấp hơn, thấp nhất là tỉ lệ tiêm và uống vắc xin ngừa bại liệt (dưới 30% so với kế hoạch).

Cũng theo báo cáo kết quả giám sát, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng đến ngày 5/2/2024, Nghị định số 13 sửa đổi Nghị định số 104 mới được ban hành. Đến tháng 6/2024, Bộ Y tế mới ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 nên các địa phương không kịp triển khai thực hiện.

Bà Trần Thị Thanh Hương khẳng định: “Trẻ em cần được tiêm chủng để phòng bệnh. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội”. Do vậy, bà đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thiếu vắc xin, nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe, chất lượng sống cho trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (tỉnh Bình Dương) phản ánh, từ kỳ họp thứ tư tới kỳ họp thứ bảy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã kiến nghị nhiều lần về việc thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết. Điều này gây nhiều khó khăn, áp lực cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận) cũng phản ánh, tới nay, những “con nợ, chủ nợ bất đắc dĩ” vẫn đang chờ đợi để được giải quyết, thanh toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19. Bày tỏ sự đồng cảm với những khó khăn của Bộ Y tế bởi đây là lần đầu xảy ra đại dịch, còn nhiều điều chưa có trong tiền lệ, song ông cũng đặt vấn đề: “Với thực trạng này, nếu có dịch bệnh xảy ra, liệu các bệnh viện, doanh nghiệp có dám làm, dám đồng hành cùng cơ quan nhà nước chống dịch hay không?”.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan sớm có phương án để giải quyết dứt điểm việc thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI