Nhận xét, điểm số và nhồi ‘gà công nghiệp’

20/10/2014 - 08:03

PNO - PNO – Từ ngày 15/10, tất cả các trường tiểu học trên cả nước áp dụng phương pháp dùng nhận xét thay cho việc cho điểm HS. Nhưng, đánh giá bằng điểm số hay bằng nhận xét đều sẽ chẳng dẫn đến một kết quả tươi sáng hơn,...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Nhiều giáo viên vẫn loay hoay, nhiều học sinh vẫn chưa quen với quy định mới của Bộ GD-ĐT về việc dùng nhận xét thay cho điểm số.

Nhan xet, diem so va nhoi ‘ga cong nghiep’

Một HS tiểu học tại TP.HCM tranh thủ ngủ trên đường đến trường - Ảnh Phùng Huy.

Làm con dấu may chăng nhận xét được hết học sinh?

Nhận xét chung chung thì không được, chẳng lẽ học sinh nào cũng “Tốt, có tiến bộ”, “Con cần phát huy hơn nữa”, “Chữ đẹp, có sự cố gắng cao”. Mà nhận xét cụ thể, chi tiết thì nhiều khi các cô giáo không có đủ thời gian.

Một giáo viên đã có 10 năm chủ nhiệm lớp tại một trường tiểu học công lập ở Hà Nội than thở, chị không chỉ là giáo viên chủ nhiệm mà còn là cô giáo dạy bộ môn cho các lớp khác. Công việc nhận xét lại là từng bài kiểm tra, rồi định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng học kỳ. Nhận xét cả hàng trăm cuốn sổ cho hàng trăm học sinh, chưa kể các sổ sách, giấy tờ mà một giáo viên đứng lớp cần hoàn thiện, nghĩ đến đã… thở không ra hơi.
Vậy lấy đâu thời gian để các cô giáo như chị nghĩ đến chuyện đổi mới cách dạy học, tìm kiếm tài liệu dạy học hay cho học sinh tham khảo?

Nhiều chia sẻ vui trên các diễn đàn “mách” các cô, có lẽ nên làm các con dấu đỏ, khắc sẵn các chữ nhận xét hay được dùng nhiều nhất như “Có tiến bộ”, “Tốt”, “Con cần phát huy”… để cô chỉ việc dập vào các trang giấy, nhưng phương pháp này không khả thi và an toàn. Đến các cô còn mắc bệnh photo copy, sao làm gương cho học trò tiến bộ?

Cháu tôi một lần ôm vở về nhăn nhó: “Dì ơi, cô giáo nhận xét con làm rất xuất sắc, còn bạn A thì cô bảo tốt, vậy con được 10, bạn được 9 hả dì?”. Tư tưởng muốn so sánh mình và bạn dựa trên điểm số của các con đã bị ảnh hưởng từ những năm các con mới vào trường, đột nhiên thay đổi cách thức đánh giá học sinh bằng lời nhận xét, để các con thích nghi ngay cũng khó. Đến ngay bản thân tôi, vẫn chưa bỏ được thói quen khi thấy các cháu ríu rít cắp sách về, lại chạy ra xoa đầu chúng hỏi, hôm nay các con được mấy điểm?

Nhan xet, diem so va nhoi ‘ga cong nghiep’

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Học đến “mụ” người, nhận xét có hơn cho điểm?

Cách đánh giá học trò bằng nhận xét theo tôi là một phương pháp hay, hạn chế được tiêu cực trong học đường, giảm áp lực cho các con. Nhưng ở Việt Nam, có quá nhiều rào cản để nó trở thành một phương pháp thúc đẩy sự tiến bộ giáo dục.

Đây là phương pháp được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng từ lâu, thậm chí như Đan Mạch còn không cho điểm học sinh đến tận năm lớp 8. Tuy nhiên, chúng ta hiểu, nước ngoài không cho điểm học sinh của họ, nhưng chuyển cấp học, học sinh của họ không có yêu cầu phải 5 năm tiểu học là học sinh giỏi.

Học sinh của họ mỗi lớp chỉ ngoài 20 học sinh, các thầy cô giáo không phải một lúc làm nhiều cương vị: chủ nhiệm lớp này, giáo viên bộ môn của mấy lớp khác, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn trường…

Các buổi gặp gỡ, trò chuyện giữa mỗi phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm của họ diễn ra thường xuyên, có thể là hàng tuần. Giờ họp phụ huynh đầu năm, cuối kỳ của họ là những buổi để lắng nghe nguyện vọng về cách dạy các con cho chúng tiến bộ, nỗ lực hơn nữa chứ không phải để nghe về các khoản thu chi đầu năm học và nhận xét học sinh này cá biệt, so sánh học sinh kia với các bạn còn lại.

Nhiều nước ở châu Âu còn áp dụng phương pháp đánh giá học sinh bằng biểu đồ. Trình độ của các con trong suốt một kỳ học, năm học sẽ thể hiện ngay trên biểu đồ. Vì giáo dục nước ngoài khuyến khích sự tiến bộ của chính học sinh đó, chứ không phải là sự so sánh giữa các học sinh với nhau - một thói quen của nhiều trường lớp ở Việt Nam.

Chính điều này làm các học trò của chúng ta đi học như đánh trận. Các cháu tôi mới học lớp 3 nhưng sáng nào cũng phải giục giã như sắp cháy nhà các cháu mới thức dậy, chuẩn bị quần áo, giày tất, sách vở. Có ngày chúng ăn bánh mì trên yên xe máy hoặc ngủ mê mệt trên ghế sau ô tô lúc bố đưa đến trường vì đêm qua làm mãi mới hết bài tập toán, tập làm văn, trong mơ còn ú ớ học lịch sử, địa lý.

Nghỉ hè mà các cháu phải mang về nhà bao nhiêu bài tập toán, tiếng Việt để tự làm. Mới tháng 7 mà các cô đã rục rịch lên kế hoạch cho các con đi học, đỡ… bỡ ngỡ vào lớp 3 (!?).

Anh chị tôi nhiều khi cãi vã nhau cũng chỉ vì dạy con học ở nhà. Mẹ bắt con học thêm toán, tiếng Việt liên miên để bằng bạn, hơn bạn trong khi bố bảo con nên nghỉ để học aerobic và piano. Các cháu đang phải học quá nặng so với tuổi của chính mình.

Đánh giá bằng điểm số hay bằng nhận xét đều sẽ chẳng dẫn đến một kết quả tươi sáng hơn nếu như vẫn giữ cách giáo dục như nhồi gà công nghiệp hiện nay. Các cô giáo có thể đủ thời gian và đủ tâm huyết để nhận xét sâu sắc, kỹ lưỡng cho từng con, quan tâm đến sự tiến bộ của từng con, chỉ khi các cô và các con được học nhẹ, giảm tiết học, giảm môn học và đừng có áp lực học sinh giỏi, giáo viên giỏi, lớp chọn, trường điểm…

Chỉ khi căn bệnh thành tích lùi xa, may chăng lời nhận xét của cô mới có ý nghĩa.

NGUYỄN THÚY HẰNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI