Nhân viên y tế Mỹ kiệt sức vì làn sóng dịch thứ 4

19/09/2021 - 18:02

PNO - Các nhân viên y tế ở Mỹ thừa nhận khi đã kiệt sức rằng họ cảm thấy mất tinh thần vì chứng kiến làn sóng đại dịch thứ 4 lan rộng khắp nước Mỹ.

Tháng 2/2020, bác sĩ Bryce Meck, 30 tuổi, đã tự nhốt mình trong phòng tắm để khóc trong 5 phút khi bệnh nhân của cô, những người cô điều trị hàng tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), tử vong vì COVID-19.

Trong số 20 bệnh nhân được cô chăm sóc, chỉ có 3 người sống sót. Họ cầu xin cô nói với mọi người trong cộng đồng hãy đi tiêm phòng vắc xin.

Một số bác sĩ bắt đầu bày tỏ sự thất vọng với những bệnh nhân từ chối vắc xin và đang gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác, trong đó có các nhân viên y tế điều trị cho họ - Ảnh: Reuters
Một số bác sĩ bắt đầu bày tỏ sự thất vọng với những bệnh nhân từ chối vắc xin và đang gây nguy hiểm cho bản thân cũng như những người khác, trong đó có các nhân viên y tế điều trị cho họ - Ảnh: Reuters

Mỗi tuần, sự thất vọng của Meck càng tăng lên khi cô gặp các bệnh nhân trong phòng khám ở Columbia (Missouri). Họ bày tỏ sự do dự về vắc xin, chia sẻ thông tin sai lệch hoặc nói với cô rằng bạn bè của họ đang gây sức ép buộc họ không được tiêm chủng. “Giá mà những người đó có thể gặp gỡ các bệnh nhân đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết trong bệnh viện”, Meck nghĩ, trong khi bản thân cô vẫn đang chịu ảnh hưởng lâu dài của virus.

Giờ đây, hơn bao giờ hết, các chuyên gia y tế đang bị vắt kiệt sức trước nỗi đau và chấn thương tàn bạo của đại dịch. Họ còn đang đối mặt với “sự bất mãn” bởi những bệnh nhân chưa tiêm chủng và chán nản vì những hạn chế của hệ thống y tế, khiến họ không có phương tiện để thực hiện công việc của mình như đã được đào tạo. Một lực lượng lao động trong ngành y đang phải đối mặt với vấn đề tâm lý và cảm xúc, trong khi các bác sĩ rất ít được hỗ trợ hoặc cho phép sai lầm và phải chịu hậu quả nghề nghiệp khi lộ ra các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Các chuyên gia nói rằng những gì họ đang trải qua có thể được gói gọn trong hai thuật ngữ: Tổn thương về tinh thần và suy giảm lòng trắc ẩn.

Tiến sĩ Kernan Manion, Giám đốc điều hành Trung tâm quyền của bác sĩ (CPR), cho biết: “Suy giảm lòng trắc ẩn là cảm giác “khó làm việc, khi bạn quá tải nhưng vẫn tận tâm với công việc”.

“Tổn thương tinh thần xảy ra khi y tá hoặc bác sĩ cảm thấy rằng những bệnh nhân mà họ đã dành cả sự sống của mình để điều trị hiện đang nằm đây vì chính sự sơ suất những bệnh nhân này và các thầy thuốc đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm virus”.

Những ngày này, Meck lần đầu tiên cảm nhận được những điều đó. Cô thấy trẻ em mắc COVID-19 tại bệnh viện của mình nhiều hơn bao giờ hết. Với tỷ lệ tiêm chủng 46%, tiểu bang Missouri là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ thấp nhất cả nước.

“Chúng tôi không có phép màu nào, nên cảm thấy mất tinh thần và bất lực” - Ảnh: Trung tâm Y khoa Đại học Mississippi
“Chúng tôi không có phép màu nào, nên cảm thấy mất tinh thần và bất lực” - Ảnh: Trung tâm Y khoa Đại học Mississippi

Tại Kansas, các giường bệnh ICU hiện có nhiều bệnh nhân COVID-19 hơn bất kỳ khi nào trong thời kỳ đại dịch, các nhà xác bị quá tải ở Oregon, và các bác sĩ ở hạt Palm Beach, Florida, trong một cuộc họp báo đã “cầu xin người dân tin tưởng họ và đi tiêm phòng”.

Anita Sircar, một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm làm việc tại California, không thể không cảm thấy giận những bệnh nhân mắc căn bệnh COVID-19 nguy hiểm đến tính mạng của họ trong khi họ hoàn toàn có thể tránh được bằng cách tiêm vắc xin. Cô viết trong một bài báo được chia sẻ rộng rãi: “Suy giảm lòng trắc ẩn đã xuất hiện. Đối với chúng tôi, những người đã không bỏ nghề sau năm khó khăn nhất trong cuộc đời làm việc của mình, ngay cả hy vọng cũng đã cạn kiệt”.

Cho đến nay, gần 660.000 người đã chết vì COVID-19 ở Mỹ. Theo tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIA) kiêm cố vấn y tế chính của Tổng thống Joe Biden, số ca tử vong đang tăng đột biến, con số này dự kiến ​​sẽ tăng thêm 100.000 người nữa cho đến tháng 12/2021.

Trường y không chuẩn bị cho bác sĩ Michelle Suh, một bác sĩ nội trú về cấp cứu 29 tuổi, để giải quyết thông tin sai lệch. “Chúng tôi không có phép màu nào, nên cảm thấy mất tinh thần và bất lực”, cô nói. Cô cho biết làn sóng đại dịch lần này rất khó hiểu vì “chúng ta có vắc xin và biết rằng nó hiệu quả”.

Bác sĩ Leah Brown, 46 tuổi, từng tiêm đủ loại vắc xin trong 12 năm cô phục vụ trong quân đội, nay là nữ bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình làm việc tại Arizona, rất thất vọng vì nhiều người không tiêm chủng đang làm cho đại dịch giống như một bãi chiến trường.

Áp lực đè nặng lên các bác sĩ trên khắp nước Mỹ, và không giống như các ngành nghề khác, các bác sĩ không chỉ tiếp xúc với những nguy cơ tiềm ẩn trong công việc, họ còn phải đối mặt với nhiều rào cản liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Và một thực tế đáng buồn là các bác sĩ chết do tự tử với tỷ lệ cao hơn bất kỳ ngành nghề nào.

Thanh Hiền (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI