Nhân viên y tế học đường quay cuồng trong mùa dịch

04/03/2022 - 13:45

PNO - Được xem là “cánh tay phải” hỗ trợ phòng chống dịch, thời diểm này, nhân viên y tế học đường đang “quay cuồng” với khối lượng công việc khổng lồ.

“Sợ” nhất nhân viên y tế bệnh

Gần 1 tháng trở lại trường học sau kỳ nghỉ tết, đến nay Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đã có gần 200 học sinh là F0. Khi có ca F0 xuất hiện, công tác truy vết, tầm soát F1, tư vấn tâm lý học sinh, đánh giá tình hình dịch trong lớp để cùng nhà trường quyết định chuyển đổi hình thức dạy học phù hợp… đều do “một tay” nhân viên y tế nhà trường thực hiện. 

Cô Bùi Minh Tâm - hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường có hơn 2.300 học sinh nhưng chỉ có 1 nhân viên y tế học đường. Trong bối cảnh F0 trường học tăng cao, trung bình mỗi ngày cả 10 ca thì khối lượng công việc của nhân viên y tế nhà trường đang rất lớn. Trong khi đó, đây là y tá đã về hưu được nhà trường hợp đồng 2 năm nay, tuổi cũng không còn quá trẻ…

“Nếu hỏi giờ nhà trường sợ nhất điều gì khi dạy và học trực tiếp thì câu trả lời là sợ nhất nhân viên y tế bệnh. Vì giờ nhân viên y tế trường mà bệnh là nhà trường “đứng hình” luôn, không biết xoay xở thế nào. Giáo viên, nhân viên có thể kiêm nhiệm nhiệm vụ này thì nhiều nhưng chuyên môn phòng dịch không thể bằng nhân viên y tế chuyên nghiệp”, cô Tâm bày tỏ. 

 

Mọi hoạt động trong trường đều cần đến nhân viên y tế học đường
Mọi hoạt động trong trường đều cần đến nhân viên y tế học đường

Hiệu trưởng này phân tích, công việc của nhân viên y tế trường học hiện nay không chỉ là xử trí tạm thời các bệnh thông thường như đau đầu, cảm nắng, kinh nguyệt, đau bao tử, theo dõi sức khỏe học sinh trong trường, giữ môi trường học đường an toàn… mà quan trọng hơn cả là đảm nhiệm trọng trách phòng dịch trong nhà trường

“Khi trường xuất hiện các ca F0, nhân viên y tế không chỉ tư vấn cho GVCN xác định đúng F1 mà còn cùng nhà trường đánh giá tình hình dịch để chuyển đổi hình thức học tập phù hợp. Ngoài ra, nhân viên y tế học đường còn đưa ra kịch bản cho từng lớp trong từng ngày, thậm chí là từng giờ học… Có khi 10g đêm phụ huynh báo con mình F0, GVCN, nhân viên y tế trường lại cùng truy vết F1, thông báo, tư vấn kịp thời đến phụ huynh”, cô Bùi Minh Tâm kể.

Nhân viên y tế học đường F0, trường mất ăn, mất ngủ

“Nhân viên y tế trường học quan trọng lắm. Trước đây đã quan trọng, bây giờ trong thời buổi dịch bệnh còn quan trọng gấp nhiều lần. Bữa nhân viên y tế nhà trường báo F0, trường chạy “có cờ” luôn”, cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Học (quận 1) bày tỏ. 

“Chạy có cờ”- theo hiệu trường này đó là khi xuất hiện ca nghi nhiễm là học sinh, trường phải liên hệ nhân viên y tế địa phương, cùng tầm soát F0, truy vết F1, tư vấn cho học sinh và phụ huynh, kiểm tra giờ ăn bán trú về khâu thực phẩm, đánh giá tình hình tổ chức... dù vậy nhân viên y tế trường vẫn phải điều hành từ xa.

Với gần 4.000 học sinh, Trường TH An Hội (quận Gò Vấp) được xem là đơn vị có số học sinh lớn nhất nhì TPHCM. Để đảm bảo an toàn phòng dịch khi học sinh đi học trực tiếp trong bối cảnh hiện nay, cô Ngô Thị Thúy Lan - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhân viên y tế trường hiện đang phải “vắt giò lên cổ” mới xử lý hết khối lượng công việc hiện nay. Hiệu trưởng, hiệu phó có thể vắng một ngày chứ nhân viên y tế thì không thể vắng ngày nào… 

Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, nhân viên y tế học đường là lực lượng quan trọng, không thể thiếu trong các nhà trường. Tuy nhiên, lực lượng này hiện nay vốn đã “mỏng”, lại đang dần “rơi rụng” do nhân viên nghỉ việc, do yếu tố sức khỏe. Nhiều trường phải sử dụng giáo viên kiêm nhiệm, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch tại trường. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, 98,03% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố có bố trí người phụ trách công tác y tế học đường. Tuy nhiên, chỉ có 56,39% cơ sở giáo dục có nhân viên y tế trường học “đạt chuẩn” về chuyên môn theo đúng quy định của Bộ Y tế với trình độ từ trung cấp y sĩ trở lên.

 

Nhân viên y tế trường học vốn đã mỏng nay lại đang dần rơi rụng
Nhân viên y tế trường học vốn đã "mỏng" nay lại đang dần "rơi rụng"

TPHCM đã có chính sách tuyển nhân viên y tế vào biên chế trong nhà trường. Tuy nhiên, theo quy định, với 4 vị trí là kế toán, văn thư, y tế học đường, thủ quỹ lại chỉ cho phép tuyển dụng 3 biên chế. 

Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Bùi Minh Tâm cho biết, hiện nay việc tuyển nhân viên y tế trường học rất khó. Với đặc thù trường học công việc mang tính hành chính nhiều hơn, nhân viên y tế đòi hỏi phải túc trực trong trường song mức lương lại chưa tương xứng. 

“Hiện nay, để có nhân viên y tế học đường, nhiều trường phải hợp đồng với nhân viên y tế đã về hưu. Trong mùa dịch, khối lượng công việc nhiều, nhân viên y tế về hưu sức khỏe cũng hạn chế, vì thế các trường cũng gặp khó khăn. Tôi nghĩ, nếu được, cần có thêm chính sách riêng cho nhân viên y tế. Đặc biệt, nhân viên y tế trường học phải được trang bị thêm kiến thức về tâm lý lứa tuổi học sinh, phải yêu trẻ, mến trẻ… để phù hợp với vị trí công việc”, cô Bùi Minh Tâm kiến nghị.

Tấn Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI