Nhân viên y tế gốc Á và hai trận chiến nghiệt ngã mùa COVID-19

28/05/2021 - 20:26

PNO - Nhân viên y tế gốc châu Á và Thái Bình Dương đã và đang phải đối mặt với làn sóng quấy rối cũng như tấn công ở nhiều nơi trong thời kỳ đại dịch. Cuộc sống của họ mỗi phút đều đối mặt với những thách thức.

Tiến sĩ Michelle Lee (người gốc Hàn Quốc) và Ida Chen (người gốc Hoa) chuẩn bị áp phích cho các cuộc biểu tình phản đối sự thù địch vô lý chống người châu Á - Ảnh: AP
Tiến sĩ Michelle Lee (người gốc Hàn Quốc) và Ida Chen (người gốc Hoa) chuẩn bị áp phích cho các cuộc biểu tình phản đối sự thù địch vô lý chống người châu Á - Ảnh: AP

Một mình hai trận chiến 

Natty Jumreornvong là sinh viên y khoa ở Mỹ đã được tiêm vắc-xin đầy đủ, được trang bị đồ bảo hộ kỹ càng trong công việc. Thế nhưng, cô không tránh khỏi sự kỳ thị chống lại người châu Á nổi lên sau khi dịch bệnh lần đầu tiên được xác định ở Trung Quốc. Các bệnh nhân đã gọi cô bằng những lời tục tĩu. Một người khác còn nhổ nước bọt vào sinh viên gốc Thái Lan này, đòi đuổi cô “quay trở lại Trung Quốc”.

Jumreornvong kể, trong buổi đi bộ vào ngày 15/2, một người đàn ông đến gần, giật điện thoại, kéo lê cô trên vỉa hè và không ngừng gọi cô là “vi-rút Trung Quốc”. Jumreornvong đã báo cáo với cảnh sát và vụ việc vẫn đang được điều tra. “Đối với nhân viên y tế gốc Á và Thái Bình Dương, có vẻ như chúng tôi đang chiến đấu với nhiều trận chiến cùng lúc, không chỉ COVID-19, mà còn cả phân biệt chủng tộc”, Jumreornvong nói.

Người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt với làn sóng quấy rối và tấn công ở nhiều nơi trong thời kỳ đại dịch. Riêng những người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang cảm thấy sự tấn công nhắm vào họ càng khủng khiếp hơn vì nhiều người xem họ như là mầm bệnh. “Chúng tôi đã từ chỗ được xem như người hùng chăm sóc sức khỏe bỗng nhiên giống như trở thành vật tế thần”, tiến sĩ Michelle Lee, làm việc ở New York, cho biết. 

Không chấp nhận sự bất công này, vào tháng Ba, Lee đã tập hợp 100 nhân viên y tế mặc áo khoác trắng để tố cáo thái độ thù địch vô lý nhắm vào người gốc Á. “Chúng tôi không mang đến vi-rút. Chúng tôi thực sự đang cố gắng giúp bạn loại bỏ vi-rút”, Lee cho biết thêm, năm ngoái, cô đã bị những người lạ khạc nhổ vào mình hai lần.

Tiếng nói nhỏ nhoi

Người gốc châu Á và đảo Thái Bình Dương chiếm khoảng 6-8% dân số Mỹ và chiếm tỷ lệ lớn trong một số ngành nghề chăm sóc sức khỏe. Trước đại dịch, các nghiên cứu cho thấy 31-50% bác sĩ gốc Á trải qua sự phân biệt đối xử trong công việc, từ việc bệnh nhân từ chối, xem thường không cho chăm sóc đến khó khăn trong việc tìm người cố vấn.  

Sinh viên y khoa Đại học Columbia, Hueyjong Shih nhớ lại đã phải đối mặt với “rất nhiều câu hỏi không phù hợp” từ đồng nghiệp đến bệnh nhân trong bệnh viện. Shih sau đó cùng các sinh viên y khoa khác đã phải cầu cứu các cơ sở y tế hỗ trợ kinh nghiệm về việc người Mỹ gốc Á phải làm thế nào trước nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời yêu cầu mở lớp đào tạo giúp họ chống lại tình trạng này.

Báo cáo của cảnh sát về tội phạm thù địch chống lại người châu Á tại 26 thành phố của Mỹ đã tăng 146% vào năm ngoái, trong khi tội phạm thù địch nói chung tăng 2%. “Đó là một nỗi sợ hãi thường trực. Bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ trở thành mục tiêu”, bác sĩ Amy Zhang nói.

Thời kỳ đầu của đại dịch, Amy Zhang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID-19 khi làm công việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân, nhưng giờ đây, cô còn đối mặt với sự phân biệt chủng tộc bằng những lời nói thô tục cũng như đe dọa tấn công tình dục. “Mặc dù thực tế là tôi đã vươn mình thoát khỏi cảnh nghèo đói để theo đuổi giấc mơ Mỹ, mặc dù tôi có thể và đã cứu sống được nhiều người trong những điều kiện căng thẳng, nhưng những điều này không thể bảo vệ tôi khỏi sự phân biệt chủng tộc”, bác sĩ Amy Zhang chia sẻ.

Ida Chen, sinh viên trợ lý bác sĩ ở New York, thì luôn phải mang theo bình xịt hơi cay, không dám đi lang thang một mình và cài điện thoại di động để tất cả bạn bè biết vị trí của mình. Thậm chí, cô còn giấu phần chân tóc màu nâu sẫm của mình dưới một chiếc mũ, chỉ để lộ ra phần đuôi tóc nhuộm màu vàng. Cô gái gốc Hoa này cho biết: “Tôi bắt đầu nghiên cứu y học với suy nghĩ đối xử với mọi người bằng cách tốt nhất có thể. Thật đau lòng khi nhiều người không đáp lại sự đồng cảm và ý định tốt đó”. 

Thảo Nguyễn (theo AP, NYT, The Guardian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI