Nhân viên y tế đình công diện rộng ở Anh và Hàn Quốc

13/07/2023 - 20:41

PNO - Bất bình trước chế độ phúc lợi và tiền lương kém, hàng chục ngàn nhân viên y tế ở Anh và Hàn Quốc đã tham gia đình công trong ngày 13/7. Vụ việc khiến nhiều bệnh viện thiếu nhân sự nghiêm trọng.

 

Cuộc đình công của các bác sĩ trẻ dự kiến gây ra sự gián đoạn lớn cho Dịch vụ Y tế Quốc gia vốn đã chật vật, với các ca mổ và hoạt động tư vấn bị hoãn lại hoặc thậm chí bị hủy bỏ. (Ảnh: AFP)
Cuộc đình công của các bác sĩ trẻ dự kiến gây ra sự gián đoạn lớn cho hoạt động y tế - Ảnh: AFP

Nhân viên y tế trẻ tại Anh muốn mức lương tốt hơn

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe do nhà nước tài trợ của Anh (NHS) đang phải đối mặt với cuộc đình công được mô tả là dài nhất từ ​​trước đến nay khi hàng chục ngàn bác sĩ, y tá trẻ bắt đầu ngừng làm việc 5 ngày kể từ 13/7.

Phần lớn trong số họ yêu cầu được tăng lương 35%.

Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) đã yêu cầu tăng lương hiện tại lên 35%, để đưa mức lương hiện tại của các bác sĩ trẻ trở lại mức năm 2008 sau khi tính đến lạm phát.

Trong khi đó, khối lượng công việc của khoảng 75.000 bác sĩ có kinh nghiệm tại Anh đã tăng lên khi danh sách bệnh nhân chờ điều trị đang ở mức cao kỷ lục sau đại dịch.

Tiến sĩ Robert Laurenson và tiến sĩ Vivek Trivedi - lãnh đạo BMA - cho biết: “Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc đình công đơn lẻ dài nhất của các bác sĩ trong lịch sử NHS, nhưng đây vẫn chưa phải là một kỷ lục cần được ghi vào sử sách”.

Họ kêu gọi chính phủ Anh, cơ quan giám sát chính sách y tế ở Anh, bỏ “điều kiện tiên quyết vô lý” là không đàm phán trong khi các cuộc đình công đang diễn ra.

Chính phủ, vốn đang phải đối mặt với một loạt các cuộc đình công của công nhân trong nhiều lĩnh vực, đang giữ vững lập trường rằng họ sẽ không đàm phán cho đến khi các cuộc đình công chấm dứt.

Cuộc đình công của các bác sĩ dự kiến gây ra sự gián đoạn lớn cho NHS, với nhiều ca mổ và hoạt động tư vấn bị hoãn lại hoặc thậm chí bị hủy bỏ.

Tiến sĩ Simon Steddon, giám đốc y tế tại bệnh viện Guy's và St. Thomas ở phía nam London, kêu gọi cả 2 bên quay lại bàn đàm phán trong bối cảnh lo ngại về tác động đối với bệnh nhân.

Ông nói rằng 55.000 cuộc hẹn và gần 6.000 ca mổ theo kế hoạch đã bị hủy bỏ hoặc lên lịch lại tại các bệnh viện mà ông giám sát do hậu quả của các cuộc đình công.

Các bác sĩ mới vào nghề và các thành viên của Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) đứng xếp hàng bên ngoài Bệnh viện Đa khoa Leeds khi bắt đầu cuộc đình công kéo dài 5 ngày. (Ảnh: Danny Lawson/PA)
Các bác sĩ mới vào nghề và các thành viên của Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) đứng xếp hàng bên ngoài Bệnh viện đa khoa Leeds khi bắt đầu cuộc đình công kéo dài 5 ngày - Ảnh: Danny Lawson/PA

 

 Các bác sĩ đứng xếp hàng trước bệnh viện St Thomas, London. (Ảnh: Lucy North/PA)
Các bác sĩ đứng xếp hàng trước bệnh viện St Thomas, London - Ảnh: Lucy North/PA

 

Các nhân viên y tế biểu tình bên ngoài bệnh viện St Thomas, London. (Ảnh: Lucy North/PA)
Các nhân viên y tế biểu tình bên ngoài bệnh viện St Thomas, London - Ảnh: Lucy North/PA

 

Các thành viên của công đoàn tham gia đình công bên ngoài Bệnh viện Guys và St Thomas ở London. (Ảnh: News.sky)
Các thành viên của công đoàn tham gia đình công bên ngoài Bệnh viện Guys và St Thomas ở London - Ảnh: News.sky

Nhân viên y tế Hàn Quốc muốn cải thiện điều kiện làm việc

Vấn đề tương tự cũng đang diễn ra tại Hàn Quốc, nơi có khoảng 45.000 y tá, điều dưỡng viên và các thành viên khác của Liên đoàn Lao động Y tế và Sức khỏe Hàn Quốc (KHMU) trên cả nước phát động cuộc tổng đình công vào ngày 13/7, lần đầu tiên sau 19 năm.

Họ chỉ trích chính phủ không hoàn thành thỏa thuận tuyển thêm nhân viên y tế và cải thiện điều kiện làm việc cho ngành y tế, vốn được đề ra từ năm 2021.

Những nhân viên y tế tại các phòng cấp cứu và phòng mổ, các phòng chăm sóc đặc biệt, phòng sinh và các đơn vị sơ sinh không tham gia vào cuộc biểu tình ngồi, nhằm giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân. Dù vậy, sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế, bao gồm cả việc hủy bỏ các ca phẫu thuật, đã xảy ra tại một số bệnh viện.

Trường hợp điển hình là Bệnh viện Yangsan thuộc Đại học Quốc gia Pusan (PNUYH), nơi tất cả y tá trong các khoa đều đình công. Bệnh viện ở Yangsan, tỉnh Nam Gyeongsang, đã hoàn tất việc chuyển tất cả bệnh nhân nội trú, ngoại trừ những bệnh nhân bị bệnh nặng và những người trong phòng cấp cứu (ER), đến các bệnh viện khác gần đó.

"Chúng tôi gần như đã hoàn thành việc chuyển bệnh nhân nội trú - khoảng 70-80% trong số họ" - một vị tại PNUYH nói với tờ Korea Biomedical Review.

Người này cho biết thêm, đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) không bị gián đoạn vì có đủ nhân viên nhưng bệnh viện bị quá tải bởi các bệnh nhân đến phòng cấp cứu; đồng thời chia sẻ: "Nếu cuộc tổng đình công kéo dài không biết bao giờ mới kết thúc thì với nhân lực hiện tại, chúng tôi sẽ không thể xoay xở nổi. Mọi người đều rất căng thẳng".

Chính phủ chỉ trích công đoàn, nói rằng một cuộc đình công với khả năng gây thiệt hại cho cuộc sống và sức khỏe của mọi người là không thể biện minh được.

Hiện tại, công đoàn đã đưa ra kế hoạch đình công cụ thể trong 2 ngày 13-14/7, nhưng cảnh báo về một cuộc đình công vô thời hạn nếu chính phủ không thay đổi thái độ.

Nhưng người tham gia cuộc đình công đến từ 145 tổ chức y tế trên toàn quốc, với khoảng 20 bệnh viện lớn ở Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận, bao gồm Bệnh viện Đại học Hanyang và Bệnh viện Mokdong của Đại học Nữ sinh Ewha.

Các thành viên của Liên đoàn Lao động Y tế và Sức khỏe Hàn Quốc kêu gọi chính phủ thuê thêm nhân viên y tế và mở rộng các dịch vụ y tế công cộng trong cuộc tuần hành ở trung tâm Seoul ngày 13/7. (Ảnh: Yonhap)
Các thành viên của Liên đoàn Lao động Y tế và sức khỏe Hàn Quốc kêu gọi chính phủ tuyển thêm nhân viên và mở rộng các dịch vụ y tế công cộng trong cuộc tuần hành ở trung tâm Seoul ngày 13/7 - Ảnh: Yonhap

Tấn Vĩ (theo Guardian, News.sky, AFP, Korea Times, Yonhap)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI