Angela Phillips sẽ bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của mình vào ngày thứ Bảy tuần này. Cô gái trẻ này đang chuẩn bị mọi thứ một cách vui vẻ, tự nguyện, và đầy trách nhiệm bởi cô cho rằng đây là một công việc thật sự quan trọng, nhất là trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 hiện nay.
Ở một quận ngoại ô của New York, Phillips cùng khoảng 25.000 người khác vừa được tuyển dụng để trở thành nhân viên chăm sóc tại gia chuyên phục vụ những khách hàng là bệnh nhân đang cần được hỗ trợ trong thời gian xảy ra đại dịch.
Nhân viên xã hội - Họ là ai?
|
Nhân viên xã hội chăm sóc người già thường phải đóng nhiều vai trò cùng một lúc - Ảnh: The Guardian |
Những nhân viên chuyên nghiệp này thường bắt đầu công việc với mức lương cơ bản là 11,80 USD (khoảng 250 nghìn đồng)/giờ. “Họ phải chăm sóc những bệnh nhân có các bệnh lý phức tạp”, Kim Gibson, Giám đốc một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho nhân viên xã hội ở New York cho biết.
“Họ đóng nhiều vai trò cùng một lúc - vừa là nhân viên công tác xã hội, vừa là người đòi hỏi quyền lợi cho thân chủ, đồng thời cũng là những người bạn đáng tin cậy luôn ở bên cạnh khách hàng của mình. Thế nhưng, mức thù lao dành cho những nhân viên này lại quá thấp, và hầu như không có thêm bất cứ quyền lợi nào khác”.
Tổ chức xã hội phi lợi nhuận có tên “Health Care Workers Rising” ở New York chỉ mới được thành lập được 2 năm hiện đang có 2.200 hội viên tham gia sinh hoạt.
“Những nhân viên xã hội này đi làm mà không hề được hưởng những quyền lợi mà đáng lẽ ra họ phải được hưởng như những người Mỹ đi làm khác”, Gibson nói. “Tính chất công việc rất phức tạp và họ chính là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi không khác gì những thân chủ mà họ đang giúp đỡ. Hay nói cách khác, họ đang trở nên ‘vô hình’ trong mắt chính quyền Mỹ”.
Chẳng hạn, với trường hợp của Phillips. Cô gái trẻ này có một lý do hết sức đặc biệt khi quyết định dấn thân vào nghề xã hội này.
Sau khi tốt nghiệp trung học, cô đã lấy tấm bằng xã hội học trường Đại học cộng đồng Erie Community College. Trong buổi lễ tốt nghiệp, ánh mắt cô sục sạo tìm kiếm trong đám đông trên sân trường để tìm mẹ mình - mà chính cô cũng biết rõ là không thể tìm được, bởi bà đã mất cách đây 2 năm bởi chứng thối loét vì nằm liệt giường trong một Viện dưỡng lão địa phương với điều kiện chăm sóc tồi tệ.
Nỗi đau mất mẹ đã khiến Phillips quyết tâm dấn thân vào con đường nghề nghiệp của một nhân viên công tác xã hội nhằm “tạo ra sự khác biệt” cho loại hình dịch vụ thiết yếu đối với con người này.
Đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp
|
Nhân viên xã hội không chỉ chăm sóc sức khỏe thể chất mà còn phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của thân chủ - Ảnh: AFP |
Sau cái chết của mẹ, Phillips, trước đó đang làm quản lý ở một doanh nghiệp xã hội, đã quyết định trở thành một nhân viên chăm sóc người già, đồng nghĩa với việc thu nhập của cô cũng bị giảm đến 1/2. Phillips cho biết cô đã phải làm tăng ca liên tục để có thêm đôi chút thu nhập. Và thân chủ hiện tại của cô là một cụ bà 70 tuổi vốn là một giáo viên về hưu với hàng loạt vấn đề sức khỏe.
“Chúng tôi trò chuyện cùng nhau mỗi ngày”, Phillips kể. “Bà cụ rất thích trò chơi bài Uno cũng như thích được đi dạo”.
Cô phải nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và giúp thân chủ của mình tắm và đi vệ sinh. Những công việc này cũng tương tự như nhiệm vụ mà Oretha Beh, một phụ nữ Liberia 64 tuổi nhập cư vào Mỹ tháng 12/2003. Khi vừa đến Mỹ, Beh có được một cơ hội để trở thành giáo viên. Thế nhưng người phụ nữ da màu này đã từ chối để trở thành một nhân viên chăm sóc người già.
Sau gần 17 năm liên tục làm những công việc vất vả của nghề xã hội này, hiện bà đang phải giam mình trong 4 bức tường của nhà mình đã hơn 3 tháng nay. Trong tháng 5 vừa rồi, sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân có những cơn ho dữ dội, bà cảm thấy mệt trong người. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà đã dương tính với COVID-19.
Giờ đây, Beh đang phải chống chọi từng ngày với những cơn khó thở. Bà hầu như mất hẳn khứu giác và vị giác. Và những đợt xét nghiệm tiếp theo vẫn cho kết quả dương tính.
Hiện bà vẫn còn đang sống tằn tiện với những đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp và điều bà khao khát nhất là được quay trở lại với công việc của mình để giúp đỡ những bệnh nhân mắc coronavirus khác, bởi hơn ai hết, bà hiểu rõ họ.
Thế nhưng, hiện bà vẫn mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình cho đến khi điều trị khỏi COVID-19.
|
Nỗi lo sợ lớn nhất của những nhân viên chăm sóc xã hội là nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 do đặc thù nghề nghiệp - Ảnh: USA Today |
Yolanda Colon, 25 tuổi, bắt đầu làm việc ở một trung tâm dịch vụ xã hội từ tháng Hai, ngay trước khi đại dịch ào vào New York. Cô cho biết chưa hề có được một ngày nghỉ phép nào trong suốt thời gian vừa rồi khi gánh nặng cuộc sống với 2 đứa con nhỏ và người chồng vốn là kĩ sư xây dựng, giờ đang thất nghiệp và thay cô làm “bảo mẫu” chăm sóc lũ trẻ.
“Tôi làm việc với những người già, và không chỉ làm những việc đơn thuần như cho họ ăn như mọi người thường nghĩ về nghề này”, Colon chia sẻ. “Chúng tôi phải giúp họ đi vệ sinh, tắm rửa và trở về nhà lúc đêm muộn mỗi ngày với nỗi lo bị ‘dính’ COVID”.
Với mức lương quá thấp mà cô và những nhân viên xã hội đang được nhận thì “Không hề công bằng chút nào”.
Shawn Walker, một người mẹ 49 tuổi cùng 4 đứa con, đã theo đuổi nghề này được hơn 20 năm. Với cô, cảm giác chán chường bực bội nhất đó là sau một ngày làm việc cật lực với nhiều cảm xúc khác nhau theo từng hoàn cảnh của thân chủ, cô trở về nhà, kiệt sức và cũng cần được ai đó quan tâm như cô vừa mới quan tâm khách hàng của mình vài giờ trước đó. “Nhưng sẽ chẳng có ai cả. Bạn phải tự mình tìm cách giải quyết những vấn đề cho bản thân mình mà thôi”.
Walker cũng chưa hề có được ngày nghỉ nào trong suốt những tháng vừa qua.
|
Nhân viên xã hội là những người làm việc với những đối tượng thiệt thòi, dễ bị tổn thương như trẻ em lang thang, người già - Ảnh: UNICEF/Pavel Zmey |
Những người như Phillips, Colon, Walker, cùng hơn 3,3 triệu nhân viên xã hội khác trên khắp nước Mỹ, với 90% là nữ giới, vẫn đang cần mẫn tận tụy với công việc của mình mỗi ngày.
Và cho dù có trao cho họ những diễn ngôn hay ho mĩ miều như “dấn thân, hy sinh” thì điều mà những “người hùng thầm lặng” này đang mong đợi chính là được đối xử công bằng bằng những chính sách và hành động cụ thể. Bởi chính họ là những người mang giá trị quý báu của cuộc sống đến với những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương là những người già vô gia cư, những đứa trẻ mồ côi... đang bị bỏ rơi bên lề của xã hội trong “cơn bão” COVID-19 này.
Nguyễn Thuận