Thờ ơ chỉ hại cho mình
9g ngày 7/2, trên tuyến đường Trần Văn Đang, P.9, Q.3, một nam trung niên lấy rác dân lập dưới cái nắng xuân dìu dịu. Hình ảnh ấy khá bình thường trong mắt mọi người nhưng điều bất thường là anh không hề mang khẩu trang y tế hay găng tay bảo hộ ngay những ngày này. Ngược chiều với anh, một người đàn ông chạy xe ba gác kéo, đầu để trần, cũng không đeo khẩu trang, găng tay, cười toe toét. Nơi họ thu gom rác dân lập sáng nay là tuyến đường ngay ga xe lửa Hòa Hưng - nơi người đi, kẻ đến từ các tỉnh thành nườm nượp.
Quan sát lực lượng lấy rác dân lập trong những ngày này mới thấy các anh chị thật… can đảm và liều lĩnh: rất nhiều người đã quên bảo hộ.
Anh Nguyễn Văn Tính, người lấy rác dân lập ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, cười hềnh hệch: “Để không quen rồi, đeo vô thở không nổi làm sao đi gom rác. Mà không mang cũng có gì đâu, miễn mình có sức đề kháng tốt là được. Mùi rác còn chịu được nói gì ba cái thứ không mùi kia”. Suy nghĩ của anh Tính không phải cá biệt. Qua ghi nhận của chúng tôi, hơn 30 người lấy rác dân lập không mang khẩu trang, găng tay trên địa bàn TPHCM những ngày cuối tuần qua, nhiều người không mang khẩu trang, găng tay vì không muốn mang chứ không phải họ không có các vật dụng bảo hộ lao động này.
|
Các vật dụng bỏ đi, rác thải dù không chứa nCoV, nhưng không loại trừ khả năng chứa đựng các vi khuẩn có hại khác |
Nghề lấy rác dân lập, vệ sinh môi trường là nghề nghiệp đặc thù, không phải đợt dịch bệnh thì quanh năm, công nhân, người làm ở ngành vệ sinh môi trường cũng phải có ý thức cao trong tự bảo vệ sức khỏe. Thế nhưng dù tuyên truyền rất nhiều, sự thờ ơ với chính sức khỏe mình của một bộ phận người lấy rác dân lập là có thật.
Ngược lại, không ít người trong nghề lại hoang mang trước mùa dịch bệnh. Chị Phương, một người lấy rác dân lập khu vực P.12, 14, Q.Gò vấp, cho biết: “Tôi khủng hoảng luôn vì thông tin trên mạng. Có bữa cầm cây chổi quét không nổi vì nghĩ dịch bệnh sát nách mình rồi. Nhất là cái ngày đọc tin nCoV bám lâu trên mặt gỗ, đồ dùng… Trong khi cây chổi mình cầm hằng ngày là cán gỗ, tôi muốn bệnh luôn...”. May mà sau đó được chồng con nhắc nhở, chị Phương mới tự thoát ra nỗi sợ hãi. Nhưng khi đi gom rác, lúc nào chị cũng bịt đến hai lớp khẩu trang than hoạt tính để phòng ngừa.
Còn Như Loan, người lấy rác dân lập ở P.Tân Thới Hiệp, Q.12, thì tâm sự: “Ban đầu tôi cũng không chú ý lắm vụ dịch bệnh này. Trước tết đi làm bảo hộ bình thường. Nhưng hồi tết, ở nhà coi ti vi, thấy sợ. Người ta không khuyến cáo, nhưng tôi cũng lo, tự mua thêm 10 hộp khẩu trang và hai chai lifebuoy bự để vợ chồng dùng dần. Ngày nào vợ chồng cũng đi gop rác từ 5g30 đến 12g mới về. Mà hễ về tới là ổng bắt tôi xịt rửa từ sàn nước ngoài hiên. Rồi tắm rửa xong mới làm cơm, ăn cơm. Ngược với hồi trước, ăn uống xong mới tắm rửa. Mà thôi, thờ ơ chỉ hại cho mình, ngược xuôi kiểu gì, miễn thấy an toàn thì an tâm”.
Chủ động phòng tránh cho toàn ngành
Được biết, tính đến tháng 12/2019, toàn thành phố có 1.152 tổ lấy rác dân lập chưa có tư cách pháp nhân, hoạt động tự thu chi theo thỏa thuận cùng các hộ dân có nhu cầu. Cũng chính vì thế, lực lượng nhân viên vệ sinh không chính quy này hoạt động theo quy chế tự quản. Các chế độ bảo hộ hoàn toàn không có. Để theo nghề, các anh chị tự trang bị nón, giày, găng tay, khẩu trang y tế…
Trong khi đó, công nhân ngành môi trường, trực thuộc các công ty dịch vụ công ích quận, huyện và Công ty Môi trường đô thị TPHCM thì có sự quản lý chặt chẽ hơn. Ngay khi không có dịch bệnh, các đơn vị đã định kỳ kiểm tra, nhắc nhở việc trang bị bảo hộ lao động trong công nhân vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Nhung, đội vệ sinh Q.Bình Tân, công ty Môi trường đô thị TPHCM, cho biết khi kiểm tra đột xuất, công nhân không mang bảo hộ còn bị nhắc nhở theo kỷ luật chung của công ty. Vì vậy bao giờ vào ca làm việc, chúng tôi cũng lo đội nón, mang khẩu trang, găng tay, bọc giày kỹ lưỡng.
|
Công nhân vệ sinh Công ty Môi trường đô thị TPHCM thường xuyên được kiểm tra định kỳ các trang bị bảo hộ |
Tuy vậy, giữa tâm bão nCoV, việc mang dụng cụ bảo hộ có thể cũng không đảm bảo sẽ bảo vệ người công nhân ngành vệ sinh 100%. Ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM - cho biết ngày 3/2, công ty đã ra công văn khẩn: đề nghị các đơn vị trực thuộc phun xịt khử trùng cloramin B 0,5% khu vực hoạt động, làm việc bao gồm các văn phòng, các trạm tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, các công trường, trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, Đa Phước, Đà Nẵng, Tiền Giang với tần suất ít nhất 2 lần/tuần. Đơn vị cũng nhắc nhở các khu vực nghi ngờ có mầm bệnh phải sử dụng dung dịch cloramin B nồng độ từ 1,25% đến 2,5% và tăng tần suất phun xịt.
Riêng đối với người lao động, công ty yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo hộ lao động của công ty trong quá trình tác nghiệp như quần, áo, nón, khẩu trang, găng tay cao su, giày dép bảo hộ… đặc biệt đối với công nhân trực tiếp thực hiện công tác thu gom chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, chất thải rắn sinh hoạt tại các bệnh viện ngoài việc phải chấp hành nghiêm quy định bảo hộ lao động, khi cần thiết phải sử dụng bảo hộ lao động chuyên dụng phòng dịch.
Công ty cũng yêu cầu người lao động đeo khẩu trang y tế, vệ sinh, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, dung dịch cồn, giặt sạch sẽ và khử trùng đồ bảo hộ lao động…
Trong những ngày này, Phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng của công ty đang tích cực nghiên cứu về cách thức pha loãng liều lượng sử dụng và theo dõi, đánh giá hiệu quả của chế phẩm khử trùng để tham mưu ban giám đốc triển khai về các chi nhánh, đơn vị thành viên.
Đặc biệt, công ty rà soát danh sách người lao động trực tiếp ở các chi nhánh, đơn vị thành viên đế cấp phát đầy đủ trang bị bảo hộ.
Được biết, nhiều công ty dịch vụ công ích các quận, huyện cũng lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, trang bị các vật dụng, quần áo bảo hộ cho công nhân. Việc làm cùng những quyết định này của các đơn vị giúp nhiều công nhân vệ sinh an tâm hơn.
Nghi Anh