Nhân viên trông xe máy tại bến xe: 'Chặt chém lời hơn buôn thuốc phiện'

08/05/2016 - 13:21

PNO - Lợi dụng những ngày lễ, nhân viên trông giữ xe máy đã chặt chém khách, mà theo PGĐ bến xe Lương Yên cho biết, nó lời hơn buôn thuốc phiện.

Những ngày vừa qua, sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, người dân liên tục phản ánh về tình trạng “chặt chém” phí trông giữ xe máy tại bến xe Lương Yên (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tại đây, khách sẽ phải trả tiền gửi xe là 20.000 đồng/ lượt dù thời gian gửi xe có dài hay ngắn. Trong khi đó, giá niêm yết trên vé là 3000 đồng/lượt.

Còn những người gửi xe về quê, mấy ngày sau lên lấy xe, giá vé bị chặt chém từ 50-70 nghìn đồng.

Khi thắc mắc về giá gửi xe, một nhân viên nữ huỵch toẹt: “Bến bãi ở đây thu thế, lại ngày lễ nữa…”.

Nhan vien trong xe may tai ben xe: 'Chat chem loi hon buon thuoc phien'
Lợi dụng ngày lễ, những người trông giữ xe máy tha hồ "chặt chém". Ảnh minh họa

Trước bức xúc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Thi, Phó giám đốc bến xe Lương Yên. Ông Thi cho biết, theo quy định, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối giá vé 3000 đồng/lượt/xe máy. Từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau thu thêm 5000 đồng/lượt.

Ông cũng thừa nhận rằng: "Thực tế ở đây nó diễn ra từ lâu rồi. Chúng tôi chưa có cách nào để xử lý hiệu quả".

Về lời lãi của nhân viên giữ xe thu sai quy định, ông Thi ví nhân viên của mình như đi “buôn thuốc phiện”: “Thực ra cái vé từ sáng tới tối, có ca sáng ca chiều nữa thu 10.000 đồng ăn lãi như buôn thuốc phiện, gấp 3 lần rồi còn gì. Buôn thuốc phiện nó lãi nhiều thì mới ăn nhiều, còn lãi ít chả ai dám buôn. Khi người ta phản ứng thì phải nói người ta nhẹ nhàng, đây là cái tiền gần như xin hoặc chúng tôi có vất vả này kia chứ không phải người ta gửi xe mà mình nói như bố thí”.

Phó giám đốc bến xe Lương Yên còn đánh đồng hiện tượng này với các bến xe khác: "Thậm chí, về mặt xã hội thì hầu hết các bãi giữ xe đều thu sai, không riêng gì ở đây. Thực tế ấy, người ta bức xúc lắm thì có ý kiến, còn lại là cho qua. Không nói đâu xa, ở đường Hai Bà Trưng, ở bệnh viện V.Đ cũng thu như vậy. Chính từ tình trạng trên mà chúng nó mấp mé thu sai".

Về thái độ của nhân viên, ông Thi thừa nhận “lính” của mình kém trong giao tiếp, ứng xử: “Còn thái độ nhân viên, có 4 người thì chỉ 2 người biết ứng xử. Nói thật là bến xe này sắp chuyển đi rồi nên trong thời điểm giao thời ý thức người làm vì miếng cơm manh áo không thật sự rõ ràng”.

Về cách xử lý đối với nhân viên, ông Thi nói: "Hướng xử lý là cán bộ sai thì gọi khách đến trả lại tiền. Nếu khách phản ánh nhiều thì chúng tôi sẽ cắt giảm theo kỷ luật ở đây kể cả buộc thôi việc".

Phó giám đốc bến xe Lương Yên bất lực: “Tôi nói thật là buộc thôi việc thì người mới lên làm thời gian sau lại như người cũ. Cái này chúng tôi biết nhưng chưa làm được, chưa xử lý triệt để. Nếu nói về tổng giá trị là lớn, nhưng đơn chiếc là nhỏ vì thế khi xử lý phải gom một vài lần vào. Cái này lỗi của ai thì người đó chịu. Còn về thực tế xã hội nó là như thế rồi”.

Mạnh tay "chặt chém": Du khách một đi không trở lại

Trang Ngọc (Lược theo CA TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI