Nhân viên thư viện mỏi mòn chờ trợ cấp

04/06/2024 - 05:57

PNO - Với thu nhập chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, những nhân viên thư viện như cô N.T.N.H. (tỉnh Hà Nam) rất chật vật để có thể giữ nghề. Trong khi đó, 2 khoản phụ cấp khác mà các cô được hưởng theo quy định vẫn bị “treo” suốt nhiều năm.

“Đỏ mắt” chờ phụ cấp

13 năm làm nhân viên thư viện tại một trường THCS của tỉnh Hà Nam, cô N.T.N.H. sống chật vật với nghề. Ngoài mỗi tháng nhận hơn 4 triệu đồng, cô không còn bất cứ khoản phụ cấp nào. Mặc dù theo quy định, ngoài lương chính, nhân viên thư viện được hưởng thêm 2 khoản phụ cấp là phụ cấp độc hại và phụ cấp bồi dưỡng bằng hiện vật.

Điều này đã được quy định tại khoản 3 mục III Thông tư số 07/2005/TT- BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức. Khoản 2 mục III Thông tư số 26/2006/TT- BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hóa thông tin cũng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa thông tin.

Cô N.T.N.H. - nhân viên thư viện tại tỉnh Hà Nam - cho biết đời sống rất chật vật, phụ cấp thì mòn mỏi chờ
Cô N.T.N.H. - nhân viên thư viện tại tỉnh Hà Nam - cho biết đời sống rất chật vật, phụ cấp thì mòn mỏi chờ

Cô P.T.C - nhân viên thư viện trường học tại TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) - chia sẻ: “Tôi mới được biết, nhiều nhân viên thư viện ở tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên, Cao Bằng… đã được trả chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa có công văn rà soát 2 khoản trên như Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên…”.

Cô L.H. - nhân viên thư viện tại Hà Nội, chưa được trả trợ cấp - bức xúc cho biết: “Ngoài công việc chính, chúng tôi phải kiêm thêm nhiều công việc khác như: văn phòng, thiết bị, y tế, thủ quỹ, công nghệ thông tin, trang trí khánh tiết các ngày lễ, hội trong năm... Tất cả đều không được hưởng thêm bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào”.

Nhiều năm qua, việc sáp nhập cấp tiểu học và THCS của một xã thành trường 2 cấp, hay sáp nhập 2 trường THCS với nhau... khiến khối lượng công việc của nhân viên thư viện tăng lên gấp đôi. “Việc bị bỏ quên khiến nhiều nhân viên chúng tôi cảm thấy buồn và không muốn gắn bó với nghề” - cô H. chia sẻ. Theo cô, nhiều nhân viên thư viện không “trụ” nổi, đã phải bỏ nghề vì thu nhập không bảo đảm cuộc sống. Với người đang theo nghề, hầu hết phải làm thêm công việc khác như bán hàng online, buôn bán nhỏ, ship hàng, làm thêm theo giờ...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện chế độ, chính sách về lương, phụ cấp độc hại, phụ cấp khác cho nhân viên trường học cơ bản bảo đảm theo quy định. Một số ít địa phương đã tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức này (trường hợp có phân hạng) theo thẩm quyền. Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ, chính sách phụ cấp độc hại, các phụ cấp khác đối với đội ngũ viên chức vị trí việc làm chuyên môn dùng chung chưa đồng nhất trên toàn quốc.

Mặt khác, nhiều địa phương chưa tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhất là việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên trường học. Do đó, quyền lợi của họ chưa được bảo đảm.

Bộ GD-ĐT “giục” các địa phương

Cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có công văn gửi UBND các địa phương tổ chức rà soát, thực hiện đúng quy định về chế độ chính sách có liên quan đến đội ngũ viên chức gắn với vị trí việc làm chuyên môn dùng chung. Trong đó, các đối tượng trên tiếp tục thực hiện các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và được áp dụng các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp độc hại, các phụ cấp khác nếu có theo quy định.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cơ quan liên quan căn cứ khoản 16, khoản 17, điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP (sửa đổi điều 32, điều 33) để tham mưu tổ chức hoặc tổ chức theo thẩm quyền việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (trường hợp có phân hạng) cho đội ngũ viên chức nhân viên trường học theo quy định nhằm bảo đảm quyền lợi, góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ này khi triển khai thực hiện cải cách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Theo vị trí việc làm, nhân viên trường học thuộc vị trí chuyên môn dùng chung và hỗ trợ phục vụ, không trực tiếp giảng dạy như giáo viên. Tuy nhiên, họ phải làm rất nhiều việc trong trường, là bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hoạt động giáo dục. Thực tế, đội ngũ này hiện đang hưởng mức lương rất thấp. Theo thống kê, toàn quốc có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học. Tổng thu nhập của đội ngũ này (bao gồm cả các loại phí đóng bảo hiểm) có thời gian công tác dưới 15 năm cao nhất không quá 7 triệu đồng/tháng trong khi khối lượng công việc lớn.

Nhằm giúp đội ngũ nhân viên trường học tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu xem xét lương của nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Cụ thể, nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25% bởi đây là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng và đây cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức đang được hưởng.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị khi được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 1 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng. Bởi đội ngũ nhân viên trường học hiện đang hưởng ở bảng lương viên chức loại B và A0. Ngoài ra, viên chức giáo vụ, thiết bị thí nghiệm không phân hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ hưởng lương ở bảng lương viên chức loại A0.

Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam cho biết, đầu tháng Năm đã có công văn đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo quy định về các loại phụ cấp đối với nhân viên trường học, bảo đảm đúng đối tượng, mức phụ cấp theo vị trí việc làm. Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu kỹ quy định về đối tượng, mức phụ cấp, cách tính và chi trả phụ cấp đối với người lao động. Căn cứ thực tế nhiệm vụ được phân công của nhân viên trong đơn vị để xác định đúng đối tượng, mức phụ cấp đối với từng vị trí việc làm nhân viên; thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, độc hại, nguy hiểm đối với người lao động tại đơn vị bảo đảm đúng quy định.

Nhiều nhân viên thư viện hy vọng sớm nhận được khoản tiền chính đáng theo quy định của Nhà nước, không phải đợi chờ thêm quá lâu, giữa bối cảnh vật giá ngày một leo thang.

Bảo Khang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Nguyễn Thị Thanh Thái 23-06-2024 06:56:42

    Bao nhiêu ý kiến, tờ trình, v.v... thì nhân viên mãi mãi là con ghẻ của ngành giáo dục. Gv thì đi coi thi, chấm thi, làm thêm cái gì đi chăng nữa cũng được tính tiền không nhiều thì ít. Nhân viên làm lượng công việc lớn từ xưa giờ vẫn cứ bị mặc định là nghiễm nhiên là chuyện thường tình. Chưa kể ra còn có những gv, lãnh đạo còn phân biệt nhân viên là "Phục vụ" đúng chức trách công việc của chúng tôi là phục vụ. Nhưng trong ngành giáo dục mà áp đặt suy nghĩ lên chúng tôi như vậy thì tự tôn, danh dự nghề nghiệp của chúng tôi cũng mặc định bằng không. Thiết nghĩ xã hội công bằng, dân chủ vì dân thì trong ngành giáo dục cũng ngó xuống dưới nhìn tầng lớp nhân viên sống với. Muốn được hưởng phụ cấp thì phải làm tờ trình xin lên xin xuống giờ lương mới kêu bãi bỏ mà xét ưu đãi nghề nghiệp thì không hề đả động cho nhân viên thêm chút động lực. Tương lai thì chẳng ai bám trụ với nghề nổi nếu ngành vẫn còn giữ kiểu tư duy phân biệt như vậy với nhân viên.

  • Trần Thu Hiền 19-06-2024 20:37:00

    Mong cấp trên quan tâm để cho các bạn làm thư viện cũng như nhân viên công tác trong ngành giáo dục được hưởng các chế độ. Tạo thêm thu nhập chứ lương thấp nên mức sống hiện nay giá cả thị trường gì cũng cao

  • Phòng Hà 19-06-2024 13:09:35

    Cần lắm sự lắng sự quan tâm của các cấp, để tất cả mọi ngành nghề đều bình đẳng và k có bất kỳ ngành nghề nào bị bỏ lại phía sau

  • Vũ Thị Thúy 19-06-2024 09:46:35

    Cùng làm trong ngành giáo dục nhưng đội ngũ nhân viên thư viện và các nhân viên khác như y tế, thiết bị, văn thư...luôn bị bỏ quên chưa được các cấp, các ngành quan tâm. Tôi mong các cấp, các ngành quan tâm tới đội ngũ nhân viên để chúng tôi yên tâm công tác và cống hiến cho nghề

  • Nguyễn Thị Ngọc Hường 04-06-2024 10:30:30

    Cảm ơn quý báo đã đưa tin. Mỗi ngành nghề có 1 vị trí quan trọng khác nhau. Mong các cấp các ngành quan tâm đến những người Nhân Viên Thư viện trong các trường học. Họ cũng là một phần mắt xích không thể thiếu để phát triển văn hóa đọc và góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Ông cha ta đã nói Có Thực Mới Vực Được Đạo. Vậy nên mong rằng chúng tôi cũng cần được quan tâm nhìn nhận của các cấp, các ngành, được hưởng quyền lợi chính đáng, được truy lĩnh kịp thời để yên tâm công tác, cống hiến với nghề.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI