Nhân viên lấy mẫu có thể mặc loại bảo hộ mới để chống nóng

24/06/2021 - 18:06

PNO - Để giải quyết tình trạng nhân viên y tế nóng bức, ngất xỉu khi lấy mẫu xét nghiệm, Bộ Y tế vừa có hướng dẫn thay thế đồ bảo hộ cũ.

 

Thay vì bộ đồ bảo hộ liền thân, nhân viên y tế có thể sử dụng bộ đồ rời, phù hợp kích cỡ
Thay vì bộ đồ bảo hộ liền thân, nhân viên y tế có thể sử dụng bộ đồ rời, phù hợp kích cỡ

Ngày 24/6, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố liên quan tới vấn đề sử dụng đồ bảo hộ khi lấy mẫu virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế cho biết, theo Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tại Việt Nam hiện nay chưa hoàn toàn hợp lý. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng và nhu cầu xét nghiệm tăng cao đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên lấy mẫu.

Do đó, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi lấy mẫu bệnh phẩm. Cụ thể, căn cứ nguồn lực tại chỗ, cơ sở xét nghiệm cung cấp, hướng dẫn cho nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm giám sát COVID-19 có thể sử dụng bộ quần áo rời phù hợp kích cỡ.

Trang phục này gồm áo choàng y tế dài tay bao phủ toàn thân từ cổ đến đầu gối, có dây buộc cố định sau gáy và quanh eo, mũ trùm đầu, bao giầy rời. Không nhất thiết mặc bộ bảo hộ liền thân.

Người thực hiện lấy mẫu cần thực hiện đúng quy trình sử dụng khẩu trang để đảm bảo độ ôm khít với khuôn mặt. Không sử dụng 2 lớp khẩu trang bao gồm khẩu trang y tế bên trong khẩu trang có hiệu lực lọc cao như khẩu trang N95 hoặc tương đương.

Trong quá trình lấy mẫu có thể sử dụng 1 đôi găng tay y tế (không có bột tale) và khử khuẩn găng tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh sau mỗi lần lấy mẫu, thay găng sau khi khử khuẩn tối đa 6 lần hoặc khi găng bị hỏng để thay thế cho việc đeo 2 đôi găng tay và thay găng sau mỗi lần lấy mẫu.

Cán bộ lấy mẫu bệnh phẩm, nhân viên y tế có tham gia hoạt động lấy mẫu tuyệt đối tuân thủ quy trình mặc và cởi phương tiện phòng hộ cá nhân; trong quá trình lấy mẫu không thực hiện các hoạt động khác (như ăn, uống...).

Bộ Y tế khẳng định, trên đây là những yêu cầu tối thiểu trong sử dụng đồ bảo hộ và các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế về tình trạng dịch bệnh, nguồn lực... để sử dụng.

Trước đó, nhiều nhân viên y tế đã rơi vào tình trạng kiệt sức, ngất xỉu do nắng nóng. Đặc biệt tại thời điểm Bắc Ninh và Bắc Giang bùng phát dịch, do số lượng lấy mẫu lớn, nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C nên bộ đồ bảo hộ nhiều lớp, kín mít khiến người sử dụng càng trở nên vất vả, oi bức. Nhiều nhân viên y tế đã phải truyền nước sau nhiều giờ lấy mẫu.

Anh Ngọc Thanh, nhân viên y tế tăng cường từ Thái Nguyên tới Bắc Giang tâm sự, mỗi lần cởi bộ đồ bảo hộ, cảm giác như trút được chiếc chăn bông khoác trên người giữa mùa hè. Để giảm nhiệt thật, nhân viên y tế còn sử dụng túi đá để chườm cơ thể mỗi khi kết thúc ca trực hoặc "treo"đá" vào nách khi làm việc.

Nhiều sáng kiến liên quan tới việc "hạ nhiệt" cho bác sĩ chống dịch đã được đưa ra như lắp quạt, dựng buồng lấy mẫu, tuy nhiên, các chuyên gia cho biết vẫn chưa đảm bảo tính khả thi và khẳng định được sự an toàn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI