Nhân viên Hàn Quốc bị lạm dụng tại nơi làm việc không ngừng gia tăng

08/04/2024 - 19:02

PNO - Ngày 7/4, Bộ lao động Hàn Quốc cho biết năm 2023 có hơn 10.000 trường hợp lạm dụng nơi làm việc đã được báo cáo cho chính quyền, đánh dấu mức tăng mạnh trong những năm qua.

Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng số vụ lạm dụng tại nơi làm việc thực tế cao hơn nhiều so với những gì báo cáo của chính phủ đề xuất. ẢNH: EPA-EFE
Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng số vụ lạm dụng tại nơi làm việc thực tế cao hơn nhiều so với những gì báo cáo của chính phủ đề xuất. ẢNH: EPA-EFE

Bộ Việc làm và lao động cho biết, họ đã nhận được 10.028 báo cáo về tình trạng lạm dụng tại nơi làm việc vào năm 2023, tăng 12% so với con số 8.961 báo cáo của năm trước.

Từ năm 2019, Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động để quy định tại Điều 76-2 và 76-3 về việc cấm quấy rối tại nơi làm việc và các biện pháp thích hợp được thực hiện trong những trường hợp như vậy.

Từ đó, Bộ này bắt đầu theo dõi các báo cáo về lạm dụng tại nơi làm việc vào nửa cuối năm 2019, trong đó có 2.130 trường hợp được báo cáo. Trong những năm tiếp theo, con số này đạt 5.823 vào năm 2020, 7.774 vào năm 2021 và đang tiếp tục tăng.

Hình thức quấy rốitại nơi làm việc phổ biến nhất được báo cáo vào năm 2023 là lạm dụng bằng lời nói với tỷ lệ 32,8%.,

Trong số 10.028 trường hợp được báo cáo vào năm 2024, các quan chức đã xử lý 9.672 trường hợp, trong khi 356 trường hợp khác vẫn đang được xử lý.

Các cuộc thăm dò cho thấy số vụ lạm dụng thực tế tại nơi làm việc cao hơn nhiều so với những gì báo cáo của chính phủ đưa ra, nhưng nhiều nhân viên bị lạm dụng đã không báo cáo vì sợ bị trả thù.

Vào tháng 2, cơ quan thăm dò Hankook Research đã công bố kết quả khảo sát 1.000 nhân viên trên cả nước, cho thấy 46% số người được hỏi đã từng bị lạm dụng ở một mức độ nào đó tại nơi làm việc.

Khoảng 33% trong số họ cho biết họ chọn không làm gì, trong khi 31% cho biết họ đã nghỉ việc và 25% cho biết họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Chỉ có 8% báo cáo vụ việc cho các tổ chức bên ngoài công ty.

Cuộc khảo sát tương tự cho thấy 96% số người được hỏi cho rằng điều khoản pháp lý cấm quấy rối tại nơi làm việc nên được áp dụng cho tất cả người lao động.

Thảo Nguyễn (The Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI