Nhân viên được ngắt liên lạc với sếp

06/01/2017 - 06:30

PNO - Từ ngày 1/1, các công ty ở Pháp có từ 50 nhân viên trở lên phải thực hiện quy định: cho nhân viên được “tắt liên lạc” ngoài giờ làm việc.

Theo nội dung mới được bổ sung trong Bộ luật Lao động Pháp, nhân viên những công ty trên có quyền nói không với việc nghe điện thoại, đọc tin nhắn, kiểm tra và hồi đáp email công việc ngoài giờ làm việc.

Nhan vien duoc ngat lien lac voi sep
Nhân viên công sở vật vạ trên những chuyến tàu đêm về nhà - ẢNH: JAPAN DAILY PRESS

Quy định trên đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan và người lao động (NLĐ). Đây là đề xuất của Bộ trưởng Lao động Pháp Myriam El Khomri, sau khi báo cáo do ông điều phối thực hiện chỉ ra việc bội thực cuộc gọi, tin nhắn, email công việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe NLĐ.

Nếu tất cả công ty nằm trong quy định nghiêm túc thực hiện việc này, khoảng 60% LĐ ở Pháp sẽ có được khoảng thời gian “dưỡng sức” quý giá. Cũng theo khảo sát của báo cáo trên, hơn 1/3 người làm thuê ở Pháp phải giữ điện thoại và máy tính luôn sẵn sàng, phòng khi sếp cần liên lạc.

Nhiều nghiên cứu độc lập ở Pháp đã chỉ ra, mức độ căng thẳng của một người sẽ gia tăng cùng với mức độ vướng mắc vào công việc trong không gian ngoài văn phòng của người đó. 

Là một trong những người ủng hộ sáng kiến trên, Tổng thống Pháp François Hollande đã nhanh chóng áp dụng vào thực tế bằng cách gửi thông điệp chúc mừng năm mới 2017 bằng một đoạn ghi hình sẵn. Ông muốn mọi người hiểu, ông cũng cần dành riêng thời khắc giao thừa thiêng liêng bên những người thân yêu.

Năm 2016, kinh tế thế giới chưa hồi phục tốt, NLĐ trên toàn cầu vẫn phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm vị trí ổn định trong công việc của mình. Hệ quả là họ bị áp lực, căng thẳng bủa vây.

Theo các nhà quan sát, đã đến lúc các nhà quản trị và các ông chủ phải tạo thêm phúc lợi cho NLĐ bằng cách giúp họ cảm thấy thoải mái khi làm việc, cân bằng được công việc và cuộc sống.

Chính phủ Nhật Bản cùng Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) cũng vừa phát động chiến dịch “Premium Friday” (Phần thưởng ngày thứ Sáu), cho phép NLĐ được ra về lúc 15g mỗi thứ Sáu cuối tháng. Keidanren đã gửi thông báo kêu gọi 1.300 doanh nghiệp thành viên hưởng ứng chiến dịch này, bắt đầu từ ngày 24/2.

Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết: “Tôi đã yêu cầu các trợ lý của mình tuyệt đối không xếp lịch hẹn sau 15g ngày thứ Sáu cuối tháng”. Theo ông, đây là một chiến dịch nghiêm túc và chính những người đứng đầu phải chủ động tạo điều kiện giúp nhân viên thực hiện “Premium Friday” một cách chất lượng.

Ở Nhật, hiện vẫn đang phổ biến từ “karoshi” - chỉ hiện tượng NLĐ làm việc đến… chết. Năm 2016, khoảng 21,3% người làm công ở Nhật Bản phải tăng ca ít nhất 49 giờ/tuần. Trong số đó, không ít trường hợp làm thêm đến 80 giờ/tuần.

Tháng 4/2016, Chính phủ Nhật Bản công bố số người chết vì làm việc kiệt sức ở đất nước này trong năm tài khóa 2015-2016 là 1.456 người, cao nhất từ trước đến nay. Hầu hết họ bị đột quỵ, trụy tim hoặc tự tử.

 Chiến dịch “Premium Friday” không chỉ xuất phát từ yêu cầu bảo vệ sức khỏe NLĐ mà còn nhắm đến kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu các công ty ủng hộ “Premium Friday”, sẽ tạo mức chi tiêu cá nhân mỗi dịp thứ Sáu cuối tháng lên 1,6 tỷ USD.

Hồi tháng Chín năm ngoái, bà Yuriko Koike, nữ Thống đốc đầu tiên của Tokyo cũng đã công bố kế hoạch giảm giờ làm thêm, hướng đến mục tiêu là nhân viên ở thủ đô không phải làm việc sau 20g hàng ngày. 

Gần đây, nhiều công ty ở Thụy Điển đã chuyển sang chính sách làm việc 6 giờ/ngày nhằm tăng năng suất, đồng thời giúp nhân viên cảm thấy thỏa mãn hơn.

Trung tâm dịch vụ của Toyota ở thành phố Gothenburg (Thụy Điển) đã áp dụng chính sách trên. Lãnh đạo trung tâm cho biết, các đánh giá đều cho thấy những thay đổi tích cực, nhân viên luôn tập trung tuyệt đối cho công việc và hoàn toàn thư giãn sau giờ tan ca.

Công ty phát triển ứng dụng trên điện thoại Filimundus cũng thực hiện chương trình này từ năm 2015. Giám đốc Điều hành công ty, ông Linus Feldt chia sẻ: “Nhân viên không được phép dùng mạng xã hội, hạn chế tối đa những việc khiến họ phân tâm. Chúng tôi tổ chức các cuộc họp ngắn gọn, tạo không khí tập trung, xử lý công việc một cách rốt ráo”. Đó là cách vận hành chủ trương ngày làm việc 6 tiếng.

Phúc lợi vật chất không phải là tất cả, phúc lợi tinh thần mới thật sự là “chìa khóa” vàng giúp NLĐ tận tâm tận lực cho công việc.

THIÊN NHƯ
(Theo Washington Post, DW, Guardian, Bloomberg, Bright Side)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI