|
Bệnh viện An Bình được xếp hạng là bệnh viện tuyến thành phố |
Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài phản ánh Bệnh viện An Bình thiếu thuốc, bệnh nhân nghèo phải tìm mua bên ngoài, chúng tôi tiếp tục được bạn đọc cung cấp nhiều thông tin về những bất thường ở Bệnh viện An Bình (TP.HCM). Trong những thông tin nhận được, nổi cộm vấn đề hàng loạt nhân sự ra đi. Vì đâu đến nỗi?
Hơn nửa năm đóng cửa khoa Nhi vì không đủ bác sĩ chữa bệnh
Bác sĩ Vũ Minh Đức - Phó Giám đốc Bệnh viện An Bình xác nhận điều này và cho biết: “Bệnh viện luôn đối diện với tình trạng bác sĩ nghỉ việc".
Tình trạng thiếu nhân sự dẫn đến thực tế hơn 6 tháng qua, khoa Nhi của Bệnh viện An Bình không tiếp nhận bệnh nhi nằm viện. Khoa Nhi chỉ còn 2 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và 4 điều dưỡng. Những y bác sĩ này chỉ có nhiệm vụ khám chữa bệnh ngoại trú.
|
Khoa Nhi của BV An Bình buộc từ chối tiếp nhận bệnh nhi điều trị nội trú do không đủ nhân sự |
Khoa Nhi, Bệnh viện An Bình được giao 12 giường bệnh và trên thực tế, có thể kê thành 18 giường nhưng hoàn toàn để trống. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhi có chỉ định nhập viện điều trị nội trú buộc phải chuyển sang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Không chỉ ở khoa Nhi, các bác sĩ phòng Kế hoạch Tổng hợp cũng nghỉ việc nhiều, dẫn đến không có cả trưởng, phó phòng.
Lúc trước, phòng này có 4 bác sĩ nhưng sau đó bác sĩ trưởng phòng nghỉ việc, bác sĩ phó phòng chuyển công tác. Cả phòng chỉ còn 2 bác sĩ và các nhân viên khác. Hiện, một bác sĩ được phân công quyền điều hành phòng Kế hoạch Tổng hợp từ năm 2018.
|
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện An Bình |
Hiện tại, Bệnh viện An Bình có khoảng 630 nhân viên gồm: bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý. 500 giường nội trú của nơi này chưa bao giờ đầy vì lượng bệnh nhân không vào đủ. Vì vậy, nơi đây cũng không bị tình trạng quá tải như một số bệnh viện khác ở TP.HCM.
Theo bác sĩ Vũ Minh Đức, những khó khăn của bệnh viện trở nên rõ rệt hơn từ khi bệnh viện tự thu, chi: “Mấy năm trước, nhà nước chu cấp mấy chục tỷ đồng/năm để trả tiền lương. Giờ bệnh viện tự thu, chi. Mấy chục tỷ là con số khủng khiếp với bệnh viện. Thu nhập của nhân viên bệnh viện so với mặt bằng chung của ngành y tế TP.HCM là thấp, nên anh em bỏ đi nhiều”.
Mặt khác, nhân sự nghỉ việc nhiều do các bệnh viện tư trên địa bàn thành phố thu hút quá tốt nhân sự. "Không ít bác sĩ làm việc đủ 18 tháng – khi có được chứng chỉ hành nghề là bỏ đi. Vì thế, hiện tượng chảy máu chất xám của các bệnh viện công là tình trạng chung, không chỉ ở Bệnh viện An Bình” - bác sĩ Đức trăn trở.
Đại diện bệnh viện này dẫn chứng, cách đây 4 năm, có bác sĩ ở Bệnh viện An Bình tổng thu nhập chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng, nhưng khi qua bệnh viện tư lương tăng lên đến 25 triệu đồng/tháng.
|
Khu vực chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế của BV An Bình |
Lương thấp do tự chủ tài chính?
Kể từ tháng 10/2017, khi 51 bệnh viện tại TP.HCM thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn thì một số bệnh viện rơi vào thu nhập thấp do có những đặc thù riêng như: Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Y tế, đến tháng 11/2017, một số bệnh viện quận huyện như: Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân… lại có lượng khám chữa bệnh vào khoảng 3.000 - 4.000 lượt/mỗi ngày; trong khi ở Bệnh viện An Bình, chỉ có khoảng 2.000 lượt khám chữa bệnh/ngày.
Theo thông tin chúng tôi có được, mức thu nhập hiện nay của bác sĩ Bệnh viện An Bình trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng. Bác sĩ Vũ Minh Đức phân trần: "Là phó giám đốc bệnh viện nhưng mức thu nhập của tôi chỉ ở mức 8,5 triệu đồng/tháng (tiền lương 6,5 triệu đồng và phụ cấp chức vụ 2 triệu đồng). Còn điều dưỡng có mức thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng".
|
Nhân viên y tế chuyển bệnh tại BV An Bình |
Mức thu nhập này là thấp hơn mặt bằng chung các bệnh viện cùng hạng ở TP.HCM, tương đương thu nhập của y, bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM.
Thử so sánh 2 bệnh viện cùng hạng 2 là Bệnh viện An Bình và Bệnh viện Quận 2, danh mục kỹ thuật của 2 nơi này không hề ít. Chẳng hạn, Bệnh viện Quận 2 được thực hiện 11.052 kỹ thuật, Bệnh viện An Bình thực hiện 9.243 kỹ thuật; trong khi Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chỉ có 221 kỹ thuật.
Rõ ràng, nếu so với thu nhập của Bệnh viện Quận 2 là bệnh viện cùng hạng với Bệnh viện An Bình thì có thể thấy, về lượt khám chữa bệnh, thu nhập của đội ngũ nhân viên y tế thì Bệnh viện An Bình đều không bằng.
Chẳng hạn, thu nhập bình quân của nhân viên y tế Bệnh viện Quận 2 là 9,8 triệu đồng/tháng, trong đó bác sĩ ngoại khoa có thể lên tới 25 triệu đồng/tháng, cá biệt có bác sĩ thu nhập 300 triệu đồng/tháng.
|
Cơ sở vật chất xuống cấp tại BV An Bình |
Với số lượng danh mục kỹ thuật được cho phép rất nhiều, với tên tuổi từ lâu đời là bệnh viện cho người nghèo và được phân hạng là bệnh viện tuyến thành phố, nhưng không hiểu sao Bệnh viện An Bình lại không thể thu hút nổi lượng bệnh nhân vào khám.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Quận 2 phân tích: mức lương của bác sĩ ở các bệnh viện là như nhau vì cùng tính theo hệ số lương. Tuy nhiên, sự khác biệt về thu nhập chính phụ thuộc vào cách quản lý, chi tiêu và các dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Như vậy, phải chăng sự điều hành của lãnh đạo Bệnh viện An Bình đang có những vấn đề bất ổn, khiến cho lực lượng nhân sự ra đi vì thu nhập quá thấp?
Bệnh viện An Bình hứa trả lại tiền thuốc cho bệnh nhân ra ngoài mua
Bác sĩ Vũ Minh Đức – đại diện Ban Giám đốc Bệnh viện An Bình - giải thích, tình trạng thiếu thuốc trong thời gian qua do rơi vào thời gian cuối của các gói thầu thuốc và tình hình bệnh nhân tăng đột biến nên một số thuốc chưa cung cấp đủ. Đây là trách nhiệm về tổ chức đấu thầu thuốc của trưởng khoa Dược.
Lãnh đạo Bệnh viện An Bình thừa nhận có chuyện bệnh nhân phải mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm vì bệnh viện thiếu thuốc. Đây hoàn toàn là lỗi của bệnh viện nên sẽ trả lại tiền thuốc cho những trường hợp này. Bệnh nhân chỉ cần mang toa thuốc của bác sĩ cho mua ngoài và hóa đơn nơi bệnh nhân mua thuốc.
Thực tế, người bệnh không có thói quen lấy hóa đơn khi mua thuốc bên ngoài. Một bác sĩ Bệnh viện Quận 2 cho rằng hiếm có bệnh viện nào không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc nhưng vấn đề là lâu hay mau và cách xử lý như thế nào. Nếu thiếu thuốc, có thể tìm cách mượn thuốc từ các bệnh viện khác. Để tránh tình trạng này, cần làm tốt chuyện dự trù thuốc, không thể đổ cho chuyện cuối gói thầu.
|
Hiếu Nguyễn