Bên cạnh tuyến chính diện, nhân vật phản diện cũng giữ vai trò quan trọng không kém, vì tạo ra sự mâu thuẫn, để từ đó hành trình của nhân vật chính mới cuốn hút và có ý nghĩa. Tuy nhiên, trong các phim Việt ra rạp, hiếm có nhân vật phản diện nào để lại ấn tượng mạnh; cái ác, cái xấu ở họ chỉ phô diễn ra mà ít khi được lý giải một cách thuyết phục.
|
Những nhân vật phản diện gây ấn tượng trên màn ảnh rộng Việt Nam như Thanh Sói (phim Hai Phượng) hay Hùng (phim Người bất tử) khá hiếm |
Những hình nhân nhạt nhòa
Trong phim đang gây chú ý ngoài rạp Bằng chứng vô hình kể về cuộc săn đuổi của kẻ sát nhân với nhân chứng - cô gái mù tên Thu, nhân vật phản diện Lê là tên tội phạm biến thái hành nghề bác sĩ được miêu tả với loạt hành vi tàn độc: bắt cóc, cưỡng bức, móc mắt nạn nhân.
Độ nguy hiểm của nhân vật còn thể hiện ở việc có thể đột nhập vào nhà người khác không để lại dấu vết, rượt đuổi hành hung nhân chứng ngoài đường phố, ngõ hẻm như chốn không người, bị tạt dầu hỏa châm lửa đốt như ngọn đuốc mà vẫn có thể vận động mạnh.
Đây là phim làm lại, biên kịch vẫn có quyền thay đổi vài chi tiết như việc bản Việt chuyển chuyên ngành của nhân vật phản diện từ bác sĩ phụ khoa (bản gốc) sang bác sĩ mắt, thêm mối quan hệ giữa nhân vật Lê và bạn gái. Có điều, mặc dù khắc họa tuyến phản diện là một kẻ biến thái, tâm lý bất ổn, nhưng cách lý giải động cơ, tâm lý của nhân vật khá mờ nhạt vì mối quan hệ giữa Lê và bạn gái - người được xem là nguyên nhân dẫn đến chuỗi tội ác của hắn - chỉ được nhắc lướt qua.
|
Động cơ phạm tội của tên bác si biến thái do Quang Tuấn đóng trong "Bằng chứng vô hình'' lý giải chưa thuyết phục |
Bất cứ phim nào cũng cần có một tuyến đối lập với nhân vật chính, có thể là những kẻ xấu, kẻ ác, nhưng cũng có khi chỉ là nhân vật có quan điểm trái ngược với nhân vật chính, để giúp câu chuyện phim không đơn điệu. Với tuyến phản diện thuộc trường hợp thứ nhất, các kịch bản trong nước hiện nay chỉ đơn thuần phơi bày những cái xấu, cái ác của nhân vật, mà thiếu chăm chút xây dựng cho họ một cuộc đời - một lý lịch để lý giải hành vi tội ác; cũng như không đào sâu khai thác sự đối lập mâu thuẫn trong tính cách của nhân vật. Hạn chế này khiến chân dung những nhân vật phản diện hiện lên nhạt nhòa, không đủ “tầm”.
Nhìn lại các phim điện ảnh Việt đã qua, số lượng ác nhân gây ấn tượng gần như đếm trên đầu ngón tay như Sỹ (phim Dòng máu anh hùng), X (Ống kính sát nhân), Hùng (Người bất tử), Thanh Sói (Hai Phượng). Sự “tỏa sáng” của các nhân vật này không chỉ nhờ kịch bản có nhiều đất diễn, mà còn ở sự hóa thân xuất sắc của diễn viên.
Ngược với màn ảnh rộng, phe ác “quậy tung” phim truyền hình
Nếu như phim Việt ra rạp khá khan hiếm những chân dung phản diện gây dấu ấn, thì ở phim truyền hình, ngày càng có nhiều nhân vật phe ác được xây dựng thành công. Có thể kể đến ông trùm Phan Quân, Phan Hải (Người phán xử), chủ tịch Trần Nghĩa, Mai Hồng Vũ (Sinh tử), trùm Cấn (Quỳnh búp bê). Về phía nữ có Diệu (phim Cả một đời ân oán), My Sói (phim Quỳnh búp bê), Hân (Gạo nếp gạo tẻ).
Dấu ấn của những nhân vật này không chỉ dừng ở việc vai diễn gắn liền với tên tuổi diễn viên, mà còn mang về cho họ những giải thưởng danh giá. NSND Hoàng Dũng (vai Phan Quân phim Người phán xử); NSƯT Lan Phương (vai Diệu, phim Cả một đời ân oán) nhận giải VTV Awards hạng mục diễn xuất; Thúy Ngân (vai Hân, phim Gạo nếp gạo tẻ) đoạt giải Mai Vàng diễn viên truyền hình được yêu thích nhất.
Tài năng diễn xuất của họ cộng thêm việc phim truyền hình dành nhiều thời lượng và đất diễn cho nhân vật hơn phim điện ảnh, đã khiến màn ảnh nhỏ có nhiều chân dung phản diện sắc sảo hơn phim rạp.
|
Đi tìm lý do
Nhân vật trong phim dù chính diện hay phản diện cũng cần được chăm chút như nhau. Thậm chí, trong một số trường hợp, tuyến phản diện cần được xây dựng kỹ càng hơn; vì nếu làm không tốt, nhân vật phản diện chỉ như những kẻ đang cố tỏ vẻ nguy hiểm, không cuốn hút, và chẳng thể làm bật lên chính nghĩa của nhân vật trung tâm.
Với các nhà làm phim nước ngoài, họ còn táo bạo hơn khi xây dựng tuyến người xấu thành nhân vật trung tâm, cũng như có nhiều nhân vật phản diện được khán giả yêu thích không kém. Ở Việt Nam, hai trường hợp này rất hiếm hoi, như phim Người bất tử lấy nhân vật trọng tâm là Hùng - một kẻ ác bị tà thuật làm cho mờ mắt nên phải trả giá bằng việc bất tử, hay phim Hai Phượng có nhân vật Thanh Sói - kẻ cầm đầu đường dây buôn người lấy nội tạng - được yêu thích đến mức nhà sản xuất làm luôn phim riêng về nhân vật này.
Chia sẻ về những lý do khiến màn ảnh rộng trong nước thiếu vắng những nhân vật phản diện “có tầm”, biên kịch phim Người bất tử, Kay Nguyễn cho biết: “Câu chuyện chỉ hay khi nhân vật phản diện hay, nhưng kiểm duyệt là trở ngại đầu tiên khiến biên kịch có muốn viết cũng không dám. Cái khó nữa là tìm diễn viên thích hợp. Diễn viên nước ngoài luôn thích vào vai phản diện, nhưng ở Việt Nam khó có điều này, vì vai ác đòi hỏi kỹ thuật diễn xuất cao; trong khi các diễn viên trẻ đẹp đang ăn khách đa phần là tay ngang. Mời những diễn viên chuyên nghiệp cũng không được, vì diễn tốt nhưng bị hạn chế tuổi tác, sắc vóc, trong khi phim ra rạp lại cần những gương mặt để bán vé”.
|
Khương Ngọc (phim Ống kính sát nhân) là gương mặt hiếm hoi vào vai phản diện ấn tượng |
Có thể thấy lý giải hợp lý của Kay Nguyễn khi nhìn vào trường hợp điển hình Thất sơn tâm linh, một bộ phim mà nhân vật chính là tên tội phạm biến thái, giết người để luyện bùa phép. Bản phim chiếu rạp dưới sự kiểm duyệt đã bị cắt gọt khiến mạch phim bị gãy, nguyên nhân dẫn đến tội ác động trời của nhân vật không thuyết phục, trong khi tất cả những điều này được diễn giải mạch lạc trong bản phim 5 tập chiếu trực tuyến.
Cái khó kiểm duyệt là rào cản khách quan; còn cái khó diễn viên là rào cản chủ quan. Một khi không thể dẹp được rào cản khách quan, thì cách còn lại để tìm được nhân vật phản diện hay trên màn ảnh có lẽ chỉ còn nhờ vào tài năng diễn xuất, nhưng lực lượng diễn viên đóng vai khiến người xem thấy “đã” quanh đi quẩn lại chỉ là những cái tên quen thuộc như Quang Tuấn, Khương Ngọc, Quách Ngọc Ngoan, Quý Bình. Nữ phản diện càng khó kiếm. Thế nên hành trình đi tìm vai phản diện hay trên màn ảnh rộng có lẽ vẫn còn dài.
Hương Nhu