Từ những người phụ nữ “phi thường”
Đã qua rồi thời kỳ xây dựng nhân vật nữ yếu đuối, cam chịu. Phụ nữ ngày nay trên màn ảnh đã độc lập, mạnh mẽ hơn, phù hợp với thực tế cuộc sống hiện đại. Những tuyến nữ chính xuất thân trong cảnh thiếu thốn như Nhớ (Cát đỏ), Linh (Tình yêu và tham vọng), Minh (Hướng dương ngược nắng), Trà (Ngày em đến), Lệ (Mùa hoa tìm lại), Nam (Hương vị tình thân) chọn cách tự lập vươn lên khỏi nghịch cảnh, không bao giờ chịu đầu hàng và luôn sống lạc quan.
|
Hình tượng người vợ, người mẹ trên các phim gần đây khiến người xem ghê sợ vì sự quá quắt |
Các tuyến nữ phụ là những quý cô giàu sang như Tuệ Lâm (Tình yêu tham vọng), Châu (Hướng dương ngược nắng) lại biết chủ động theo đuổi đam mê, đấu tranh giành hạnh phúc riêng. Sự năng động, tự chủ của họ khiến hai chữ “nữ nhi” không bị “thường tình”.
Tuy nhiên dấu hiệu “nữ quyền” đang vượt quá giới hạn. Đến mức vì bản thân hoặc người thân, họ sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với những người gây chuyện, như cách Minh “tẩn” em gái cùng cha khác mẹ, cách Minh cho Vỹ ăn đòn trong nhà vệ sinh. Thy sẵn sàng tát đồng nghiệp nam giữa nơi làm việc khi bị nói xấu. Nhớ mạnh mẽ tìm hạnh phúc cho mình đến độ tuyên chiến với “chính thất” của Hai Ngò.
Nhân vật nam gây ngán ngẩm
Bất tài, tham lam, nhu nhược, lăng nhăng dường như là mẫu số chung của các nhân vật người chồng, người cha trong phim Việt hiện nay. Gây ức chế nhất là Ngọc (Cây táo nở hoa) khi mọi bi kịch trong gia đình xảy ra đều bắt nguồn từ sự nhu nhược, yếu đuối của anh. Hải trong Hồ sơ cá sấu ghen tuông đến bệnh hoạn. Minh trong Lửa ấm thiếu chính kiến.
Ông Tín trong Hãy nói lời yêu có tài nhưng phản bội vợ con, tính cách nóng nảy sẵn sàng bợp tai con gái. Hoàn (Mùa hoa tìm lại) vũ phu, bám váy đàn bà, xu nịnh, nhiều toan tính. Hầu hết các nhân vật nam trong Hướng dương ngược nắng rất xấu tính: ông Đạt bất tài lại còn lăng nhăng, cha con Vụ - Vỹ nham hiểm, tráo trở, Hải bóng chuyên đào mỏ
|
Với tuyến phản diện, các nhà làm phim ngày càng khiến các nhân vật trở nên đáng sợ trong mắt người xem. Tuyết trong Mùa hoa tìm lại hội đủ tính xấu: ganh tỵ, lươn lẹo, đạo đức giả… Cô tiếp tay bố mẹ hại đời bạn thân là Lệ, ve vãn Việt - người yêu của Lệ - và tìm mọi cách chia rẽ họ hết lần này đến lần khác. Phương trong Trói buộc yêu thương quyến rũ anh rể người yêu để trả thù, khi bị mẹ người yêu cấm cản. Diễm Loan trong Hướng dương ngược nắng gặp ai cũng ve vãn khiến người xem bực mình.
Đến những “mẹ mìn”
Trong ba bộ phim truyền hình đang “hot” là Hương vị tình thân, Hãy nói lời yêu và Cây táo nở hoa, mỗi phim đều có một bà mẹ gây ức chế cho người xem.
Bà Sa trong Hương vị tình thân là một người mưu mô, thực dụng, thủ đoạn. Bà ép con gái Thy quyến rũ Long - giám đốc công ty Thy làm. Khi ý định không thành, bà chuyển sang ép Thy mồi chài Huy, em trai Long. Bà bỏ thuốc ngủ vào nước cam, đóng cửa nhốt Thy ngoài đường lúc nửa đêm để đẩy Thy đến với Huy. Sau khi đưa Thy vào làm dâu nhà giàu thành công, bà ủ mưu đưa con trai vào công ty của Long để tìm đường thăng tiến.
|
Bà Sa trong Hương vị tình thân - một trong những bà mẹ gây ức chế cho người xem |
Nhân vật bà Hoài trong Hãy nói lời yêu khiến người xem rùng mình trước cách thương con vô cùng hà khắc, độc đoán. Để ép cô con gái lớn Hoàng My nghe theo lời mình, bà rạch cổ tay tự tử để dọa con. Bà ép con trai út Hoàng Minh học ngày học đêm, khóa trái cửa phòng không cho ra ngoài chơi, quát tháo khi con thi rớt học sinh giỏi khiến Hoàng Minh phải chọn cái chết để giải thoát.
“Trước đây các nhân vật nữ, nhất là các bà mẹ trên phim truyền hình, thường được miêu tả là những người yếu đuối, dễ bị bắt nạt, chịu đựng nên các biên kịch muốn có sự thay đổi. Hình ảnh các nhân vật nữ hiện nay khác biệt nhiều so với trước, và có lẽ do đang chú trọng hơi quá vào hướng đổi mới này, mà biên kịch quên đi việc lý giải sao cho thuyết phục. Có thể ngoài đời không có nhân vật hoặc cách ứng xử như vậy, nhưng nếu phim giải thích hợp lý người xem vẫn chấp nhận được. Ở góc độ khán giả, đôi lúc tôi cũng thấy nhiều nhân vật nữ được cho “động tay động chân” ở những tình huống không cần thiết”.
Biên kịch Chu Hồng Vân (phim Tình yêu không hẹn trước, Sự lựa chọn cuối cùng, Chiều ngang qua phố cũ, Trói buộc yêu thương)
|
Bà Ích trong Cây táo nở hoa gây căm phẫn tột độ khi bỏ rơi năm đứa con, lấy cắp tiền bồi thường tai nạn, tiền mừng cưới của con, lừa tiền con rể, thậm chí xô con trai ra giữa đường cho xe đụng để ăn vạ moi tiền người lái.
Phim truyền hình cũng từng có những bà mẹ tai quái, nhưng đó là mẹ chồng, mẹ kế, nên việc xây dựng nhân vật hành xử cay nghiệt không mấy lạ, còn đây là ba bà mẹ ruột (hoặc chí ít chưa tiết lộ là mẹ ruột hay mẹ kế như trường hợp bà Sa và Thy). Đành rằng ngoài đời cũng có những người mẹ tàn nhẫn với con hoặc thương con một cách mù quáng như bà Sa, bà Ích hay bà Hoài, nhưng đó không phải là số đông. Việc đem sự cá biệt ấy vào phim thật sự là cách tô vẽ quá đà để tạo kịch tính.
Trailer Hương vị tình thân:
Phim dài tập cần sự kịch tính, và cách xây dựng nhân vật có những hành động gây tranh cãi cũng là chiêu để giữ chân người xem. Nhưng việc để cho các nhân vật nữ có lối hành xử cực đoan đến mức trái đạo đức, vô hình trung phim đã làm lan truyền cái xấu cá biệt và đem đến cái nhìn lệch lạc, hạ thấp giá trị người phụ nữ, thay vì tôn vinh, đề cao họ như ý nghĩa tốt đẹp của hai từ “nữ quyền”.
Hương Nhu