PNO - Tôi gọi “người thầy lý tưởng” là một “nhân vật” - bởi dư luận xã hội chồng chéo tiêu cực dường như đã phủ lấp hình ảnh nguyên thủy ấy của người thầy, nên hễ nhắc đến lại nghe có phần… hư cấu.
Gọi “người thầy lý tưởng” là một “nhân vật” - bởi dư luận xã hội chồng chéo tiêu cực dường như đã phủ lấp hình ảnh nguyên thủy ấy của người thầy, nên hễ nhắc đến lại nghe có phần… hư cấu. Nhưng thầy Phạm Thư Tùng, Trường THPT Ernst Thalmann, đã hồn nhiên tin và sống bằng những giá trị giáo dục nguyên thủy đó. Nên người ta vẫn luôn có quyền tin rằng, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm luôn có cơ hội để gửi đi một “cú hích”, cứu vãn một con người… trừ khi họ sợ hãi và bỏ cuộc.
Thầy Tùng (đeo cà-vạt) bên học sinh trong một ngày lễ của trường
Lớp học của “những người trưởng thành với nhau”
Trường THPT Ernst Thalmann vàng màu xưa cũ, nằm ngay đoạn sầm uất nhất của đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM). Trong thư viện nhỏ điển hình của các trường phổ thông, vài học sinh khối Mười đang tự học. Các lớp khối chiều đang ra chơi. Thỉnh thoảng vẫn có em chạy xộc vào thư viện như đang chạy lạc khỏi cuộc đuổi bắt nào đó với bạn học. Chỉ đến khi thấy một nữ sinh ngước lên gọi thầy và chứng kiến thầy Phạm Thư Tùng trao đổi bài học với cô bé - tôi mới nhận ra, sự có mặt âm thầm của người thầy trẻ nãy giờ không hề ngẫu nhiên.
Đó là cách mà thầy Tùng đồng hành cùng học sinh: yên lặng, tôn trọng và sẵn sàng đến gần khi cần. Tôi biết thầy qua một phụ huynh. Với người mẹ đó, khả năng cảm hóa của thầy chủ nhiệm với con bà là điều kỳ diệu không thể lý giải. Riêng ở Trường THPT Ernst Thalmann - nơi có nguồn đầu vào bao gồm cả những học sinh đại trà trong khu vực - thì những “học trò thầy Tùng” tích cực, đa năng và ham học cũng là hiện tượng lạ. Nhưng chỉ cần một buổi chiều chứng kiến không khí sư phạm xung quanh người thầy này, mới thấy mọi thành quả kỳ lạ đó đều xuất phát từ những phép giáo dục, hành xử cũng… lạ không kém.
Là thầy giáo dạy môn vật lý, lại chủ nhiệm lớp 10A2, công việc chính của thầy Tùng đã thuộc típ “trăm công nghìn việc” điển hình của giáo viên chủ nhiệm. Thế nhưng, với riêng học sinh của thầy Tùng, lớp học dường như không có giới hạn. Sáng học chính khóa, chiều những bạn có nhu cầu học nâng cao hoặc ôn lại bài cũ có thể vào thư viện. Tại thư viện, các thành viên của các dự án lớn nhỏ khác có thể tìm thầy Tùng bất kỳ lúc nào, để được… tham mưu. Buổi chiều, tôi ngồi đó, hai học sinh khối Mười tất bật tạt qua tìm thầy, hỏi: “Thầy ơi, con liên lạc với bà bán sữa chua nếp cẩm chưa được”. Người thầy trẻ bình thản: “Con có kế hoạch gì chưa?”. “Dạ con tính gọi hỏi giá rồi mới tính”.
Người thầy tiếp tục phong thái giao tiếp kiểu “những người trưởng thành với nhau”: “Vậy chừng nào liên lạc được thì nói kế hoạch thầy nghe nha”. Hai đứa trẻ chào rồi lui đi, chừng như sẽ tích cực liên lạc với “bà bán sữa chua nếp cẩm” đặng còn kịp quay lại báo cáo kế hoạch với thầy. Hai bạn gái trẻ 16 tuổi đó chính là đại diện nhóm học sinh đang dự tính kế hoạch bán sữa chua nếp cẩm gây quỹ từ thiện. Học sinh lui đi, nhóm còn lại đang yên lặng tự học. Thầy giáo rút điện thoại ra gọi cho ai đó, hỏi mượn cái bơm xe có đồng hồ đo. Vừa xong, một cô học trò đang yên lặng học nãy giờ mách nước: “Thầy ơi, bạn Trâm mượn đủ rồi, thầy không cần lo nữa”. Thầy Tùng búng tay cái “tách”, ra vẻ hài lòng.
Cuộc giao tiếp thầy trò trong thư viện nhỏ này không có bóng dáng đạo mạo, nghiêm cẩn thường thấy trong môi trường sư phạm. Thầy giáo trẻ măng, cao ráo, vốn là “trùm môn lý” thời phổ thông, trở thành thầy giáo sau khi tốt nghiệp ngành vật lý Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và nhiều năm trải nghiệm nhiều công việc. Thầy đeo cặp kính Nobita, xuất hiện giữa những câu chuyện chớp nhoáng, những giao tiếp tất bật và sôi động với học trò - khiến ngôi trường Ernst Thalmann cổ kính như trở thành một không gian truyện tranh điển hình. Làm bạn với học trò không còn là khái niệm có phần… hư cấu và viễn tưởng. Ngược lại, thầy giáo trẻ Phạm Thư Tùng có nỗi lo nghề nghiệp lớn nhất - bị học trò coi là “một ông thầy”: “Mình sợ hình ảnh nghiêm nghị và tôn kính sẽ khiến học trò khó gần gũi, còn mình thì không thể hiểu mà đứng về phía chúng”.
Thầy Tùng cùng học trò đến tận những vùng nghèo khó để tự tay lắp tặng "Ánh sáng hạnh phúc"
Biết mình đang làm việc với các em có độ tuổi mãnh liệt và mong manh nhất, ngay từ đầu năm học, thầy Tùng đã mời bác sĩ Lan Hải trò chuyện với học sinh về tình yêu tuổi học trò. Biết là không thể ngăn cản, thầy chọn cách “chỉ đường cho hươu chạy đúng”. Chỉ một tháng sau ngày xếp lớp, tin dữ từ nhóm liên lạc viên bí mật báo về lớp của thầy Tùng đã có… bốn cặp yêu nhau. Theo thường lệ, giáo viên chủ nhiệm sẽ báo cho phụ huynh. Cặp đôi sẽ vì sức ép gia đình mà sớm lui vào hoạt động bí mật.
Nhưng thầy Tùng chỉ lẳng lặng quan sát, thỉnh thoảng lại chuyện trò với cả lớp về hành xử văn minh, lịch sự trong lớp học để ngăn những biểu hiện tình cảm quá đà. Hoặc, có lần, một cặp vốn học lực trung bình có biểu hiện sa đà vào tình cảm mà lơ là việc học, thầy lại đến gần cả hai, tỉnh bơ nói: “Học kỳ này mà một trong hai bạn có điểm dưới trung bình là thầy báo chuyện tình cảm về cho phụ huynh nhé!”. Cuối học kỳ đó, bạn nữ khấp khởi chạy đến khoe với thầy: “Kỳ này, tụi con được học sinh khá đó thầy. Nhờ con mà bạn P. lần đầu được khá đó!”.
Mọi phức tạp, bất toàn, phiền toái... của những người trẻ vị thành niên được thầy Tùng nhìn như những khó khăn cần được giúp đỡ. Thầy tâm niệm “trong mọi rắc rối, điều mà bọn trẻ cần chỉ là một cú hích nhẹ, không cần chỉ trích, phê bình”. Có lần, chứng kiến cô học trò 16 tuổi không đoái hoài đến bài học thầy đang dạy, mắt đỏ hoe. Được học trò xác nhận “bạn ấy thất tình”, thầy chỉ lưu thông tin đó lại chứ không vội xử lý. Giờ học kết thúc, thầy soạn tin nhắn như gửi một cú hích đến cô bé đang khổ sở vì tan vỡ đầu đời: “Nè, nếu có thất tình thì hãy tập trung mà học để cuối học kỳ này thằng đó phải ngước mắt mà ngưỡng mộ mình nhé!”.
Bước qua nỗi sợ để khám phá tiềm năng học trò
Ngoài việc được học trò coi như một người bạn đúng nghĩa với khả năng đặc biệt trong việc tập hợp học sinh, thầy Phạm Thư Tùng còn khá “nổi tiếng” trong trường vì luôn giữ vị trí “giáo viên chủ nhiệm có điểm tỷ lệ học kỳ một thấp nhất”. Điểm tỷ lệ là thước đo chất lượng chuyên môn của giáo viên, được tính bằng điểm trung bình của cả lớp với môn học mà giáo viên đó phụ trách. Con số này cũng gây áp lực cho giáo viên.
Với 45 phút, mỗi tiết học chỉ vừa đủ cho bài giảng. Thời gian dư ra phải tranh thủ ôn luyện cho hàng chục kỳ kiểm tra, thi cử. Hầu như, giáo viên khó có thời gian để sáng tạo ra một điều gì đó để giúp học trò vui học. Khả năng đáp ứng đề thi của học trò khiến cả thầy cô lẫn phụ huynh luôn lo lắng. Thế nhưng, từ những ngày đầu đi dạy, thầy Tùng đã gạt qua nỗi sợ này để tập trung giúp học sinh thực sự yêu thích môn học, rồi từ đó cải thiện kết quả học tập.
Giờ học về rơi tự do môn vật lý lớp Mười, bước vào lớp, thầy Tùng không “dẫn chuyện nhập đề tiết học” như mọi khi, mà phát tín hiệu để cả lớp lên ban-công của dãy nhà để học. Bóng, đồng hồ bấm giờ, cân đo đã chuẩn bị sẵn sàng. Tất cả các khái niệm, công thức về vận tốc, độ cao, khối lượng của vật rơi… được hiện thực hóa bằng việc thực hành thả rơi những quả bóng.
Học sinh cùng tham gia thả rơi, đo thời gian, cân vật rơi và cùng tranh luận về cách tính những thông số còn thiếu. Thầy giáo chỉ như một người quản trò, hướng dẫn luật chơi và tôn trọng toàn bộ diễn biến nhận thức của người chơi. Học sinh được trải nghiệm và cảm nhận mối liên quan của từng yếu tố trước khi hình thành công thức. Từ đó, công thức trở thành điều mà học sinh khám phá hoặc tự kiểm chứng, chứ không còn là “pháp lệnh” vô hồn từ sách giáo khoa.
Giờ học về điện, tất cả lý thuyết đều được đưa về mức tối giản, toàn bộ học sinh vào vai những người thợ điện để học cách làm việc với điện từ căn bản nhất. Học sinh học sửa điện, sử dụng thiết bị điện và làm quen với những đồ gia dụng “tuy gần mà xa” với thanh thiếu niên.
Giờ sinh hoạt lớp, tệ nạn viết, vẽ bậy lên tường được cán bộ lớp nêu ra một cách bế tắc. Mọi lời tuyên truyền của các cán bộ lớp như bị vô hiệu hóa trước những bức tường cứ mỗi ngày lại dày đặc chữ và hình không rõ tác giả. Giờ sinh hoạt tiếp theo, thầy Tùng thay thế những phê bình, nhắc nhở của các bạn bằng lời đề nghị “lớp mình sơn mới bức tường này đi”. Cả lớp hưởng ứng nhiệt liệt. Từ hôm đó, bọn trẻ hơn 40 người chia nhau chuẩn bị nào sơn, keo, cây lăn… để thực hiện công trình. Bức tường mới màu xanh ngọc được sơn lên, đẹp, chỉn chu không thua gì sản phẩm của đội thợ chuyên nghiệp. Kẻ vẽ bậy nào đó có lẽ vì đã trót trở thành thợ sơn nên không còn vẽ lên tác phẩm của mình nữa.
Giờ sinh hoạt của giáo viên, cô Trần Thị Thơm - Phó hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann - nói: “Ngày trước, làm giáo viên, mình chỉ dốc hết sức làm sao để học sinh đạt điểm cao đặng còn thi đậu đại học. Nhưng giờ thì hết rồi, mình chỉ mong làm sao để học trò được vui và nên người”. Nghe lời gan ruột đó của nữ quản lý giáo dục, thầy giáo trẻ Phạm Thư Tùng lặng lẽ hạnh phúc và như được tiếp thêm niềm tin về một môi trường giáo dục mà mình đang cống hiến.
Ngoài sân trường, nhóm học sinh của thầy dẫn đầu một nhóm học sinh đang... cầm máy cưa đi cưa gỗ. Một nhóm khác đang tụm lại ở thư viện, lên kế hoạch cho chương trình truyền thống của trường. Một nhóm nữ sinh đang len lỏi khắp chợ Calmette tìm mua vật dụng cho chương trình mà các em đang lên kế hoạch tổ chức. Tất cả những học sinh đó, chỉ vài tháng trước vẫn là những đứa “con cưng”, “cậu ấm”, “cô chiêu” giữa bảo bọc của cha mẹ và cả thầy cô.
Trên bục trao giải nhất cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2017, thầy Tùng cùng đồng nghiệp Mai Xuân Long và hơn 40 học sinh đến từ ba khối lớp của Trường THPT Ernst Thalmann rộn ràng nhận giải. Dự án “Ánh sáng hạnh phúc” do hai thầy khởi xướng nằm trong chương trình dạy học theo dự án. Học sinh chia thành từng nhóm chuyên trách, đi đến những vùng dân cư nghèo khó, thiếu điện của TP.HCM để khảo sát và tiến hành lắp bóng đèn chạy bằng năng lượng mặt trời. Những chiếc bóng đèn làm từ vỏ chai nhựa, bên trong đổ đầy nước javel. Những bóng đèn led sau đó được bọc kỹ bằng lớp mica, bỏ vào vỏ chai nhựa, kết nối với ắc-quy năng lượng mặt trời. Ắc-quy tích điện từ năng lượng mặt trời để làm sáng bóng đèn vào ban đêm.
“Tự học sinh làm được hết” là câu nói láy đi láy lại bởi thầy Tùng. Nhưng nếu được chứng kiến chuyện thầy trò, người ta phải diễn đạt đầy đủ rằng “qua phương pháp giáo dục khai phá của thầy Tùng, học sinh có thể tự làm được hết”. Những tuổi trẻ “mãnh liệt và mong manh” như đã sống dậy mà nên người từ đó.
Trong một lớp học không tên bất kỳ, có cô giáo trẻ chật vật với đứa học trò “hòa nhập”. Có một cô giáo khác ngồi bần thần hồi lâu vì tin nhắn của một đứa học trò cá biệt “chỉ cần cô nói con làm được, con sẽ cố gắng đến cùng”. Và một cô giáo khác, có khi đang quay cuồng trong những “hỏi xoáy đáp xoay” giữa lo lắng, sốt sắng và cả nôn nóng của phụ huynh. Gánh nặng của giáo viên chủ nhiệm ngày một nhiều.
Tôi gọi “người thầy lý tưởng” là một “nhân vật” - bởi dư luận xã hội chồng chéo tiêu cực dường như đã phủ lấp hình ảnh nguyên thủy ấy của người thầy, nên hễ nhắc đến lại nghe có phần… hư cấu. Nhưng, thầy Phạm Thư Tùng đã hồn nhiên tin và sống bằng những giá trị giáo dục nguyên thủy đó. Nên người ta vẫn luôn có quyền tin rằng, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm luôn có cơ hội để gửi đi một “cú hích”, cứu vãn một con người… trừ khi họ sợ hãi và bỏ cuộc.