 |
Điêu Thuyền và Lã Bố trong tranh |
Nhắc đến Điêu Thuyền thì đến cả người không đọc Tam Quốc cũng biết. Đây là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa được ví là người có vẻ đẹp nguyệt thẹn, tức là khi Điêu Thuyền nhìn lên trời ngắm trăng thì trăng phải lấy mây che vì cảm thấy thua sắc đẹp của Điêu Thuyền.
Nhân vật có lai lịch mờ ảo
Nhưng so với Tây Thi thời Xuân Thu, Vương Chiêu Quân thời Tây Hán và Dương Ngọc Hoàn, tức Dương Quý Phi thời nhà Đường thì Điêu Thuyền là con người bí ẩn nhất. Tây Thi – người có vẻ đẹp khiến “cá lặn” đã được chép trong Sử Ký của Tư Mã Thiên. Vương Chiêu Quân – người có vẻ đẹp khiến “chim sa” cũng được ghi chép trong Hán thư hay Tư Trị thông giám. Dương Quý Phi – người có vẻ đẹp “hoa nhường” có gia thế được ghi chép trong Đường Thư.
Trong khi đó, Điêu Thuyền xuất thân từ đâu, số phận của nàng thế nào đều rất mịt mờ cho dù nàng ta là nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Đa phần chúng ta đều biết Điêu Thuyền qua Tam quốc diễn nghĩa với thông tin là nàng một thiếu nữ thuộc tầng lớp nô lệ, chẳng may đã mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên bán mình vào trong cung hầu hạ. Về sau do loạn hoạn quan, nàng ta bèn trốn thoát được ra khỏi cung, cuối cùng xin vào hầu trong phủ nhà Tư đồ Vương Doãn - một đại thần quyền cao chức trọng trung thành với nhà Hán. Nhận thấy nhan sắc của Điêu Thuyền động lòng người, Vương Doãn bèn nhận nàng làm con nuôi và bày tỏ xin Điêu Thuyền thực hiện kế sách được ông gọi là Liên hoàn Mỹ nhân kế, mục đích ly gián Đổng Trác và Lã Bố khiến 2 người tự diệt. Các chi tiết chuyện tình tay ba Đổng Trác – Điêu Thuyền – Lã Bố là chất liệu để người đời sau dựng không biết bao nhiêu vở kịch, bộ phim. Tuy nhiên, chính sử không ghi chép Điêu Thuyền một cách rõ ràng như ba người đẹp còn lại.
Dù vậy, nếu ghép những mảnh chính sử rời rạc thì có thể thấy bóng dáng một người phụ nữ đã thực hiện kế liên hoàn khiến Đổng Trác – Lã Bố trở mặt. Sách Hán thư thông chí viết: "Tào Tháo chưa đắc chí, trước dụ Đổng Trác, tiến Điêu Thuyền để mê hoặc" tức là lúc Tào Tháo chưa gặp thời thì ban đầu vờ theo Đổng Trác, dâng Điêu Thuyền để mê hoặc viên gian thần.
Tại sao Tào Tháo lại có Điêu Thuyền để tiến cho Đổng Trác. Hán thư thông chí viết rằng Điêu Thuyền không phải là cái tên mà thời Đông Hán thì Điêu Thuyền là một chức nữ quan trong cung mũ được đeo đuôi chồn (nghĩa là điêu thuyền).
Năm 189, khi hoạn quan làm loạn, Tào Tháo khi đó là Điển quân hiệu uý đã dẫn quân vào trong triều cứu Hà Tiến. Cung điện bị phóng hỏa, cảnh chém giết khắp nơi. Tào Tháo đã cứu được một mỹ nữ chính là Điêu Thuyền. Tào Tháo khi đó tuổi trẻ phóng túng, anh hùng gặp mỹ nhân thì chuyện có tình cảm với Điêu Thuyền là điều không cần bàn. Về phía Điêu Thuyền, vốn không có hy vọng gì tiến thân ở trong cung khi vua Thiếu Đế chỉ là đứa trẻ nên sẵn sàng bỏ theo Tào Tháo.
Nhưng dù sao, Điêu Thuyền là người trong cung nên Tào Tháo cũng không dám làm lộ thân phận nhiều. Dù chỉ có ở với nhau vài tháng, phần vì cảm ơn cứu mạng, phần vì cảm phong thái anh hùng cái thế của Tào Tháo nên Điêu Thuyền nảy sinh tình cảm cũng là điều rất tự nhiên. Tháo có tình cảm với Điêu Thuyền không? Xét về thời trẻ phóng túng và cái tính háo sắc thì chắc là có. Vì có nên mới làm anh hùng cứu mỹ nhân trong cung và cả gan đưa Điêu Thuyền ra ngoài.
Sau khi thấy tình hình Đổng Trác với sự giúp sức của Lã Bố ngày càng lớn thì Tào Tháo đã nảy ra mưu kế. Đó chính là thông qua việc nhờ Vương Doãn tiến cử Điêu Thuyền vào phủ Đổng Trác. Vương Doãn không phải là người giỏi mưu mẹo thì làm sao có thể bày một mưu kế tinh vi như vậy cho Điêu Thuyền. Chỉ có những người đa mưu túc trí như Tào Tháo mới có thể dàn dựng liên hoàn kế hoàn hảo như vậy.
Còn tại sao Điêu Thuyền lại chấp nhận theo kế này? Vì Điêu Thuyền nợ Tào Tháo 1 mạng khi được cứu trong loạn ở cung. Nếu không có Tào Tháo thì Điêu Thuyền có khi bị bọn loạn quân làm nhục rồi chết thảm. Hơn nữa, Tào Tháo có thể nêu gương mối tình Phạm Lãi – Tây Thi để Điêu Thuyền chấp nhận thực hiện mỹ nhân kế như Tây Thi từng làm.
Vai trò không nhỏ trong dòng chảy lịch sử
Điêu Thuyền đóng vai trò như thế nào khiến hai cha con trở mặt. Tư trị thông giám chép: Trung lang tướng Lã Bố giỏi cung ngựa, sức vóc hơn người, Trác tự biết mình đối đãi người vô lễ, khi đi đứng thường dùng Bố để tự vệ, rất yêu mến tin tưởng, thề làm cha con. Nhưng bản tính Trác cố chấp nóng nảy, từng vì việc nhỏ thất ý, Trác rút thủ kích ném Bố, Bố nhanh tay đánh dạt cây kích, rồi đổi sắc mặt ngoảnh sang tạ lỗi, ý của Trác cũng nguôi. Bố từ đấy ngầm oán Trác. Trác lại sai Bố thủ giữ gác phía trong, nhưng Bố tư thông với thị tì giúp việc, nên càng thấy bất an. Vương Doãn vốn khéo đãi ngộ Bố, Bố gặp Doãn, tự dãi bày thực trạng mấy lần suýt bị Trác giết, Doãn nhân đó đem cái mưu giết Trác bảo với Bố, sai làm nội ứng”.
Sau khi Lã Bố diệt Đổng Trác, Điêu Thuyền trở thành vợ lẽ của Lã Bố nhưng rốt cuộc lại khiến Lã Bố thất trận và bị Tào Tháo vây tại thành Hạ Bì. Lúc đánh Lã Bố tại Hạ Bì, Điêu Thuyền đã giúp quân Tào bằng việc khiến Lã Bố đam mê tửu sắc, đánh đập binh sĩ. Khi mưu sĩ Trần Cung khuyên Lã Bố dẫn quân ra khỏi thành để tạo thế ỷ dốc thì Lã Bố đã định nghe theo nhưng Điêu Thuyền và đám thê tử lại khóc lóc khiến Lã Bố ở lỳ lại trong thành. Cuối cùng, Lã Bố bị bắt sống.
 |
Điêu Thuyền và Lã Bố trong phim ảnh |
Trong cuốn “Thuyết Tam Quốc” của Lê Đông Phương cũng kể thêm về nhân vật Điêu Thuyền trong sự cố thành Hạ Bì. Tào Tháo đến vây Hạ Bì thì khai sông Nghi sông Tứ ngập thành khiến Lã Bố như cá nằm trong rọ. Lã Bố biết Tào Tháo có tình cảm với Điêu Thuyền nên đành phải dâng nộp để cứu mạng. Nhưng Lã Bố không dám đưa người đến thẳng gặp Tào Tháo mà lại nhờ qua Quan Vũ trung gian vì biết trong thiên hạ chỉ có Quan Vũ là người thủ tín nhất.
Điều kỳ lạ nhất là khi Điêu Thuyền đến trại của Quan Vũ thì Quan Vũ lại dùng dằng đến mấy ngày mới đưa Điêu Thuyền đến chỗ Tào Tháo. Vì sao Quan Vũ không lập tức đưa Điêu Thuyền đến trại của Tào Tháo thì Lê Đông Phương không giải thích nhưng chúng ta có thể hiểu anh hùng khó qua ải mỹ nhân.
Theo bối cảnh lịch sử thì Quan Vũ đã biết danh tiếng của Điêu Thuyền. Khi Đổng Thác bị diệt thì cả thiên hạ đều coi Điêu Thuyền chính là nữ anh hùng đã tác động Lã Bố tiêu diệt Đổng Trác. Bản thân Quan Vũ cũng nhiều lần muốn giết Đổng Trác mà không được nên việc nảy sinh lòng hâm mộ Điêu Thuyền cũng là đương nhiên. Cộng thêm sắc đẹp của Điêu Thuyền có thể khiến Quan Vũ phải rung động để phải rơi vào tình trạng “suy nghĩ dùng dằng” đến mấy hôm. Cuối cùng thì Quan Vũ vẫn thủ tín đưa Điêu Thuyền đến chỗ Tào Tháo và sau đó, không còn mảnh chép nào nhắc về người đẹp này.
Cũng vì chi tiết này mà về sau có rất nhiều giai thoại, truyền thuyết về mối tình của Điêu Thuyền với Tào Tháo bên cạnh Lã Bố, Đổng Trác và thậm chí là cả hảo cảm của Quan Vũ với Điêu Thuyền. Dù những điều này không được chính sử ghi nhận rõ ràng nhưng vai trò của một người con gái đẹp được biết đến như Điêu Thuyền thì không phải bàn cãi. Người con gái đó xét một mặt nào đó cũng khiến cho những anh hùng bậc nhất của thời đại đó phải xao lòng và góp phần tạo ra dòng chảy lịch sử.
Anh Tú