Những người ... dị thường trên màn ảnh
Nhân vật được xem là linh hồn của bộ phim. Tuy nhiên thời gian qua, xem các phim VN thuộc dòng giải trí, phần “linh hồn” này đang rất có vấn đề. Những nhân vật dở hơi, chọc cười một cách thô thiển, diễn biến tâm lý không hợp lý… xuất hiện nhan nhản.
Trong phim Tèo em, nhân vật chính Tèo em là một người cù lần, ngây ngô, nhưng điều đáng nói là cách tác giả để cho nhân vật thể hiện điều đó thông qua những tình tiết gây cười nham nhở như cảnh Tèo em nằm trên giường bú bình sữa, Tèo em cởi trần, xông thẳng vào nhà vệ sinh rồi quỳ xuống ôm lấy hai chân Tí trong khi Tí đang đi đại tiện.
Nhiều nhân vật mang lại cái nhìn lệch lạc vì sự kém hiểu biết của các nhà làm phim. Xu hướng tính dục của chàng “bóng” Ẽo Ợt trong Nàng men chàng bóng thay đổi 1800 khi chỉ sau một khoảnh khắc va chạm da thịt với cô nàng Út chót, Ẽo Ợt trở về 100% đàn ông.
Ba cô chị gái trong Cảm hứng hoàn hảo tích cực cởi đồ, khoe vẻ gợi cảm nhằm lôi kéo chất Adam trở lại trong người cậu em trai.
Nếu đặt hình mẫu các nhân vật này bên cạnh những hình tượng nhân vật trước đây trong điện ảnh Việt như Nguyễn Thành Luân (Ván bài lật ngửa), Dịu (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm), Ngọc Hà (Em bé Hà Nội), Ba Đô (Cánh đồng hoang) rõ ràng là một sự khập khiễng đáng lo, lộ rõ sự đi xuống của phim Việt.
Đáng lo hơn, tình trạng dòng phim giải trí ra đời mỗi năm lại lấn át những tác phẩm nghệ thuật. Hàng năm, điện ảnh VN ra rạp trên dưới 20 phim thì hết 90% là phim thương mại.
Vì vậy những hình ảnh con người VN đẹp đẽ như Đặng Thùy Trâm (phim Đừng đốt), bốn chàng sinh viên Hoàng, Thành, Thăng, Long (phim Mùi cỏ cháy), Nghĩa (phim Những người viết huyền thoại), Vinh, Thu Hà (phim Đường xuyên rừng), Quang, Mây (phim Người trở về) trở nên quá lép vế trên màn ảnh.
Lý tưởng sống cao đẹp, tinh thần hy sinh vì đồng đội, lòng dũng cảm, kiên cường của những nhân vật ấy hoàn toàn bị chìm khuất giữa bốn bề những nhân vật mua tiếng cười người xem.
Sự “hắt hủi”, thờ ơ của các chủ rạp càng khiến cho những giá trị, thông điệp nhân văn của các phim trên khó đến được với công chúng.
Đạo diễn (ĐD) Bùi Tuấn Dũng của phim Những người viết huyền thoại nỗ lực tự đưa phim mình ra rạp, phim Người trở về được đánh giá tốt nhưng đến giờ vẫn chưa được chiếu thương mại, phim Đường xuyên rừng hầu như chỉ chiếu phục vụ nội bộ. Trong khi đó phim giải trí của tư nhân, của nước ngoài cứ ào ào ra rạp babốn phim/tuần và trụ đến vài tuần.
|
Poster đầy chất bạo lực của một vở kịch ma |
Người tốt ở đâu trên sân khấu?
Trong đời sống sân khấu (SK) hiện nay, các nhân vật người tốt cũng ngày càng trở nên hiếm hoi. Khán giả của SK tìm đỏ mắt mới thấy hình ảnh những con người mạnh mẽ với khát vọng sống và đầy nghị lực vượt quá khó khăn, nghịch cảnh để vươn đến một tương lai tươi sáng.
Những Duyên (Người đàn bà uống rượu), Ba Tài, Tư Quý (Vòng xoáy nghiệt ngã), ông Quân (Lâu đài cát), Sáu Thành (Chiến binh) - những người kiên định với lý tưởng tốt đẹp không chỉ cô đơn trên trong cuộc chiến chống lại sự tha hóa của con người trên sàn diễn mà còn cô đơn cả trong đời sống SK hiện nay.
Nhân vật tốt trên SK dẫu vẫn còn, nhưng trở nên yếm thế đến tội nghiệp. Người tốt ở Mặt nạ bong bóng, Hồn bướm mơ điên luôn sống trong nỗi lo sợ sẽ bị kẻ ác tấn công. Người tốt ở Phía sau tội ác bị kẻ xấu giết chết, người còn lại bị đe dọa và đành yên lặng giữ kín bí mật tày trời về kẻ đã giết chồng sắp cưới của mình.
Người tốt ở Mỹ nam đại chiến, Dream boys thì bị những kẻ xấu dùng chiêu trò, tạo scandal… để triệt hạ danh dự, uy tín. Trong dòng chảy đó, những kẻ xấu xa, độc ác trở thành vệt màu chủ đạo ở đa số các vở diễn.
Đáng sợ hơn, có những lớp diễn khiến người yếu bóng vía lạnh tóc gáy không phải vì yếu tố ma mị mà vì sự tàn ác diễn ra một cách tự nhiên chủ nghĩa ngay trên SK theo kiểu: kẻ thủ ác ra tay giết người, siết cổ nhân vật; cảnh một nhóm người đánh đập dã man một cô gái hay lớp diễn rượt đuổi chém giết với một cánh tay đứt lìa…
Tất nhiên, sau mỗi cảnh diễn các ĐD sẽ có những cách lý giải riêng, nhưng những gì xảy ra trên SK đã đủ sức “tô thêm một nét” cho mảng màu tối về hình ảnh những người xấu, cái ác trong tâm trí khán giả, nhất là khán giả trẻ.