Nhân tố mới cho nhạc Trịnh

10/06/2024 - 14:09

PNO - Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã quá nổi tiếng và in dấu sâu đậm trong nhiều thế hệ người yêu nhạc. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều hơn khán giả trẻ dành tình cảm, sự quan tâm đến âm nhạc của ông. Nhất là đang có thêm những nhân tố mới hát nhạc Trịnh với tinh thần tươi trẻ, hợp thời đại.

“Người lạ” hát nhạc Trịnh

Trong tháng 6 và 7/2024 sẽ diễn ra 2 đêm nhạc Trịnh mang tên Tình yêu tìm thấy Đồng dao hòa bình trong khuôn khổ Festival Huế 2024 tổ chức ở tỉnh Thừa Thiên - Huế (9/6) và Festival hòa bình 2024 tại Quảng Trị (13/7). Những đêm nhạc Trịnh thường được lồng ghép vào các chương trình lớn nhằm tạo điểm nhấn cho chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa, kích cầu phát triển kinh tế.

Từ trái sang: Đạo diễn Tùng Leo, nhạc trưởng Dustin Tiêu và ca sĩ Viết Thu cùng tham gia  trong 2 đêm nhạc Trịnh sắp tới - Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Từ trái sang: Đạo diễn Tùng Leo, nhạc trưởng Dustin Tiêu và ca sĩ Viết Thu cùng tham gia trong 2 đêm nhạc Trịnh sắp tới - Ảnh do ban tổ chức cung cấp

Nhiều năm qua, phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thường xuyên tổ chức các đêm nhạc Trịnh vào dịp hè. Những người thực hiện luôn muốn làm mới bằng nhiều cách, để tránh tạo cảm giác nhạc Trịnh quá quen thuộc, thiếu sự mới mẻ. Trong chuỗi đêm nhạc Trịnh sắp tới, ngoài “người cũ”, sẽ có sự tham gia của ca sĩ Ngọc Khuê, Viết Thu, nghệ sĩ saxophone An Trần (con gái Trần Mạnh Tuấn)… Họ đại diện cho nhóm nhân tố mới, lần đầu góp mặt trong đêm nhạc Trịnh.

Không ít lần, trong những cuộc trò chuyện, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết luôn mong có thêm những gương mặt mới biểu diễn hoặc người trẻ yêu thích nhạc Trịnh. Họ cho rằng, theo dòng chảy của thời gian, âm nhạc Trịnh Công Sơn phải được hát theo cách mới mẻ hơn để hợp với thời đại, tiệm cận cách nghe nhạc, xử lý mới.

Nắm được mong muốn này, đạo diễn Tùng Leo - người đứng sau 2 đêm nhạc Tình yêu tìm thấy Đồng dao hòa bình - cho biết để dung hòa, ca sĩ gạo cội hát Trịnh phải hát với tinh thần trẻ, còn người trẻ vẫn giữ đúng tinh thần của thế hệ nhưng cần thêm vào đó “độ chín”, sự thấu hiểu nhạc Trịnh. Anh tiết lộ, chương trình hiện đang chạy nước rút cho những khâu cuối, hứa hẹn có những điều đặc biệt, có thể tạo ấn tượng và thuyết phục công chúng yêu nhạc Trịnh, dù họ thuộc thế hệ lớn lên cùng nhạc Trịnh Công Sơn hay là những khán giả trẻ.

Mỗi năm, vào dịp ngày sinh và mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2 và 1/4), thường có nhiều dự án làm mới nhạc Trịnh xuất hiện; trong đó, không ít dự án do người trẻ thể hiện. Đặc biệt, trong bộ phim làm về cuộc đời của cố nhạc sĩ ra mắt năm 2022, các tác phẩm Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Tình sầu… lần đầu được thể hiện qua giọng hát Avin Lu (Lương Anh Vũ). Ca sĩ trẻ Thịnh Suy cũng tham gia trào lưu làm mới nhạc Trịnh với Còn tuổi nào cho em, Tình sầu, Con mắt còn lại… Tìm trong “kho” nhạc Việt, nhạc Trịnh xuất hiện vô cùng đa dạng, qua nhiều giọng ca và số lượng người trẻ hát Trịnh không hề ít.

Chào đón những ý tưởng mới

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - cho biết: “Hiện Trường đại học Fulbright đang thực hiện chương trình nghiên cứu sâu về nhạc Trịnh Công Sơn. Các sinh viên của trường đã đến nhà chúng tôi để tìm hiểu, họ hát rất hay, rất hào hứng. Trước đại học Fulbright, Trường đại học Văn Lang cũng từng thực hiện chương trình tương tự và sau này nữa. Mong muốn của gia đình là nhạc Trịnh được tiếp cận nhiều với công chúng trẻ. Chúng tôi biết sinh viên các trường thích nhạc Trịnh nhưng các bạn ngại, chưa mạnh dạn tiếp xúc hay tìm đến chúng tôi. Do đó, trong những chương trình sắp tới, chúng tôi muốn đưa nhạc Trịnh đi sâu vào đời sống sinh viên, tiếp xúc thật gần với các bạn”.

Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe cùng ca sĩ Tấn Sơn tại nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trưa 5/6 - ẢNH: DIỄM MI
Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe cùng ca sĩ Tấn Sơn tại nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trưa 5/6 - ẢNH: DIỄM MI

Dẫn ví dụ về dự án mở cửa bảo tàng 3D ngôi nhà cũ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ở số 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM) năm 2023, bà Trịnh Vĩnh Trinh nói, gia đình luôn chào đón những ý tưởng làm mới di sản của Trịnh Công Sơn. Với những dự án tâm huyết, có đầu tư chất xám, cho thấy sự chỉn chu, đàng hoàng thì gia đình chưa bao giờ từ chối. Về hình thức thể hiện, với những người trẻ hát Trịnh hay nỗ lực làm mới di sản Trịnh Công Sơn ở nhiều góc độ gia đình bà luôn ủng hộ, vì nghệ thuật cần tự do sáng tạo. Chưa kể, trước những thay đổi của thời đại, không thể giữ khư khư di sản theo “hình dáng” ban đầu.

Trong lần đến thăm nhà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ngày 5/6), Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe nói bà ấn tượng với ca từ và những thông điệp trong bài nhạc. Ca từ nhiều phép ẩn dụ, buộc bà phải nhờ người giải thích thêm để hiểu được ý tứ. Ngoài ra còn nhiều thông điệp ngợi ca hòa bình, sự cảm thông, sẻ chia… Đây là những điều rất quý giá trong thời buổi thế giới vẫn còn diễn ra nhiều xung đột. Bà Ann Mawe mong nhạc Trịnh được nhiều người biết đến hơn, vì những giá trị âm nhạc của ông mang đến rất lớn.

Làm mới một bài hát đã nằm lòng với khán giả chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Để thành công, câu chuyện phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác bên cạnh ý tưởng, năng lực thể hiện, câu chuyện truyền thông, sự mới mẻ hợp thời… Với âm nhạc Trịnh Công Sơn, càng khó để tạo ấn tượng mới. Do đó, điều quan trọng là người thực hiện tin vào dự án của bản thân, hoàn thiện một cách tốt nhất trước khi quảng bá đến công chúng. Hiện đối tượng nghe nhạc Trịnh đa dạng hơn, gu thưởng thức âm nhạc cũng mới mẻ. Đó là điều thuận lợi để người trẻ thể hiện ý tưởng mới với nhạc Trịnh.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI