Nhân rộng mô hình nhóm trẻ cộng đồng

27/02/2014 - 23:43

PNO - PN - Ngày 27/2, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo Quản lý nhóm lớp mầm non (MN) độc lập tư thục. Tại hội thảo, nhiều nhà quản lý khẳng định, việc kiên quyết đóng cửa các cơ sở MN không phép trong điều kiện thực tế hiện nay là…...

edf40wrjww2tblPage:Content

 “Thời điểm cuối năm 2013, TP.HCM có 870 trường MN công lập và tư thục, 1.323 nhóm lớp có phép đang hoạt động. Đến cuối tháng 2/2014, con số này đã tăng lên 903 trường MN, 1.490 nhóm lớp có phép và 453 nhóm lớp không phép đang hoạt động. Không tính số nhóm không phép thì trong chưa đầy hai tháng đã có đến 33 trường mới được thành lập. Tính bình quân, cứ hai ngày thì TP có thêm một trường MN mới, nhưng vẫn không giải quyết đủ chỗ học vì tốc độ gia tăng dân số quá nhanh.

Vì thế, dù có chỉ thị yêu cầu đóng cửa, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giữ trẻ không đủ điều kiện hoạt động, nhưng nhu cầu gửi con của người dân trên thực tế quá cao, chúng tôi không thể mạnh tay. Đóng cửa hết thì họ biết gửi con ở đâu để đi làm?”, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết.

Nhan rong mo hinh nhom tre cong dong
Cho con em vào được trường công lập là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh - Ảnh: Phùng Huy

Tương tự, hệ thống trường MN ở Bình Dương cũng không thể gánh hết số trẻ đi học, nên hiện có 347 cơ sở chưa được cấp phép đang nuôi giữ gần 8.000 trẻ, trong đó có 148 nhóm có quy mô dưới 10 trẻ… Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, bày tỏ: "Hiện TP có khoảng 50 nhóm lớp chưa được cấp phép đang cùng gánh việc nuôi dạy trẻ. Nếu đóng cửa các cơ sở này, chúng tôi sẽ bị áp lực từ phía người dân. Thực tế đã có nơi UBND phường, xã bị hăm dọa rằng nếu đóng cửa các cơ sở giữ trẻ, người dân sẽ bế con lên gửi cán bộ phường xã giữ giúp".

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận: Nhu cầu gửi con của người dân hiện nay quá lớn. Trong vai trò quản lý, không thể đặt ra mục tiêu cầu toàn là xây dựng đầy đủ các cơ sở giáo dục hoàn thành hết ba nhiệm vụ của giáo dục MN là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Đặc biệt, đối với những địa phương còn quá khó khăn, chỉ có thể đặt ra yêu cầu nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, mỗi phường, xã nên phấn đấu xây dựng một trường MN công lập làm cơ sở nòng cốt.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Gia đình xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm: Từ năm 2012, Trung ương Hội đã triển khai thí điểm mô hình nhóm trẻ cộng đồng, huy động nhiều đơn vị, lực lượng trong xã hội cùng chung tay chăm lo cho trẻ MN. Cụ thể, Hội đã chọn hai nhóm trẻ Hoa Mai ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và nhóm trẻ Hoàng Yến ở P.Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương làm thí điểm. Đó là hai nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động do còn thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất. Sau hơn sáu tháng huy động nguồn lực đóng góp từ các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, đến nay hai nhóm trẻ đã hoàn thiện các điều kiện và được cấp phép hoạt động. Từ con số chỉ hơn 46 trẻ thời điểm trước khi được cấp phép, đến nay số trẻ được nuôi giữ tại đây đã hơn 160 bé, trong đó có 110 bé trong độ tuổi 6-36 tháng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao mô hình nhóm trẻ cộng đồng, đồng thời khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung, chỉnh sửa quy định về yêu cầu quản lý đối với bậc MN như phân tầng quy mô các nhóm trẻ, quy định số lượng trẻ tối đa và tối thiểu cho một nhóm trẻ tư thục, nâng cao yêu cầu về trình độ tối thiểu đối với chủ các cơ sở MN ngoài công lập từ THCS lên THPT, bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi cho giáo viên các trường ngoài công lập…

 Thanh Thanh - Gia Tuệ 

Sở GD&ĐT TP.HCM đang xây dựng đề án về chế độ chính sách hỗ trợ cho giáo viên ở các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo. Theo đó, đối với giáo viên, cán bộ, công nhân viên ở các cơ sở nhà trẻ có hệ số lương dưới 2.67 sẽ được đề xuất trợ cấp định mức 0.5-1.0/tháng (hệ số 1.0 tương đương 1,15 triệu đồng). Để đạt được hệ số lương 2.67, giáo viên nhà trẻ, MN phải tốt nghiệp đại học, làm việc được hơn 5 năm, với người tốt nghiệp bậc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phải làm việc được sáu-bảy năm. Mức lương đối với giáo viên nhà trẻ, MN khoảng hai-ba triệu đồng/tháng, bảo mẫu một-hai triệu đồng/tháng và bảo vệ khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng.

TP.HCM hiện có 34.000 giáo viên, nhân viên ở các trường MN, nhà trẻ công lập và ngoài công lập. Theo đề án mới, giáo viên, nhân viên trường công lập và ngoài công lập đều được hỗ trợ.

TP.HCM đang có suất đầu tư hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/trẻ/năm đối với nhà trẻ (trẻ 6 - 36 tháng tuổi) và khoảng 6,5 triệu đồng/trẻ/năm đối với MN (từ ba-năm tuổi). Đề án mới dự kiến cũng sẽ đề xuất tăng mức hỗ trợ này gấp hai-ba lần đối với nhà trẻ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI