Nhân rộng mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải ở 12 tỉnh thành vùng ĐBSCL

25/10/2024 - 10:24

PNO - Ngày 25/10, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa sản xuất tại vùng ĐBSCL những năm gần đây ổn định khoảng 24 -25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa cả nước và chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu; tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp.

Bộ NN-PTNT sẽ nhân rộng mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải ở 12 tỉnh thành vùng ĐBSCL
Bộ NN-PTNT sẽ nhân rộng mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải ở 12 tỉnh thành vùng ĐBSCL

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương và Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm của đề án trên ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.

Trong đó, 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu năm 2024 có kết quả tích cực, giảm chi phí 20-30%, tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 trên 1 ha; tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg so bên ngoài. Kết quả thí điểm trên đã tạo khích lệ lớn cho nông dân và HTX tin tưởng, tích cực tham gia đề án.

Trên cơ sở triển khai các mô hình thí điểm, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương và các chuyên gia quốc tế xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải phù hợp với các quy chuẩn quốc tế, để có cơ sở khoa học, áp dụng đo đạc cho toàn diện tích tham gia đề án.

Từ kết quả bước đầu khả quan của các mô hình thí điểm, với sự phấn khởi và đồng tình ủng hộ của nhiều hộ nông dân, HTX trồng lúa trong khu vực, Bộ NN-PTNT đã thống nhất sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải ở 12 tỉnh thành vùng ĐBSCL, áp dụng ngay trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025…

giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng,
Đề án 1 triệu ha lúa đã giúp nông dân Hậu Giang thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng...

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai đề án là 28.000ha; đến năm 2030 sẽ tăng diện tích lên 46.000ha.

Mặc dù mới được thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con, người tiêu dùng và môi trường...

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI