Nhan nhản mỹ phẩm dành cho trẻ em

12/03/2015 - 07:19

PNO - PN - Gần đây, nhiều phụ huynh có xu hướng “trang bị” cho con trẻ quá mức. Mẹ dùng cái gì thì cũng sắm cho con tương ứng, điển hình là nước hoa và một số loại mỹ phẩm như son môi, kem dưỡng thể…

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhan nhan my pham danh cho tre em

Nước hoa, son môi, kem dưỡng thể... dành cho trẻ được bán khá nhiều trong các cửa hàng và trên mạng. - Ảnh: Phùng Huy

Chị Hoa (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua một chai nước hoa cho bé hiệu Rassal Rabbit, giá 120.000đ, trong cửa hàng dành cho mẹ và bé trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1. Sản phẩm được đóng gói đẹp mắt với hai lớp hộp giấy và ni lông. Tuy nhiên, mở bao bì, kéo chai nước hoa ra khỏi hộp thì hàng chữ Rassal Rabbit được in trên thân chai đã bong đi ít nhiều. Dù chưa xịt nhưng mùi hương tỏa ra mỗi lúc một nồng và gây khó chịu, nắp chai móp méo, cong vênh. Chị hoang mang: “Sản phẩm như vậy dùng cho người lớn chưa biết có được hay không, huống hồ là trẻ em!”.

Từ nước hoa đến son môi, kem dưỡng thể…

Gần đây, nhiều phụ huynh có xu hướng “trang bị” cho con trẻ quá mức. Mẹ dùng cái gì thì cũng sắm cho con tương ứng, điển hình là nước hoa và một số loại mỹ phẩm như son môi, kem dưỡng thể…

Có cầu ắt có cung, trong các cửa hàng mẹ và bé hiện rất đa dạng các sản phẩm (SP) “làm đẹp” cho trẻ. Tại cửa hàng mà chị Hoa đã mua, có đến năm loại nước hoa khác nhau dành cho trẻ, hầu hết là hàng ngoại xách tay, không có thông tin tiếng Việt. Người viết xem kỹ loại nước hoa tên Rassal Rabbit, thấy SP có sự mập mờ về thông tin. Trên hộp giấy đựng SP mặc dầu có dòng chữ rất to là “không chứa cồn” (without alcohol), song ở mục thành phần lại có Sd alcohol (alcohol denat). Mặt trước ghi dòng chữ France (Pháp) nhưng mặt sau lại in hàng loạt chữ Trung Quốc. Rốt cuộc, người mua không biết được đó là SP của nước nào, còn nhân viên bán hàng thì khẳng định “hàng xách tay từ Pháp về”.

Một cửa hàng chuyên về nước hoa trên đường Hàn Hải Nguyên (Q.11, TP.HCM) có dòng nước hoa dành cho trẻ em tên Kaloo, với phần nắp có gắn hình các con thú như gấu, thỏ, cực kỳ bắt mắt, dung tích 100ml; nhiều mùi khác nhau như cam bergamot và quýt, hoa cam, hoa kim ngân, xạ hương. Theo thông tin in trên bao bì, SP có xuất xứ từ Pháp. Giá mỗi chai chỉ 180.000đ, đang trong thời gian khuyến mãi nên còn 160.000đ. Chủ cửa hàng còn cho biết sẽ chiết khấu thêm 45% cho người mua sỉ, đồng thời tiết lộ thêm rằng “đây là hàng nhái”. Theo đó, giá bán sỉ mỗi chai Kaloo chỉ còn 88.000đ. Nếu thế, giá trị thực tế của mỗi chai nước hoa là bao nhiêu và chẳng ai biết rằng người ta đã bỏ những thứ gì trong đó!

Tại Kids Plaza (Lê Hồng Phong, Q.10) có bán loại nước hoa tên Chicco, nhập khẩu từ Ý, dung tích 100ml, giá 265.000đ/chai. Nhân viên ở đây giới thiệu, loại này rất an toàn cho bé vì chứa hương tự nhiên, không hóa chất, "người ta mua rất nhiều". Đây là loại được bán phổ biến ở rất nhiều cửa hàng khác, một số nơi bán với giá 245.000đ/chai.

Ngoài hàng chục loại nước hoa, cửa hàng trên mạng Tuti Care còn có bán các loại son dưỡng môi giá từ 70.000-131.000đ/tuýp; gần chục loại kem dưỡng da từ 115.000 - 465.000đ; kem chống nắng có giá từ 135.000 - 235.000đ; và cả muối tắm cho bé. Tất cả đều được giới thiệu là hàng nhập ngoại từ Nhật Bản, Nga, Đức, Ý hoặc Pháp.

Nhan nhan my pham danh cho tre em

Một sản phẩm nước hoa dành cho trẻ em, nắp bị cong vênh, nhãn hiệu bong tróc được bày bán trên thị trường - Ảnh: Phùng Huy

Trẻ dễ bị dậy thì sớm, vô sinh...

BS Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cảnh báo: “Không ít trường hợp mẹ đưa bé đến khám trong tình trạng vùng da của bé, nơi tiếp xúc trực tiếp với nước hoa, đặc biệt là hai bên nách và sau tai, bị kích ứng với biểu hiện ngứa, đỏ hoặc nổi hồng ban, bọng nước do bị viêm da tiếp xúc”. Theo BS Minh, trường hợp bị kích ứng, dù được điều trị, bé vẫn sẽ bị tăng sắc tố sau viêm. Những vùng da đó sẽ trở nên sậm màu hơn và mất thời gian rất lâu để có thể sáng trở lại. Nguy hiểm hơn, khi bị viêm da tiếp xúc, nếu không ngưng dùng, bé ngứa, gãi nhiều lần thì có nguy cơ bị bệnh chàm tiếp xúc (da khô, đỏ, dày sừng, tróc vảy, dễ nhiễm trùng, đau đớn, ngứa ngáy…). Ngoài ra, đối với loại nước hoa xịt, trẻ cũng có nguy cơ bị dị ứng mũi hoặc lên cơn hen suyễn.

“Các phụ huynh nên biết rằng mồ hôi của trẻ em chủ yếu là thành phần nước chứ không có chất bã nhờn như người lớn. Theo đó, dù đổ mồ hôi rất nhiều nhưng cơ thể trẻ không bị hôi như người lớn (vì vi khuẩn không hoạt động). Mặt khác, mỗi đứa trẻ thường đã có mùi thơm rất riêng của trẻ con. Thế nên, chỉ cần tắm rửa sạch sẽ, cho bé mặc trang phục thoáng mát, lau mồ hôi cho trẻ chứ đừng lạm dụng nước hoa” - ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM lý giải.

Hầu hết các loại nước hoa cho trẻ em thường ghi chú rằng SP không chứa cồn hoặc hoàn toàn thiên nhiên như một bảo chứng rằng “SP rất an toàn cho trẻ”. Tuy nhiên, thực chất, theo TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM, trong bất kỳ loại nước hoa nào cũng luôn bao gồm ba thành phần chính là mùi hương, dung môi để hòa tan mùi hương (thường dùng hóa chất gốc cồn hoặc rượu) và chất định hương (giữ cho hương thơm lưu lâu hơn, tỏa chậm và ít hơn).

Trong đó, mùi hương có thể từ thiên nhiên hay hóa chất tổng hợp, song dung môi và chất định hương thì luôn là hóa chất tổng hợp. Thành phần quan trọng quyết định giá thành của SP cao hay thấp chính là chất định hương (có thể là một hoặc nhiều chất với tỷ lệ phối trộn khác nhau, thuộc về bí quyết công nghệ). Điều quan trọng là tất cả các thành phần đều có thể gây kích ứng, tùy vào cơ địa mỗi người, song nếu càng lẫn nhiều tạp chất thì càng dễ gây kích ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng càng nhiều.

Người dùng cần lưu ý rằng, thành phần dung môi có thể không phải gốc cồn (như nhiều loại nước hoa trẻ em đã thông tin) nhưng bắt buộc phải có trong nước hoa và có thể từ nhiều loại hóa chất khác. Đối với hàng kém chất lượng, giá rẻ, nguồn gốc bất minh, rất nhiều khả năng thành phần dung môi sẽ bị lẫn các tạp chất như methanol, aldehyde… có thể gây kích thích, tổn thương đường hô hấp khi hít vào; về lâu dài sẽ có nhiều nguy cơ gây ung thư các cơ quan hô hấp như xoang mũi. Nhiều kim loại nặng hoặc phthalate là những tạp chất dễ xuất hiện trong thành phần định hương. Tùy loại kim loại sẽ có những tác động xấu cụ thể đến sức khỏe, nhưng riêng phthalate sẽ gây ức chế hormone sinh dục, rối loạn nội tiết khiến trẻ bị dậy thì sớm hoặc vô sinh về sau.

Cơ quan hô hấp của trẻ em vốn chưa hoàn thiện, niêm mạc hô hấp của trẻ rất nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài. Với môi trường không khí ô nhiễm như hiện nay, mỗi năm trẻ đã phải chịu rất nhiều lần đi bệnh viện vì viêm đường hô hấp. Do vậy, tất cả các chuyên gia đều khuyên rằng “đừng làm trầm trọng thêm những bệnh hô hấp của trẻ bằng việc dùng nước hoa cho trẻ”.

Đối với các loại mỹ phẩm cho trẻ em như đã kể ở trên, chỉ nên dùng trong một số trường hợp cần thiết. Cụ thể, theo TS Lê Ngọc Diệp, bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM, kem chống nắng dùng được cho trẻ sau sáu tháng tuổi và chỉ dùng khi trẻ hoạt động ngoài trời nắng gắt (như đi tắm biển, dã ngoại). Sữa dưỡng ẩm được phép dùng cho những trẻ bị chàm thể tạng hoặc da quá khô, nứt nẻ do thời tiết; tránh lạm dụng vì sữa dưỡng thể vẫn là hóa chất, có thể gây kích ứng hoặc gây bít tắc lỗ chân lông, viêm tuyến mồ hôi, viêm da. Không nên dùng son dưỡng môi cho trẻ; trường hợp môi trẻ bị khô, nứt chỉ cần dùng vaseline là đủ hiệu quả và an toàn.

 AN HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI