Chất lượng bánh trung thu “nhà làm” quá tệ
Mùa Trung thu năm nay xuất hiện khá nhiều dòng bánh homemade (nhà làm) với chủng loại, hình thức khá đa đạng. Ngoài các loại bánh nướng, dẻo truyền thống, nhiều cá nhân chào mời dòng bánh trung thu lạnh, bánh trung thu rau câu và bánh đa sắc màu, được dân mạng ví như bánh “fondant” (kẹo đường). Loại này như những khối kẹo cứng được tạo hình, tô vẽ màu sắc lòe loẹt.
Nhiều người bán dòng bánh này giải thích, khách hàng là trẻ nhỏ nên bánh càng nhiều màu sắc, tạo hình bắt mắt càng thu hút các em. Tuy nhiên, dòng bánh này cũng gây lo ngại do bị nghi dùng phẩm màu để chế biến. Nhiều khách hàng đã dẫn chứng việc mình chứng kiến phẩm màu dùng làm bánh trung thu được chiết trong các lọ nhỏ như chai thuốc nhỏ mắt. Những người bán loại bánh này cũng chỉ đảm bảo miệng, kiểu như “không dùng phẩm màu trôi nổi, dùng màu tự nhiên từ bột trà xanh, hoa đậu biếc, tinh than tre, bột lá nếp, lá cẩm, gấc, khoai lang tím, củ dền, ca cao, bột gạo đỏ”.
Riêng với loại bánh lạnh, người bán giải thích, bánh được làm từ loại bột đặc biệt, được bảo quản lạnh. Bánh dẻo và thơm nhờ được để lạnh lâu, thời hạn sử dụng từ 20 - 25 ngày; bánh tươi chỉ dùng trong 5 - 7 ngày. Tên bánh gọi theo màu sắc và nguyên liệu của bánh, như xanh nõn chuối nhân lá dứa, hồng nhân đậu đỏ, trắng ngà nhân bắp, đen nhân mè đen… Giá bánh trung thu “nhà làm” dao động từ 45.000 - 65.000 đồng/cái.
|
Bánh trung thu Trung Quốc được nhiều shop cho là xách tay từ Đài Loan về |
Nhiều khách hàng mua loại bánh này theo lời quảng cáo hoặc theo mối quen biết, bạn bè giới thiệu, ít ai quan tâm đến chất lượng sản phẩm, thông tin nhãn sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng; chất lượng bánh, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó thẩm định.
Bánh Trung Quốc cũng mập mờ về nguồn gốc
Hiện nhiều trang mạng rao bán loại bánh trung thu ngàn lớp nhân trứng muối chảy, có tên Liu Xin Su. Loại này vỏ bánh giòn, bên trong có lớp mochi dẻo, trong cùng là trứng muối chảy nên nhiều người gọi là “bánh trung thu tan chảy”. Nhân là trứng muối từ vịt biển, mặn như trứng muối, béo nhưng không tanh. Giá bán thì vô chừng, nơi rao 110.000 đồng/hộp, nơi rao 220.000 đồng/hộp 6 cái, 330g. Nơi bán giá cao thì cho rằng, những nơi bán giá thấp là hàng nhái, kém chất lượng.
Bánh trung thu Trung Quốc cũng được bày bán ở nhiều cửa hàng. Tại Châu Minh Phan shop (711 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), các loại bánh trung thu chất đầy kệ. Ngoài dòng chữ Liu Xin Su, thông tin trên vỏ hộp hoàn toàn bằng tiếng Trung, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Nhân viên bán hàng cho biết, Liu Xin Su là hãng bánh nổi tiếng tại Đài Loan, sản phẩm là hàng xách tay. Theo một đầu nậu chuyên phân phối loại bánh này, khách có thể mua số lượng bao nhiêu cũng có.
Tại NaNa store (đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM), chủ cửa hàng khẳng định, Liu Xin Su chỉ là tên gọi bánh trung thu chứ không phải thương hiệu. Nhiều nơi quảng cáo bánh được sản xuất tại Đài Loan nhưng bánh có nguồn gốc từ Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là bánh nội địa Trung Quốc, được người dân Đài Loan và Singapore ưa chuộng. Trên các trang thương mại điện tử như Shoppee, Lazada, Sendo, chủ một số shop cũng ghi bánh có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng cũng có shop giới thiệu bánh này thuộc hệ thống No Brand - một thương hiệu bánh nổi tiếng tại Hàn Quốc.
Cầm vỏ hộp bánh và nhờ một chủ doanh nghiệp người Hoa dịch thông tin trên vỏ hộp, chúng tôi được biết, loại bánh này do Công ty mậu dịch Minh Thành tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc sản xuất nhưng không có địa chỉ công ty. Vị giám đốc này nhờ một số người bạn tại Nam Ninh tìm hiểu thì được biết, trong các hồ sơ đăng ký sản xuất bánh trung thu, không có doanh nghiệp nào tên Minh Thành. “Nếu có người thân đi du lịch Trung Quốc và đem bánh trung thu về tặng thì đó mới là bánh chất lượng, do công ty có uy tín sản xuất, còn bánh được rao bán trên mạng là bánh làm nhái hoặc bánh cũ, thông tin trên bao bì đều là giả” - vị giám đốc này khẳng định.
Kiểm chặt đến đâu?
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM - cho biết, muốn bán ra thị trường, bánh trung thu phải đáp ứng các quy định về điều kiện vệ sinh ATTP, truy xuất được nguồn gốc để chịu trách nhiệm với người tiêu dùng và thậm chí nơi bán phải đóng thuế chứ không được phép tự ý bán tràn lan.
“Bánh nhà làm thì để nhà ăn hoặc biếu tặng người thân, bạn bè chứ bán mà chưa đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định là vi phạm pháp luật. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định vì đã bán sản phẩm thì phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng” - bà Lan nói.
|
Loại bánh trung thu tan chảy nhập từ Trung Quốc xuất hiện khá nhiều thời gian gần đây |
Tuy nhiên, thực tế, cơ quan nhà nước vẫn chưa có cách quản lý hiệu quả bánh trung thu “nhà làm” bán trên mạng vì họ không có điểm tập kết, số lượng hàng nhỏ lẻ. Bà Lan cho rằng, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình trước, chỉ nên mua bánh từ những thương hiệu uy tín, có cửa hàng đàng hoàng, không nên mua sản phẩm không có bao bì, nhãn mác.
Tổng cục Quản lý thị trường vừa có công văn yêu cầu các cục quản lý thị trường tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau tết Trung thu năm 2019, bao gồm việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa… để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng ATTP.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, phát hiện một xe tải chở nhiều thùng các-tông chứa 300 cái bánh ngọt nhân trứng, nhãn hiệu Zhishi Liuxinsu, 820 cái bánh dẻo Mashu, toàn bộ do Trung Quốc sản xuất, lô hàng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, đã chỉ đạo cục quản lý thị trường các tỉnh biên giới và các tỉnh, thành phố dọc tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn, bánh trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm ATTP thông qua việc lấy mẫu bánh, chỉ định để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn tương ứng.
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa
Hiện nguyên liệu làm bánh trung thu tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) có đủ giá, chủng loại nhưng xuất xứ rất mơ hồ. Chẳng hạn, bột mì được bán dưới dạng hàng xá, chỉ đựng trong bao lớn không nhãn mác, không xuất xứ, hạn dùng. Các nguyên liệu làm nhân bánh như mứt bí, mứt chanh, mứt tắc, mè, hạt dưa tách vỏ, hạt bí, hạt điều cũng đựng trong bao ni-lông trắng loại 10 - 20kg, hoàn toàn không có thông tin của nhà sản xuất, giá chỉ 45.000 - 110.000 đồng/kg.
Nhiều sạp bán các loại nhân bánh làm sẵn như khoai môn, đậu xanh, sầu riêng, trà xanh, dâu tây, mè đen, cà phê hoặc combo nhân bánh đóng gói sẵn gồm trứng vịt muối, hạt dưa, bí, sen, lạp xưởng, mỡ đường, bột nếp với giá rất rẻ, chỉ khoảng 70.000 - 100.000 đồng/kg, đủ để làm vài chục cái bánh. Nếu bánh “nhà làm” sử dụng các loại nhân này rồi quảng cáo 100% tự nhiên, không chất bảo quản, người tiêu dùng cũng không thể kiểm chứng.
|