Nhân ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12: Chị em tôi là cựu chiến binh

22/12/2017 - 06:00

PNO - "Sau nầy khai lý lịch, cô bỏ khúc đó coi như…chưa có gì. Có người nói cô dại. Dại gì đâu, làm cách mạng là làm cho đất nước mà kể công từng chút, từng chút khó coi lắm cháu à".

Trong ngôi nhà nho nhỏ nép mình dưới tán cây me già đối diện Phòng Văn hóa thể thao huyện Bến Cầu (khu phố 1, thị trấn Bến Cầu) là nhà của cô Phạm Thị Mai (Năm Mai, sinh năm 1944), nguyên Phó chỉ huy quân sự huyện, nguyên Phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện Bến Cầu của những năm 1967-1986.

Ngồi cạnh cô Năm Mai là người chị ruột tên gọi Phạm Thị Le (Hai Le, sinh năm 1937). Cô Hai đang bưng ly sữa trao cho em gái kèm lời dịu dàng “Uống liền đi cho còn nóng”.

Nhan ngay Quan doi nhan dan Viet Nam 22/12: Chi em toi la cuu chien binh
cô Năm (trái) và cô Hai tuổi 70-80 vẫn bên nhau

Cô Năm Mai vừa phẫu thuật K thực quản hồi tháng 2. 2017 nên việc ăn uống hãy còn yếu. Thường ngày chỉ ăn cháo, uống sữa hoặc ít cơm nấu nhão mà thôi.

Tôi thưa “Cháu nghe kể, cô Năm mười bảy tuổi đã cầm súng, cái đầu của cô từng “được” chính quyền Mỹ Ngụy treo giá 25.000 đồng thời điểm 1965. Vậy còn cô Hai lúc đó làm việc gì ạ?”.

“Ôi…chị ấy tham gia cách mạng còn trước cô nữa đó. Nhưng chỉ đi dân công hỏa tuyến thôi. Đi một đợt hơn tháng thì về phụ ba mẹ làm ruộng ít tháng rồi lại đi nữa. Bây giờ, bả thương binh 4/4 lương tháng hơn triệu đồng”.

Cô Hai cười móm mém “Kể làm gì vậy hôn? Hồi đó thanh niên nam nữ nào lớn lên cũng vậy cháu à. Không đi cách mạng ở nhà cũng chết vì bom rơi đạn lạc, đi hên thì được sống, hoặc sẽ được hiến dâng thân thể mình cho Tổ quốc. Chồng cô cũng từng là bộ đội nhưng ông mất chục năm nay. Cô có ba con gái, giờ sống với đứa út. Tuổi già hết việc làm nên chiều chiều hay thả bộ đi chơi. Nửa năm nay con Năm nó mổ xong nằm nhà buồn nên cô qua cho có chị có em”.

Giọng cô Năm còn yếu do phải cắt mất một đoạn thực quản nhưng khi nhắc chuyện xưa thì ký ức hào hùng bỗng trỗi dậy qua lời kể:

- Cô tham gia công tác lúc 15, 16 tuổi. Năm đó xã Lợi Thuận mới được giải phóng, lâu lâu địch lại kéo quân lên càn, đánh chiếm. Con nít biết gì đâu. Thôi coi như đi làm dùm mấy chú, mấy anh thôi mà.

- Cụ thể là làm gì ạ? 

- Có làm gì đâu, chạy đằng này đến đằng kia. Từ nơi ông Hai chạy qua ông Ba nhắn giờ này họp ở đâu, giờ kia gặp nhau ở đâu. Năm 1959-1960 “nằm vùng”, đi rải truyền đơn cho mấy ổng. Sau Đồng khởi (1960) mình đâu đã ra mặt. Chú Năm Xê, chú Ba Bá thấy cô được việc thì giao nhiệm vụ liên lạc. Mình đi cấy, đi chăn trâu… tiện thì nhắn lời cho mấy ổng luôn. Sau nầy khai lý lịch, cô bỏ khúc đó coi như…chưa có gì. Có người nói cô dại. Dại gì đâu, làm cách mạng là làm cho đất nước mà kể công từng chút, từng chút khó coi lắm cháu à.

Cô Năm Mai kể, cô chính thức tham gia công tác từ năm 1961. Năm đó, bộ đội huyện phối hợp với du kích đánh tan đồn Lợi Thuận, xã được giải phóng. Chi ủy xã chọn một số nhân tố tích cực, cho đi bồi dưỡng, huấn luyện ít ngày rồi phân công công tác. Cô Năm  thoát ly gia đình luôn năm đó. Ban đầu phụ trách thanh niên, rồi năm sau cùng chị em bên phụ nữ đi vận động thanh niên tòng quân tham gia lực lượng vũ trang cách mạng.

Được một năm chi ủy lại điều cô sang Hội phụ nữ. Rồi thời gian 1967-1976 nhận nhiệm vụ Chỉ huy phó huyện đội Bến Cầu. Sau về làm bí thư xã Lợi Thuận rồi lại được điều về giữ chức Phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện Bến Cầu đến năm 1993 mới nghỉ hưu.

Chồng cô Năm cũng là một cựu chiến binh. Hai cô chú có được ba người con. Cô gái lớn làm bác sĩ ở thành phố HCM, cô gái giữa làm việc ở Công an tỉnh Tây Ninh và cậu trai út nối nghiệp gia đình nên hiện là sĩ quan tại Ban chỉ huy quân sự huyện Bến Cầu.

Năm 2014, ở tuổi 70 ông đã bị tai biến nhưng nhờ sự chăm sóc ân cần của vợ, ông đã đi lại được.

- Lúc đó chiều chiều đẩy xe lăn hoặc dìu ổng đi ra đường đó nghen, ai cũng nói cô bảy mươi sao mà còn khỏe dữ! Nhưng có lẽ cái tình cái nghĩa vợ chồng cần thương yêu lo lắng cho nhau lúc ốm đau nên mình khỏe hơn đó cháu. Chứ ngần tuổi đó sao mà khỏe như 40-50 được. Như mấy nay trở gió nè, ổng ho sốt nhiễm siêu vi phải đi nằm bệnh viện nhưng cô vầy không đi nuôi được, buồn lắm.

Cô Hai lại nắm tay cô Năm an ủi:

- Thôi mà, buồn gì. Mình không đi được chứ có phải không đi đâu. May mà thằng trai út làm gần nhà nên nghỉ phép vô bệnh viện nuôi ba nó đó cháu.

Bóng chiều đã trở lạnh, tôi phải giã từ hai cô vì đường trở về hơn 50km nhưng cứ nhìn hai mái tóc cước trắng của tình chị em bên nhau từ đầu xanh chung chí hướng đến hoàng hôn đời người vẫn song đôi mà không khỏi thầm cảm phục.

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI