Nhận mà, có cho đâu!

07/11/2020 - 17:30

PNO - Miễn còn những thương yêu tình nghĩa, những can trường gan góc sẽ luôn lao xao không bao giờ dứt ở mảnh đất này. Con người xứ mình rồi sẽ vượt qua thôi.

Hơn mười ngày nay, khi đồng bào mình chìm trong cơn lũ ngầu đục, là cũng ngần ấy ngày bao trái tim chìm trong quá nhiều cảm xúc. Và cách tất cả đương đầu với thảm họa khiến chúng ta tin tưởng biết bao vào sự hiện hữu của những điều kỳ diệu. Tựa cảm giác ngước nhìn cầu vồng rạng rỡ sau cơn mưa.

Tôi nghe câu chữ “máu chảy ruột mềm” vang rõ, thiết tha. Hờn trách một chút mưa chút nắng, đưa tay bật vòi nước máy chảy hay chút uể oải chán chường vừa định buông ra đã kịp khựng lại vì như chạm phải hòn than nóng. Đó là lúc tôi nghĩ đến biết bao đồng bào mình ngoài kia trở về ngôi nhà chắt chiu một đời giờ chỉ còn là đống đổ nát. Biết bao giọt nước mắt đã rơi cho những sinh ly tử biệt mà mới hôm qua vẫn chưa từng hiện diện dẫu trong ý nghĩ. Biết bao bàn chân đỏ hồng mỏng manh của trẻ con sẽ đặt trên con đường sình lầy mà tiếp tục đến lớp. 

Những yêu thương, những tấm lòng luôn hướng về nhau vốn là một đặc tính quý báu của con người trên dải đất hình chữ S này - Ảnh: ngọc Dương
Những yêu thương, những tấm lòng luôn hướng về nhau vốn là một đặc tính quý báu của con người trên dải đất hình chữ S này - Ảnh: Ngọc Dương

Rồi không ai bảo ai, bởi tình yêu thương và cách thức để yêu thương ai đó có bao giờ cần bảo ban đâu, như vết dầu loang, từng chắt chiu, từng gói ghém được nâng niu gửi đi, hướng về đồng bào trong cơn thắt ngặt. Một cái dang tay trên đời lúc bước chân tứ phía chỉ thấy toàn vực sâu rừng thẳm lớn đến thế nào - có lẽ không cần phải nói nhiều. Những vòng tay ấy vượt rất xa cái giá trị vật chất vốn dễ đong đo. 

Không ai và cũng không gì có thể ngăn được tiếng bí gọi bầu, ngăn được lòng trắc ẩn, lòng thương. Và rồi, những bàn tay khô kiệt đưa ra nhận lấy tấm bánh, bọc đồ của đồng bào cả nước mà mắt ngần ngật ướt. Những nụ cười vẫn nở trên khuôn miệng héo hắt: “May mà còn sống sau lũ quét, còn người còn của thôi”. Những khách sạn miễn phí cho đoàn người đi cứu trợ. Những mệt nhoài sau chuyến đi dài, mà tay vẫn gõ phím với nụ cười rạng rỡ “Đi thăm đồng bào về mà hạnh phúc quá mọi người ơi” là gì vậy? Chúng ta đi “cho” hay chúng ta đi “nhận”? Chúng ta đi giúp người, đi yêu thương người hay là dọn dẹp cho gọn ghẽ cái hạn hẹp của mình? Đi mở rộng tầm mắt về lẽ nhân sinh, đi nhặt bài học về yêu thương, về lạc quan, bản lĩnh đối đầu với bất trắc, tai ương?

Hóa ra chúng ta đi nhận chứ nào phải cho. Hóa ra chúng ta được nhiều hơn chúng ta tưởng.

Tôi tin những bước chân trầm mình trên con đường ngập ngụa nước đi thăm đồng bào rồi sẽ không ngần ngại những viên đá, ổ gà nào nữa. Tôi tin giọt nước mắt rơi khi nhìn thấy những đứa trẻ hanh hao tím ngắt ngồi xổm trên nóc nhà sẽ rửa đi ít nhiều buồn tủi thầm kín đã từng chất chứa trong lòng mỗi người. Sẽ thấy mình đã được yêu thương bảo bọc đến thế nào, để nằm lòng bài học biết ơn. Tôi tin những hoang tàn đổ nát, những bàn tay chai sạn nhặt nhạnh từng thanh gỗ còn sót để dựng lại cái chuồng gà, góc bếp, ngôi nhà trên đường mình đi “cứu trợ” ấy đã “cứu trợ” những nỗi buồn phù phiếm vu vơ - về những nhàm chán công việc, những thất bại trắng tay, những phút giây muốn mặc kệ mọi thứ đã từng manh nha trong chúng ta.

Khi tôi ngồi viết những dòng này, các bạn tôi vẫn còn miệt mài: người thì bán sách, người đi mua tập, người giặt giũ khâu vá những tấm áo cho tinh tươm lành lặn. Ai nấy rạng rỡ hạnh phúc như làm cho chính mình, cho người mình yêu thương nhất. Khi tôi viết dòng này, em tôi từ xa xôi gửi về một tin nhắn: “Cho em góp chút gì giúp đồng bào với!”.

Và khi tôi viết những dòng này cũng là tin về cơn bão số 9 - cơn bão mạnh nhất trong vòng hơn hai mươi năm qua đang ập vào mảnh đất gầy guộc miền Trung, khi vết thương hãy còn chưa kịp lành lặn, là tin dữ về trận sạt lở ở Nam Trà My, Quảng Nam khiến bao người bàng hoàng. Bất giác nghe cái lạnh giá của những cơn mưa tối trời tối đất ngoài kia như thể thấm vào thịt da mình. 

Lại sẽ là những gói ghém, những thương yêu đùm túm, những nhường cơm sẻ áo. Những cơ cực chưa bao giờ biến mất, như nắng như mưa, như ngày như đêm. Miễn còn những thương yêu tình nghĩa, những can trường gan góc sẽ luôn lao xao không bao giờ dứt ở mảnh đất này. Con người xứ mình rồi sẽ vượt qua thôi. 

Chân cứng ắt đá phải mềm! 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI