Văn hoá nghệ thuật năm 2022: Những điểm son

Nhân lực trẻ, mối quan tâm hàng đầu trong năm 2023

29/12/2022 - 20:21

PNO - TPHCM sẽ tiếp tục phát triển các sân chơi mang tính thương hiệu

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM): Thành phố sẽ tiếp tục phát triển các sân chơi mang tính thương hiệu.

Trong năm 2022, TPHCM đã tổ chức được nhiều chương trình âm nhạc cộng đồng như: Mùa thu mãi mãi, Thành phố tình yêu… phục vụ công chúng ở nhiều địa điểm. Không chỉ các đơn vị công lập, mà các chương trình còn thu hút nhiều nghệ sĩ ngoài công lập tham gia biểu diễn, tăng sự tương tác với công chúng. Thời gian tới, để mỗi hoạt động mang dấu ấn, phong cách rõ nét hơn, cần  tăng sự đầu tư về chất lượng nghệ thuật, nội dung. Hình thức biểu diễn phải phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao, đặc biệt với du khách.

Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò dô 2022 diễn ra tại TPHCM
Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò dô 2022 diễn ra tại TPHCM

Năm 2023, TPHCM sẽ tiếp tục phát triển các sân chơi mang tính thương hiệu như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô. Để thành phố thực sự trở thành một điểm đến thì phải có nhiều sản phẩm thu hút du khách. Ngoài những không gian âm nhạc cộng đồng, lễ hội giao lưu quốc tế hằng năm đã được ấn định thời gian thì thành phố có 19 sự kiện, lễ hội tiêu biểu, trải dài cả năm. Bên cạnh đó, phải có những sản phẩm được đầu tư quy mô vừa, chẳng hạn như À ố show. Sắp tới, thành phố sẽ có ít nhất 1-2 dự án như thế khi rạp Công Nhân được sửa chữa xong. Riêng tại Nhà hát TPHCM cũng có vở Sắc ấn ngọc nam phương của nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM. Hy vọng tất cả sẽ giúp cho thành phố có thêm nhiều thương hiệu.

Giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang Phan Quốc Kiệt:

Năm 2022, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã ra mắt chương trình Sân khấu Tài năng trẻ nhằm tạo sàn diễn phát huy lực lượng nghệ sĩ trẻ. Năm 2023, nhà hát tiếp tục phát triển chương trình này theo hướng không chỉ bồi dưỡng đội ngũ của nhà hát mà còn mở rộng quy tụ lực lượng từ bên ngoài, đem đến cho các bạn một sân chơi thực sự để rèn luyện và thể hiện tài năng, tạo được dấu ấn của mình. Chúng tôi đang tìm kiếm những kịch bản phù hợp nhất để dàn dựng cho Sân khấu Tài năng trẻ, sao cho các bạn trẻ có thể học hỏi và phát huy được năng lực của mình nhiều nhất. Bên cạnh đó, Sân khấu Tài năng thiếu nhi cũng được tiếp tục chăm lo, từ chương trình nhỏ, các em được tập làm quen và biểu diễn một vở sân khấu thực sự.

Phương pháp tổ chức, huy động lực lượng, tạo hiệu ứng lan tỏa… đều là những vấn đề cần phải tính toán lại để có hướng đi phù hợp, hiệu quả nhất.

Vở Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên, huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022, sẽ khởi động dự án cải lương tại Nhà hát Thanh Niên vào đầu năm 2023
Vở Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên, huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022, sẽ khởi động dự án cải lương tại Nhà hát Thanh Niên vào đầu năm 2023

Giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ:

Trong năm 2023, nhà hát tiếp tục các lớp đào tạo nghiệp vụ theo hướng dài hơi hơn, tập trung hơn. Các chương trình sân khấu học đường, sân khấu thiếu nhi sẽ giao cho các diễn viên trẻ làm nòng cốt. Trong năm 2023, theo kế hoạch, chúng tôi sẽ dàn dựng 2 vở đề tài lịch sử và sẽ tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ tham gia. Chủ trương của nhà hát là tạo điều kiện để các em học và hành, phải trực tiếp đứng sân khấu thì mới trưởng thành được.

Hiện nay, nguồn của chúng tôi vẫn là các học viên từ các môn nghệ thuật khác, nhất là cải lương, khi về với nhà hát sẽ được đào tạo lại. Về lâu dài, nhà hát đang xây dựng đề án liên kết mở lớp đào tạo hát bội chính quy để có lớp nghệ sĩ hát bội được đào tạo bài bản.

Giám đốc nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM Lê Ha My: HBSO luôn nỗ lực giúp những nghệ sĩ của mình phát triển. Các chuyến tập huấn nước ngoài dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn chỉ vài tháng cũng giúp các nghệ sĩ học hỏi và nâng cao trình độ. Chúng tôi cũng có ý tưởng đồng hành cùng Nhạc viện TPHCM xây dựng một dàn nhạc giao hưởng trẻ đưa hoạt động biểu diễn gắn với đào tạo. Từ đó, chúng tôi sẽ theo dõi và nhìn thấy được những nhân tố nổi bật để quan tâm, động viên, bồi dưỡng, định hướng kịp thời cho các em.

HBSO đã đề xuất với lãnh đạo TPHCM quan tâm hỗ trợ để đưa âm nhạc cổ điển vào học đường, từ đó xây dựng, bồi dưỡng, lan tỏa nhu cầu nghe nhạc cho người dân thành phố. Nhà hát cũng chuẩn bị nhiều phương án tiếp cận, thu hút công chúng trẻ như tổ chức các workshop tìm hiểu những điều thú vị về nghệ thuật hàn lâm, vốn được tổ chức thành công từ Liên hoan Giai điệu mùa thu 2022 vừa qua. HBSO cũng mong muốn tổ chức các chương trình hòa nhạc ngoài trời ở những không gian đẹp giữa trung tâm TPHCM, nơi người biểu diễn và người thưởng thức hòa cùng một không gian nghệ thuật thật gần gũi. Tôi tin rằng những chương trình hòa nhạc như thế sẽ là nét đẹp văn hóa mà người thành phố và cả du khách sẽ rất thích.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF: Năm 2023, chương trình “Ấn tượng 25 năm kịch IDECAF” sẽ tiếp diễn với các vở Bí mật vườn Lệ Chi, Tiên Nga, Ngàn năm tình sử Vua thánh triều Lê. Sau đợt diễn với ê kíp những nghệ sĩ gạo cội, quen thuộc, sẽ có một phiên bản mới dành riêng cho các nghệ sĩ trẻ và sẽ được bán vé giá rẻ hoặc biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên. Đây là cơ hội để các diễn viên trẻ có vai diễn hay, từ đó chứng minh năng lực.  Nhưng ngược lại, các bạn có thể chịu thiệt thòi bám trụ sân khấu mà không mải miết chạy theo những game show, chương trình truyền hình dễ kiếm tiền, dễ nổi tiếng hơn hay không? Sân khấu cần những người tài năng, nhiệt huyết và cũng biết hy sinh!

Ninh Lộc - Thành Lâm

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI