Nhân lực cho du lịch ĐBSCL: Thiếu và yếu

22/04/2013 - 20:19

PNO - PNO - Với thế mạnh về nông nghiệp, nền văn hóa đặc sắc Nam bộ và sinh thái sông nước, miệt vườn… ĐBSCL được xem như “điểm đến” hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Thế nhưng, trên thực tế du lịch (DL) nơi đây vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh, mà nguyên nhân chính là do yếu kém về nguồn nhân lực. Đó là nội dung được các đại biểu đánh giá tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nguồn nhân lực DL vùng ĐBSCL” do Bộ VHTT&DL phối tổ chức tại TP Long Xuyên (An Giang) vào ngày 22/4/2013.

Vốn một núi-túi chưa một đồng

Mở đầu Hội thảo, TS Nguyễn Văn Lưu (Vụ Đào tạo-Bộ VHTTDL) cho rằng, bên cạnh các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên DL tự nhiên và nhân văn, ĐBSCL còn có nguồn lực vô giá là dân số với gần 50% trong số 18 triệu dân nơi đây nằm trong tuổi lao động. Vì vậy, trong Chiến lược phát triển DL và Quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, ĐBSCL được xác định là một trong bảy vùng DL của quốc gia gắn với DL Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Nhan luc cho du lich DBSCL: Thieu va yeu

Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) được du khách trong và ngoài nước quan tâm,
nhưng do thiếu đội ngũ DL chuyên nghiệp nên thường vắng khách

Nếu năm 2000, chỉ có 5.956 lao động trực tiếp trong ngành DL, thì đến năm 2012, con số này đã lên đến 23.509 (tăng 3,95 lần). Đây là yếu tố quyết định cho sự phát triển của kinh tế, văn hóa-xã hội của vùng ĐBSCL, trong đó có DL. Tuy nhiên lợi thế này đang dần trở thành bất lợi khi phần lớn trong lực lượng này là lao động thời vụ và lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Theo PGS-TS Võ Văn Thắng (ĐH An Giang), báo cáo của Tổng cục DL cho thấy, tỷ lệ lao động có chuyên môn trong hoạt động DL chiếm 42,5%, đây là tỷ lệ rất thấp so với các nước trong khu vực. Trong đó, nguồn nhân lực DL ở ĐBSCL càng thấp hơn do những đặc điểm của nền DL còn non trẻ, thiếu chuyên nghiệp… Ông Thắng cũng cho biết, kết quả khảo sát tại BQL Dự án “Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng ở Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) cho thấy có 4/6 nhân sự có trình độ THPT, 1 có trình độ trung cáp du lịch và 1 đang học liên thông lên đại học và hầu hết đều có điểm chung là chưa qua các lớp đào tạo nghiệp vụ. “Chính vì vậy mà các kỹ năng quản lý và phục vụ khách du lịch của các thành viên còn nhiều hạn chế, thêm vào đó trình độ ngoại ngữ thấp càng tạo ra khó khăn trong giao tiếp và hướng dẫn khách nước ngoài”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đáng lo hơn khi nhiều đại biểu cho rằng, nạn thiếu chuyên nghiệp, chuyên môn không chỉ tồn tại trong đội ngũ lao động trực tiếp, mà còn thể hiện ngay trong đội ngũ cán bộ quản lý DL. Điều này cũng đồng nghĩa, DL ĐBSCL không chỉ đứng trước nguy cơ bất lợi trong cạnh tranh về chất lượng phục vụ mà còn đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực đến tầm nhìn trong chiến lược khai thác DL vốn đang ngày càng đòi hỏi tính cạnh tranh gay gắt trên phạm vi khu vực, quốc gia và quốc tế.

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Theo nhiều đại biểu, chất lượng nguồn nhân lực DL ở ĐBSCL đang đứng trước những thách thức hệ trọng và tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu. Lê Hồ Quốc Khanh, khoa DL (ĐH Văn hóa TP HCM) cho biết: Qua 9 năm (2001-2009) lượng khách DL đến ĐBSCL chỉ tăng 12,5%, thu nhập từ DL chỉ chiếm 3% so với cả nước. Đặc biệt là số ngày lưu trú của khách quốc tế chỉ bằng 1/10 so với bình quân cả nước. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này khi ĐBSCL thiếu hệ thống đào tạo tại chỗ. PGS-TS Võ Văn Thắng cho biết: “Hiện cả nước có hơn 40 trường ĐH có khoa, ngành đào tạo DL hoặc liên quan đến DL cùng 43 trường trung cấp DL và nhiều trung tâm đào tạo nghề DL. Tuy nhiên phần lớn các cơ sở này tập trung tại các thành phố lớn”.

Đồng tình với nhìn nhận này, Q. Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP HCM - ông Lê Văn Hùng nhấn mạnh thêm: ĐBSCL chưa có trường ĐH DL. Trong khi đó các trường ĐH, CĐ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề lại chưa đầy đủ về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị đào tạo và cơ sở thực hành các ngành nghề của DL”. Theo ông Hùng, đáng lo hơn là hiện nay vẫn chưa thiết lập được sợi dây liên kết giữa các cơ sở đào tạo DL tại ĐBSCL với các cơ sở đào tạo DL ở các thành phố trung tâm, cụ thể là TP HCM. Trong khi đó, do chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều doanh nghiệp DL rất ít quan tâm đến việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình. Thậm chí, ngay cả khi rất cần nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp mình, họ cũng không hề quan tâm đến việc đặt hàng, hoặc hợp tác khi cơ sở đào tạo lấy ý kiến để hoạch định chỉ tiêu, ngành đào tạo.

Vấn đề càng trở nên nan giải khi nguồn nhân lực đã thiếu này lại vướng phải nạn chảy máu chất xám về các thành phố lớn, các lĩnh vực "thời thượng" khác. Điều này có nhiều nguyên nhân: thu nhập vượt trội, môi trường làm việc chuyên nghiệp và quan trọng nhất là việc sử dụng thiếu hợp lý do ảnh hưởng tầm nhìn của cán bộ quản lý du lịch vùng ĐBSCL. Theo GS Nguyễn Văn Lưu (Vụ Đào tạo-Bộ VHTTDL), dự báo của Viện nghiên cứu phát triển DL (Tổng cục DL) cho thấy: đến năm 2020, nhu cầu nhân lực của ngành DL lên đến 207.900 người với đòi hỏi cao về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chuyên môn và nhất là tinh thần, thái độ phục vụ. Bởi ngay cả khi được đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo xứng tầm cho ĐBSCL, thì cũng khó có thể mang lại hiệu quả như mong đợi khi mà câu chuyện đào tạo đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu tốn khá nhiều thời gian…


LỤC TÙNG
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI