Nhân loại đang chạm đến ngưỡng cao nhất của tuổi thọ

12/10/2024 - 06:00

PNO - Tuổi thọ trung bình tăng lên trong quãng thời gian đó ở tất cả các nước. Sự gia tăng này phần lớn nhờ vào tiến bộ y học và công nghệ.

Kết quả một nghiên cứu vừa được công bố ngày 7/10 trên Tạp chí Nature Aging về việc xem xét dữ liệu tuổi thọ trung bình từ năm 1990-2019 tại những quốc gia có nhiều người sống lâu nhất gồm Úc, Pháp, Ý, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mỹ và Thụy Sĩ.

Theo đó, tuổi thọ trung bình tăng lên trong quãng thời gian đó ở tất cả các nước. Sự gia tăng này phần lớn nhờ vào tiến bộ y học và công nghệ. Đặc biệt trong thế kỷ XX, tuổi thọ đã tăng lên đáng kể từ những đổi mới trong xử lý nước sạch và kháng sinh. Một số nhà khoa học đã dự đoán sự gia tăng này sẽ tiếp tục khi các phương pháp điều trị, phòng ngừa và phát hiện tốt hơn đối với bệnh ung thư, tim và các nguyên nhân gây tử vong phổ biến khác.

Bà Jeanne Calment người Pháp từng sống đến 122 tuổi - Nguồn ảnh: AFP
Bà Jeanne Calment người Pháp từng sống đến 122 tuổi - Nguồn ảnh: AFP

Nhà nhân khẩu học James Vaupel khẳng định: hầu hết trẻ em sinh ra trong thế kỷ XXI sẽ sống tới 100 tuổi. Nhưng theo nghiên cứu mới, điều đó khó có thể xảy ra, vì tốc độ gia tăng tuổi thọ đang chậm lại trong những năm gần đây. Con người đã tiến gần đến giới hạn về tuổi thọ trung bình có thể đạt được.

Giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học S.Jay Olshansky (Đại học Illinois Chicago, Mỹ) - người đứng đầu nghiên cứu - dự đoán tuổi thọ trung bình tối đa sẽ vào khoảng 87 tuổi.

Kể từ khi trình bày lý thuyết cho rằng con người đã gần đạt đến giới hạn về tuổi thọ trung bình vào những năm 1990, nghiên cứu mới này của Olshansky đã cung cấp dữ liệu chắc chắn củng cố cho giả thuyết ban đầu của mình.

Theo ông, con người có thể sống lâu hơn một chút nhờ những tiến bộ y tế, nhưng ngay cả khi số ca tử vong do các bệnh thông thường hoặc tai nạn được loại bỏ, con người vẫn sẽ chết vì lão hóa.

Vì thế, theo Olshansky, điều duy nhất có thể kéo dài tuổi thọ một cách triệt để là các nhà khoa học phải phát triển một giải pháp can thiệp để làm chậm quá trình lão hóa.

Nhà khoa học Mark Hayward (Đại học Texas) gọi đây là “bổ sung có giá trị cho tài liệu về cái chết”. “Chúng ta đang đạt đến mức ổn định về tuổi thọ. Luôn có khả năng một số đột phá nào đó có thể đẩy khả năng sống lên tầm cao hơn, nhưng hiện tại chúng ta chưa có điều đó” - ông bình luận.

Nghiên cứu của Olshansky ghi nhận phụ nữ sống lâu hơn nam giới. Hầu hết những người trên 60 tuổi đang sống bằng “thời gian được tạo ra”, nghĩa là họ đang sống nhờ vào công nghệ y tế mới. “Chúng ta nên biết ơn những công nghệ kéo dài tuổi thọ này. Nếu không có chúng, cuộc sống của chúng ta sẽ ngắn hơn nhiều” - Olshansky giải thích.

Ông cũng cho rằng, con người không được tạo ra để sống lâu như hiện tại, vì tuổi thọ tự nhiên của con người là từ 30-60 năm mà thôi. Đại đa số những người đã qua tuổi 60 đang sống nhờ thời gian do y học tạo ra.

Theo Olshansky, các biện pháp can thiệp y tế để giảm thiểu bệnh tật có thể được coi là tạm thời. “Sống lâu hơn có nghĩa là chúng ta đang phải đối mặt với tác động bất biến của quá trình lão hóa sinh học - yếu tố đã trở thành nguy cơ chính gây tử vong ở các nước thu nhập cao” - ông nói.

Nam Anh (theo NY Times, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI