Tôi ở ngoài nước khi các tranh luận về phim Đất rừng phương Nam diễn ra căng thẳng. Nhiều người hỏi ý kiến nhưng tôi chưa được xem. Nay ra rạp xem, tôi bỗng thấy những tranh cãi sát thương kia không thích đáng với bộ phim nghiêm túc, dù có đôi sơ hở. Cái quan trọng là từ khúc mắc của một bộ phim, ta nhớ lại/nhìn thấy nhiều thứ lớn hơn của điện ảnh nước nhà.
Rất đông người dân tham dự đêm khai mạc Liên hoan phim Việt Nam tại Đà Lạt
Trò chuyện với một khán giả đưa cả gia đình đi xem phim Đất rừng phương Nam, anh nói các bé con anh rất thích thú cảnh sông nước và câu chuyện đánh Tây. Vợ chồng anh yêu cái đẹp của thiên nhiên, khí chất của con người, thấy yêu thương đất nước hơn. Tình cảm đó không độc quyền bởi ai. Anh chốt lại đây là bộ phim Việt đáng xem. Là người trong nghề, tôi cũng thấy phim đáng xem, như tôi từng nói vậy về phim Ròm hay Em và Trịnh. Xem phim của Quang Dũng tôi cảm kích sự công phu của ê-kíp, dù đôi chỗ sơ sịa. Ví như bối cảnh xưa mà vật liệu mới tăm tắp. Diễn viên Trấn Thành đóng Ba Phi tốt nhưng hóa trang dối khi da căng láng ghép chung bộ râu già. Với diện mạo tréo ngoe vậy, nói vui, Thánh cũng không xuôi huống chi Thành. Nhưng dẫu sao, đó cũng là những sơ sịa chuyên môn nhỏ, không đáng cớ mang ra nhiếc móc.
Những sơ hở khác của bộ phim hư cấu này thuộc về tiểu tiết, phương cách truyền thông nhưng phải chịu sự phê phán do ác cảm cá nhân, thái độ nâng quan điểm - những lăng kính ngoài nghệ thuật. Dùng hệ quy chiếu lịch sử, văn học, triết học để “xem phim” là tự do riêng. Thưởng thức nghệ thuật văn minh là tiếp nhận dư âm sau cuối của tác phẩm. Cái nhận được sau cuối của khán giả-tôi là đất phương Nam đẹp, người phương Nam hỗn tạp nhưng đồng bụng ghét Tây. Cuộc thưởng thức phim vì thế khoan khoái. Bất kể những dụng công kỹ thuật, cái tình của ê-kíp với mảnh đất phương Nam rất rõ, dù đôi khi bị dẫn dắt bởi hư cấu/thương mại. Tôi nghĩ Hội đồng duyệt cấp phép cho phim bởi nhận ra cái tình kia lớn hơn hẳn so với những sơ suất. Và quan trọng, họ hiểu biết nghề điện ảnh, phân biệt được sự khác nhau giữa các thể loại.
Tôi tán đồng ý kiến của Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khi bảo vệ phim, nhưng không đồng ý 2 chữ độ lượng của anh khi nói “chúng ta nên có cái nhìn độ lượng và rộng mở để phim ảnh có cơ hội được thở”. Nghệ thuật nguyên sơ không có phạm trù truy bức hay độ lượng. Thưởng thức nghệ thuật chỉ cần sự công bằng, hiểu biết ở người xem lẫn người quản lý. Tôi cảm kích Cục Điện ảnh đương nhiệm đã bản lĩnh trước áp lực, nhờ vậy một bộ phim tâm huyết, kỳ công đã không bị vùi dập oan uổng.
Nhân Liên hoan phim quốc gia lần thứ 23 đang diễn ra ở Đà Lạt, tôi bỗng mong Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định cởi mở hơn với người Việt năm châu: chỉ duyệt cấp phép cho thành phẩm, không câu nệ giấy xin quay. Bởi đôi khi các cá nhân, không sản xuất điện ảnh chuyên nghiệp, chỉ quay tư liệu riêng khi có dịp về quê, rồi một ngày bỗng muốn dựng các ký ức kia thành tác phẩm.
Liên hoan phim Việt Nam sẽ thành công đột phá khi những tưng bừng lễ hội dẫn lối cho hưng phấn cởi mở…