Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra vào các ngày 29 và 30/9 tới đây. Đánh giá lại chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ 2019-2024, hệ thống MTTQ các cấp TPHCM đã có nhiều công trình, mô hình, cá nhân điển hình tiêu biểu. Ở từng công việc, nội dung đều được MTTQ các cấp chăm chút, nuôi dưỡng, tận tâm thực hiện để mang lại nhiều giá trị thiết thực cho nhân dân, cho cộng đồng.
Trường Sa giữa lòng thành phố
Một ngày tháng Chín, đi ngang qua Trường tiểu học Võ Trường Toản trên con đường D9 (khu phố 12, phường 14, quận 10), ai cũng ngạc nhiên khi thấy cột mốc đảo Trường Sa được dựng sát bên bức tường trường học. Phía sau cột mốc là màu xanh của biển cả mênh mông, xa xa là hình ảnh nhà giàn DK1.
Hình ảnh biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc hiện ra sống động trên bức tường. Phía trên, một cây sứ vươn cành nở những chùm hoa trắng. Dưới chân cột mốc là vạt cỏ cúc mặt trời chạy dọc vỉa hè, xen kẽ là nhiều loài hoa đang khoe sắc. Phía trong bức tường, ở trên cao, tiếng trẻ rộn ràng vọng xuống. Tất cả hòa quyện thành một bức tranh thật đẹp.
|
Các đại biểu cùng người dân địa phương tham quan “Vườn Trường Sa” trong ngày khánh thành - ẢNH: T.T. |
Nhiều khách đi đường đã dừng lại chụp hình, thích thú đọc thông tin trên tường… Khi mọi người đã vãn, chị Oanh - chủ một hàng nước giải khát gần đó - đến bắt chuyện với tôi: “Đẹp lắm phải không! Ai đi ngang cũng chạy chậm lại để ngắm, hoặc dừng xe check-in. Tui ngồi đây, ngày nào cũng ngắm mà vẫn thích”. Nói rồi, chị lại hộc tủ phía sau một bụi cây mở nước tưới cỏ cây…
Đó là “Vườn Trường Sa” - nơi cách đây hơn 1 năm, là “điểm đen” về rác, là nỗi ám ảnh của học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản.
Chị Oanh kể, chị bán nước ở đây đã hơn 2 năm. Ngày ấy, nơi đây chẳng khác đất hoang. Mặc dù có đường, vỉa hè rộng rãi, nhưng phần đất ngoài bức tường đã trở thành bãi rác khổng lồ, hôi thối. Mùa mưa, nước đọng, tình hình mất vệ sinh càng thêm nghiêm trọng.
Vì khu vực này không có nhà dân nên không ai “kêu”, nhưng thầy trò Trường tiểu học Võ Trường Toản thì “kêu” dài cổ, vì học sinh không thể tập trung học hành. “Vậy mà kỳ tích chưa, bãi rác trở thành vườn hoa nhanh thiệt. Ai cũng tấm tắc khen” - chị Oanh khoe.
Bà Hoàng Kim Chi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 14, quận 10 - khẳng định, kỳ tích không tự nhiên có mà nó đến từ sức mạnh của sự đồng thuận. Theo lời bà, khu đất 72m2 thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông, nên trước đó, địa phương muốn cải tạo cũng không làm được. Nhưng khi nghe nhà trường phản ánh, phường kiểm tra và nhận thấy không thể để tình trạng như vậy kéo dài thêm nữa. Được UBND phường giao nhiệm vụ, Ủy ban MTTQ phường quyết tâm giải tỏa điểm đen này.
Đầu năm 2023, mặt trận động viên lực lượng dân quân, các thành viên trong khu phố mỗi người góp một tay. Suốt mấy tháng trời, tất cả 25 tấn rác, xà bần được chuyển đi. Khi không gian thoáng đãng, bà Hoàng Kim Chi bàn với khu phố trồng cây, trồng hoa lên khu đất.
“Chúng tôi trồng mấy đợt, nhưng cây đều chết do đất bị ô nhiễm nặng. Nhiều người đề xuất đổ bê tông rồi xây bồn, nhưng làm như vậy thì nước mưa không có chỗ thoát, nước ngập sẽ nghiêm trọng hơn. Do đó, tôi quyết tâm móc hết lớp đất cũ lên, rồi mua đất sạch đổ vào” - bà Hoàng Kim Chi kể.
Không chỉ chuyển hóa điểm đen môi trường thành một điểm xanh, sạch, công trình còn là cách thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam phường 14, tiến tới Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM nhiệm kỳ 2024-2029. Ý nghĩa hơn nữa là trong chuyến công tác cùng đoàn đại biểu TPHCM ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào tháng Tư vừa qua, bà Hoàng Kim Chi đã được các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn tặng cây bàng vuông về trồng bổ sung cho “Vườn Trường Sa”.
Bà chia sẻ, công trình được thực hiện với mong muốn góp phần tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thành phố cùng hướng về Trường Sa, cùng thực hiện công trình lớn “Vì Trường Sa xanh” đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động từ năm 2023 với mục tiêu phủ xanh vùng đảo Tổ quốc.
“Vườn Trường Sa” đã được trao giải Nhất cuộc thi “Xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần thứ 3 - năm 2024” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức bởi sự thiết thực, ý nghĩa chính trị và đặc biệt là ý nghĩa to lớn trong việc huy động sức mạnh tổng hợp từ nhân dân.
Bà Hoàng Kim Chi cho biết thêm, công trình có tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng hoàn toàn từ xã hội hóa, chưa tính đến công sức của hàng trăm người bỏ ra. Ngoài ra, hệ thống nước tưới, chăm sóc khu vườn đều do dân đóng góp.
Hiệu quả đến từ cộng đồng
Không chỉ có “Vườn Trường Sa”, những công trình dựa vào sức dân đã được nhân rộng ra khắp nơi trong thành phố. Từ những bãi rác, đã mọc lên những khu vui chơi, khu tập thể dục thể thao, không gian xanh để người dân cùng thụ hưởng. Nhờ sự chung tay, góp sức của người dân mà thành phố có những khu dân cư sạch - xanh.
Đó là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024 và cụ thể hóa nội dung thực hiện Cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh, thân thiện với môi trường do Ủy ban MTTQ phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện.
|
Khu đất bỏ hoang tại phường 7, quận 11 nay thành “Không gian xanh”, là điểm vui chơi, sinh hoạt của người dân - ẢNH: TRANG NGUYỄN |
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, việc đưa vào áp dụng các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng được xem là hướng tiếp cận quan trọng, lâu dài và bền vững, có hiệu quả thực sự. Cũng vì thế, 3 năm qua, tổ chức này đã tổ chức hội thi “Xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư”.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - thông tin, qua 3 năm tổ chức, đã có 1.825 công trình sạch, xanh và thân thiện môi trường dự thi cấp quận, huyện, 136 công trình dự thi cấp thành phố và 105 sản phẩm, công trình được trao giải.
Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng và được công nhận 1.722 khu dân cư đạt tiêu chí “Khu dân cư sạch, xanh, thân thiện với môi trường”, đạt tỉ lệ 172,2% chỉ tiêu đề ra. Đồng thời công nhận 264 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện với môi trường”.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã triển khai xây dựng khu dân cư Đoàn kết - Nghĩa tình - Tự quản và đến nay có 223 khu dân cư được các quận huyện công nhận danh hiệu này.
Việc xây dựng các khu dân cư Đoàn kết - Nghĩa tình - Tự quản đã góp phần phát huy tinh thần tự quản của nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện quy ước của khu dân cư; tham gia tự quản trong việc gìn giữ an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống các tệ nạn xã hội...
Cầu nối phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” của nhân dân Những ngày tháng Chín, cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã để lại nhiều tổn thất nặng nề, 15 tỉnh phía Bắc và người dân đang gồng mình ứng phó với bão, lũ. Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã ủng hộ ngay 120 tỉ đồng, đồng thời kêu gọi và vận động nhân dân thành phố, người Việt Nam ở nước ngoài phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Khắp TPHCM, các hoạt động quyên góp, hỗ trợ, ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ diễn ra sôi nổi mà Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trở thành đầu mối đáng tin cậy. Ngay trong buổi phát động vào chiều 12/9, đã có 91 doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ủng hộ số tiền 58 tỉ 235 triệu đồng, trong đó hàng hóa là 6 tỉ 290 triệu đồng. |
Thu Lê - Trang Nguyễn
Kỳ tới: Góp sức bằng trí tuệ và trái tim yêu thương