Nhân lên nghĩa cử đẹp

09/01/2023 - 06:53

PNO - Đồng hành cùng Báo Phụ nữ TPHCM trong các hoạt động chăm lo tết cho trẻ mồ côi, con em công nhân, người lao động khó khăn trong những ngày qua, một nhà hảo tâm là người nước ngoài có nhiều năm sinh sống ở TPHCM tỏ ra xúc động.

Ông nói: “Tôi ngạc nhiên và ngưỡng mộ về sự chăm lo cho nhau của người Việt Nam. Không như nhiều quốc gia mà tôi từng đến, ở đây, mọi người, mọi tổ chức đều tham gia hoạt động thiện nguyện, chăm lo cho nhau”. Một trong số chúng tôi giải thích: “Là vì đất nước chúng tôi còn nhiều người nghèo và nghĩa tình là phẩm chất đặc trưng của người dân chúng tôi”. 

“Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” là những câu tục ngữ đã truyền qua bao đời, biến thành nghĩa cử tương thân tương ái rất tự nhiên của mỗi người Việt Nam. 

Đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM tặng quà chăm lo tết đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm - Ảnh: Thái Phương
Đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM tặng quà chăm lo tết đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm - Ảnh: Thái Phương

Dịch COVID-19 vừa qua đã chứng kiến những câu chuyện “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nhưng không đợi đến khi có biến cố, mà trong mỗi ngày của cuộc sống bình thường của nhiều chục năm qua, mọi người đã giúp nhau, người có giúp người khó, người khó giúp người khó hơn, thể hiện qua quán cơm 2.000 đồng, bình nước miễn phí bên vỉa hè, những người lặng lẽ may chăn, áo ấm gửi đến người cần. 

Mỗi khi tết đến gần, hoạt động chăm lo cho các đối tượng yếu thế càng sôi động, để những nhà, những người khó khăn nhất cũng có được cái tết no đủ, ấm áp.

Riêng ở TPHCM, những tháng cuối năm, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gặp khó khiến không ít công nhân mất việc. Chính quyền các cấp cùng các đoàn thể đã kịp thời tìm cách kết nối cung cầu lao động để công nhân tiếp tục có việc, có lương, vận động doanh nghiệp cố gắng tìm nguồn để trả lương, thưởng cho người lao động, quyên góp để tặng tiền, quà cho công nhân.

Ngày 26/12, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 16 về chăm lo tết Quý Mão 2023 với phương châm “Tết yên vui - đầm ấm - an toàn - tiết kiệm”, trong đó yêu cầu chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo tết đến với mọi nhà, mọi người. Ngoài số tiền do các tổ chức chính trị xã hội vận động, quyên góp, UBND TPHCM cũng chi gần 927 tỉ đồng từ ngân sách (tăng 10% so với năm ngoái) để chăm lo cho đồng bào thành phố và những địa phương còn khó khăn.

Trong các hoạt động tương trợ nhau dịp tết, không thể không nhắc đến hoạt động chăm lo cho nhau giữa các công dân, dù bản thân không phải là người khá giả. Có chị phụ nữ giúp việc nhà thường hỏi xin gia chủ và hàng xóm của họ quạt, bàn ủi, ổ điện hỏng để mang đi sửa, tặng cho người nghèo. Có gia đình năm nào cũng trích phần lớn lợi nhuận từ các đơn hàng vắt sổ, sửa quần áo để mua trữ dầu ăn, gạo, mắm, hột vịt trong nhà, ai cần thì giúp. Có ông lão nghèo cứ cuối tuần lại đẩy xe bán quần áo với giá 0 đồng…

TPHCM là địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình Xóa đói giảm nghèo - tiền thân của chương trình Giảm nghèo bền vững, được áp dụng trên cả nước. Chương trình này ngày càng được xây dựng bài bản với các tiêu chí cụ thể, chuẩn nghèo cũng được nâng dần đi kèm nhiều giải pháp, chính sách nhằm từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân. 

TPHCM không chỉ năng động, sáng tạo trong các mô hình phát triển kinh tế mà còn trong các mô hình an sinh xã hội. Không chỉ chăm lo cho các đối tượng ở TPHCM, nhiều năm qua, chính quyền thành phố cùng các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức thiện nguyện còn hỗ trợ tiền của cho nhiều vùng, nhiều người ở khắp mọi tỉnh, thành. 

Hy vọng trong năm mới và các năm tới, kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển để đóng góp nguồn lực nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước, để giảm bớt số hộ nghèo, để nhiều người dân có nguồn tài chính dồi dào chăm lo cho người khó hơn mình. 

Và cũng tin chắc rằng, dù thành phố còn nhiều thách thức, nhưng những hành động nghĩa tình, những nghĩa cử đẹp vẫn sẽ ngày càng được nhân lên. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI