Nhận diện thông tin tiêu cực trên không gian mạng để bảo vệ đất nước

20/07/2024 - 16:54

PNO - Chiều ngày 20/7, Đảng uỷ khối cơ sở Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (Khoá XII), đồng thời tập huấn nghiệp vụ công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội tại thành phố Cần Thơ.

Tại hội nghị, ông Đỗ Quyết Thắng - Ban tuyên giáo Thành uỷ TPHCM - cho biết trên không gian mạng, trong thời gian gần đây, có rất nhiều thông tin sai trái. Các thế lực thù địch tận dụng triệt để không gian mạng để hạ bệ uy tín của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Mạng internet vào Việt Nam từ năm 1997 và trở thành xu hướng của người dân nước ta. Bên cạnh những lợi ích mạng internet mang đến cho xã hội thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các quốc gia trên thế giới đều có những chính sách, chiến lược để bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, nước ta cũng không ngoại lệ.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lên - Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ khối cơ sở Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội nghị. (ảnh: Thanh Huyền).
Ông Nguyễn Hoàng Lên - Phó bí thư thường trực Đảng uỷ khối cơ sở Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: Thanh Huyền

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, có hơn 72 triệu người dùng internet, gần 79% dân số dùng internet và con số này ngày càng gia tăng. Hiện nay, thời gian trung bình người dân Việt Nam sử dụng mạng internet vào mạng xã hội là hơn 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày…Điều này cho thấy thông tin của người dùng mạng internet tại Việt Nam tạo ra các luồng thông tin rất lớn.

Uớc tính Việt Nam đang có hơn 300 nền tảng mạng xã hội. Đa số người Việt Nam quan tâm và dùng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook. TPHCM với hơn 10 triệu dân thì có tới 22 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook (thậm chí nhiều người dùng 2 - 3 tài khoản mạng xã hội khác nhau). Những mạng xã hội này không đặt văn phòng, máy chủ tại Việt Nam nên cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn khi yêu cầu gỡ bỏ các thông tin xấu, độc.

Thực trạng không gian mạng như thế đã mở ra rất nhiều thách thức với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước. Việt Nam chiếm tổng số 5% các cuộc tấn công mạng đã được phát hiện trên toàn cầu, xếp thứ 3 trong danh sách dễ bị tấn công nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, ông Đỗ Quyết Thắng cho rằng nhận diện được phương thức lợi dụng không gian mạng để chống phá và các hành vi vi phạm pháp luật trên không mạng là vô cùng cần thiết.

Những phương thức phải kể tới như xuyên tạc hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (bịa đặt về thông tin sức khoẻ, xuyên tạc gây chia rẽ nội bộ). Từ tháng 3 - tháng 6/2024 có khoảng hơn 19 ngàn tin bài xuyên tạc như vậy. Tiếp đến, là các thông tin xuyên tạc về văn bản luật, các chủ trương, chính sách mới.

Thậm chí, các thế lực thù địch còn tập trung tấn công hạ bệ lực lượng công an, quân đội của chúng ta. Không chỉ vậy, những nội dung chống phá mới của các thế lực thù địch còn liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo (công bố báo cáo, tài liệu đánh giá thiếu khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo…).

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (Khoá XII) và buổi tập huấn nghiệp vụ công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội diễn ra vào chiều ngày 20/7 tại Thành phố Cần Thơ (ảnh: Thanh Huyền).
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (Khoá XII) và buổi tập huấn nghiệp vụ công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội diễn ra vào chiều ngày 20/7 tại Thành phố Cần Thơ - Ảnh: Thanh Huyền

Bên cạnh đó, một số hội nhóm, tổ chức phản động, chống đối xuyên tạc chủ trương, đường lối của chúng ta nhằm lôi kéo những người có biểu hiện nhẹ dạ, đẩy các nội dung mang yếu tố kích động, thậm chí tổ chức khủng bố trên không gian mạng và thực địa. Một số phương thức khác phải kể tới như sử dụng quá trình tấn công mạng, lợi dụng lỗ hổng bảo mật của các trang web, thiết bị nhằm thu thập dữ liệu để tấn công trong bí mật.

Các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc chủ yếu có tên miền nước ngoài (.com, .org), ngoài ra là các trang hoạt động trong thời gian dài và có số lượng người theo dõi lớn (giật gân, gây sốc, gây tò mò), các trang sử dụng nền tảng mạng xã hội nước ngoài (có máy chủ ở nước ngoài, có thái độ không thân thiện với đất nước của chúng ta).

Đối với công tác sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết số 35-NQ/TW, ông Đỗ Quyết Thắng nhận định rằng thành quả đạt được rất nhiều nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế như một số cán bộ chậm nắm bắt dư luận xã hội, chưa chủ động và quyết liệt xử lý vụ việc, thiếu kỹ năng truyền thông… Qua đó, ban chỉ đạo đặt ra 4 yêu cầu rằng các Đảng viên cần phối hợp chặt chẽ, nhận diện đúng và trúng các vấn đề thông tin xấu, độc, lan toả rộng rãi các thông tin tích cực, pha loãng thông tin xấu độc, đấu tranh kịp thời các nơi phát tán thông tin tiêu cực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước, anh ninh quốc gia.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI