Nhận diện mặc cảm

18/06/2014 - 22:55

PNO - PN - Chào chị Hạnh Dung! Em 40 tuổi, là giáo viên.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Có lẽ nghề nghiệp đã phần nào tác động đến tính cách nên em khá nghiêm túc trong chuyện tình cảm. Cách đây hai năm, một người bạn học cũ nối lại liên lạc với em, anh cũng đang dạy ở một trường khác cùng tỉnh. Em nghĩ bạn bè lâu ngày gặp lại là chuyện bình thường, không ngờ anh ấy thổ lộ là ngày xưa anh thầm yêu em, giờ vẫn còn yêu. Nghĩ mình là phụ nữ đã có chồng, em cắt đứt liên lạc, kể hết mọi chuyện cho chồng em biết. Từ đó, chồng em bắt đầu ghen tuông nghi ngờ. Anh nặng nhẹ đủ điều, nói cô muốn theo ai thì theo, để hai con lại tôi nuôi; tôi chỉ là thằng công nhân nghèo, nhưng tôi không muốn bị cắm sừng. Những lúc nhậu xỉn, anh lại đem em ra chửi bới to tiếng, thô tục, làm em nhục nhã với hàng xóm. Em đi làm mặc cái áo đẹp anh cũng chửi, về trễ một chút thì hỏi cô đi với ai. Anh còn lên tận trường em để quậy. Hè này trường em cho đi nghỉ mát Vũng Tàu, anh chửi thứ đồ đàn bà già rồi còn đi với trai. Em vẫn ý thức gìn giữ hạnh phúc gia đình, em cố giải thích mà chồng em không chịu nghe. Giờ em phải làm sao đây?

Trần Thị Chính (Long An)

Nhan dien mac cam

Chị Chính thân mến,

Việc “kể hết mọi chuyện cho chồng biết”, trong hoàn cảnh gia đình chị, chưa hẳn là giải pháp tốt. Nhưng chuyện đã rồi, giờ chỉ nên tập trung giải quyết những rắc rối đang gặp phải. Có hai việc cần giải quyết: thứ nhất là việc mình bị nghi oan, bị xúc phạm; thứ nhì là, chồng mình ghen tuông nghi ngờ, đối xử không đúng với mình. Muốn gỡ được hai chuyện này, phải nhận ra một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là nỗi mặc cảm trong chồng mình. So ra về nghề nghiệp, anh ấy có thể đã sẵn mặc cảm thua vợ. Nay thêm chuyện người bạn cũ của chị, anh có thể mặc cảm vì mình cũng thua người đàn ông ấy. Chị và bạn lại đang cùng môi trường làm việc, cùng “đẳng cấp”, nên có thể dễ đồng cảm, dễ chia sẻ, dễ dẫn đến những cái dễ khác… Chồng chị cứ vậy mà suy diễn, nên ghen tuông kéo dài.

Bây giờ, chị không phải chỉ chịu nhịn một mà cần nhịn gấp đôi, gấp ba nếu muốn giữ hạnh phúc. Chị phải khẳng định một cách bền bỉ với chồng về tình yêu của mình, khẳng định sự tôn trọng chồng, yêu quý chăm sóc các con. Trong giai đoạn này, chị phải cố tránh tất cả những chuyện có thể làm bùng lên trong anh nỗi mặc cảm đó. Có thể mình sẽ phải bớt ăn mặc đẹp, bớt đi ra ngoài nhiều mà không rõ lý do, bớt chuyện vui chơi nghỉ mát mà không có mặt chồng. Thay vào đó là nghỉ ngơi cùng chồng con, tham gia vào những hoạt động mà ở đó anh được khẳng định vị trí, khẳng định bản lĩnh đàn ông, ví dụ về thăm cha mẹ hai bên, sắm sửa đẹp mặt cho chồng, để chồng được họ hàng, bạn bè khen là lo được chu toàn gia đình, có uy với vợ con, có hiếu với cha mẹ… Những việc đó sẽ giúp anh bớt dần mặc cảm và nhất là xua tan được cái cảm giác bị vợ coi thường. Về lâu về dài, khi chuyện đã qua, chị có thể động viên anh phấn đấu nâng cao chuyên môn, lên được vị trí tốt hơn, hoặc học thêm để nâng kiến thức, nhằm đạt đến sự cân bằng trong gia đình.

Về việc mình không hề có quan hệ với ai, mình nghiêm túc, nhà trường biết, hàng xóm chung quanh cũng biết, chồng chị có to tiếng, người ta cũng hiểu là chồng chị ghen, nên sẽ thông cảm. Chị không phải thanh minh hay lên tiếng phản bác lại chồng, chỉ ồn ào thêm vô ích. Mọi chuyện sẽ dần dần lắng xuống. Người ta bảo “sông có khúc người có lúc”, đời sống hôn nhân cũng có những thác ghềnh, mỗi người chịu nín nhịn, dẹp bớt cái tôi của mình một chút, mới có thể cùng đi bên nhau lâu dài được. Cũng có thể coi đây là chuyện vui, vì người ta có yêu, có sợ mất mình thì mới ghen tuông. Vấn đề còn lại là tránh những cơn quá đà, tránh lỡ lời sau này lại ân hận. Chúc chị kiên nhẫn và thành công.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI